Học sinh giỏi VN ngày càng kém... thế giới

Thứ Tư, 13/10/2010, 10:45
Nhật Bản xếp sau Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2004, nhưng kể từ năm 2005, họ vươn lên trên và đứng vững ở tốp đầu. Thái Lan, từ chỗ có thứ hạng rất xa so với Việt Nam, từ năm 2006 đã bắt đầu đuổi kịp chúng ta và liên tiếp 3 năm gần đây, đã vượt xa chúng ta, dần dần đẩy đội tuyển Việt Nam ra khỏi tốp những đội tuyển mạnh của Olympic toán quốc tế.

Trong 2 ngày 12, 13/10, tại Hà Nội, Bộ GD & ĐT đã tổ chức hội thảo toàn quốc về công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia (HSGQG), tuyển chọn và tập huấn các đội tuyển quốc tế và khu vực. Có một nghịch lý đáng buồn là số lượng giải thưởng trong các kỳ thi HSGQG ngày một tăng, nhưng tại các đấu trường quốc tế và khu vực, chất lượng của chúng ta lại giảm sút dần, bị nhiều nước lấn lướt.

"Cơn mưa" giải thưởng

Theo thống kê của Bộ GD & ĐT, năm 2006 chúng ta chỉ có 38 giải nhất trong kỳ thi HSGQG, thì đến năm 2010 đã tăng lên 82 giải nhất; giải nhì tăng từ 338 giải lên 442 giải, giải ba từ 749 giải lên 945 giải. Giải thưởng nhiều đến mức có nhà giáo đã nói vui rằng, thi học sinh giỏi như phong trào "săn bắt hái lượm", "một cơn mưa giải thưởng" sau các kỳ thi, nhưng đáng suy ngẫm là chất lượng của giải lại rất "phổ thông". Nói cách khác, chúng ta vẫn trong tình trạng thừa giải thưởng, nhưng thiếu đỉnh cao.

Nhiều giáo viên dự hội thảo, trong đó có TS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu ĐH Quốc gia TP HCM, nhận xét rằng, phong trào thi HSGQG đang có chiều hướng đi xuống. Nguyên nhân là do tính thực dụng của học sinh và phụ huynh, do chế độ đãi ngộ đối với giáo viên giảng dạy học sinh giỏi và do chúng ta đang thiếu đội ngũ giáo viên giỏi một cách trầm trọng.

Những thầy giáo có thâm niên dẫn đoàn, thâm niên bồi dưỡng đội tuyển quốc tế cũng có nhiều tâm tư. GS.TSKH Hà Huy Khoái (Viện Toán học) cho biết, ngoại trừ thành tích cao của năm 2007 (năm Việt Nam đăng cai thi toán quốc tế và đứng ở vị trí thứ 3), thì kể từ năm 2005, đội tuyển toán của Việt Nam rơi vào tốp 11 - 15. Nếu xu hướng này không được cải thiện, có lẽ chúng ta sẽ ở trong tốp 16 - 20, như một số chuyên gia đã dự đoán từ trước.

Ba thí sinh của Việt Nam với các bạn quốc tế tại kỳ thi Olimpiad Sinh học lần thứ 21 tại Changwon, Hàn Quốc năm 2010.

Trong khi đó, Nhật Bản xếp sau Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2004, nhưng kể từ năm 2005, họ vươn lên trên và đứng vững ở tốp đầu. Thái Lan, từ chỗ có thứ hạng rất xa so với Việt Nam, từ năm 2006 đã bắt đầu đuổi kịp chúng ta và liên tiếp 3 năm gần đây, đã vượt xa chúng ta, dần dần đẩy đội tuyển Việt Nam ra khỏi tốp những đội tuyển mạnh của Olympic toán quốc tế.

Giáo sư Nguyễn Thế Khôi (ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng thẳng thắn thừa nhận, cách đây khoảng 5 năm về trước, thành tích của đoàn ta vào loại cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, nhưng đến nay thì các nước như Indonesia, Singapore đã đuổi kịp và vượt qua chúng ta. Với môn Sinh học, trong 15 năm tham dự, chúng ta mới chỉ có 1 HCV duy nhất của 1 học sinh thuộc bảng B trong kỳ thi chọn HSGQG.

Cần nhiều trường chuyên mạnh

Như vậy, rõ ràng công tác thi HSGQG và tuyển chọn, tập huấn đội tuyển thi quốc tế của chúng ta có vấn đề. Theo giảng viên Nguyễn Thanh Tùng, ĐH Bách khoa Hà Nội phân tích thì ở các tỉnh chúng ta chưa chuẩn bị được học sinh giỏi (HSG) có trình độ "quốc gia" cần thiết; cho đến năm 2010 vẫn tồn tại nhiều tỉnh, thành và đơn vị dạy, bồi dưỡng, chọn lọc HSG bằng những nội dung của năm 1990.

Ngay như môn Sinh học, theo TS. Phạm Văn Lập, ĐH Khoa học tự nhiên cho hay, nội dung đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia có nhiều bất cập, như "không đồng trục kiến thức trong các kỳ thi HSG"; nhiều đề thi quốc gia ra những bài tập di truyền đòi hỏi những kỹ thuật toán hoá một cách máy móc và không hề xảy ra trong thực tế, trong khi các đề Sinh học quốc tế chỉ sử dụng toán thống kê xác suất để làm sáng tỏ quy luật di truyền. Đề thi hiện nay cũng ít đánh giá được năng lực vận dụng, giải quyết vấn đề. Và đặc biệt, theo nhiều đại biểu tham dự hội thảo nhận xét, học sinh giỏi của ta rất kém về bài tập thực nghiệm.

GS Nguyễn Thế Khôi cho hay, không thể nói là nếu có nhiều học sinh đi thi quốc gia, quốc tế thì có nghĩa là chúng ta có một nền giáo dục tốt. Có thể thấy phần lớn những học sinh tham gia các đội tuyển đều đến từ các trường THPT chuyên. Theo GS Khôi, chúng ta cần có những trường chuyên mạnh, vì trường chuyên còn là mô hình, kiểu mẫu nhiều mặt để phát triển các trường khác.

Còn GS Hà Huy Khoái đề xuất, Bộ GD & ĐT nên tổ chức những lớp tập huấn liên tỉnh để học sinh có điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau (Nhật Bản tổ chức bồi dưỡng HSG qua mạng 2 tháng, sau đó mới tập trung; Đức đưa đội tuyển đi học ở 4 trường ĐH khác nhau và kết thúc tại Viện Toán học…). Tài liệu học tập cho HSG hiện nay cũng rất thiếu, theo GS Khoái, nên có một Quỹ hỗ trợ để bù đắp công sức cho các tác giả.

Về phía Bộ GD & ĐT cho biết, sắp tới sẽ cải tiến công tác tổ chức thi HSG QG theo hướng: tổ chức kỳ thi sớm hơn các năm trước khoảng 2 tháng; tăng số lượng học sinh trong các đội tuyển của các địa phương; tăng thời gian thi và số buổi thi. Bộ cũng sẽ tích cực chuẩn bị mọi mặt để có thể tổ chức thi thực hành đối với các môn khoa học thực nghiệm

Thu Phương
.
.
.