Học sinh đi xe máy, Hiệu trưởng chịu trách nhiệm?

Thứ Năm, 25/01/2007, 12:22

Công an Hà Nội vừa có công văn báo cáo Chủ tịch UBND TP và đề xuất: "Nếu trường nào còn để xảy ra tình trạng học sinh đi xe máy đến trường mà bị các lực lượng Công an kiểm tra, phát hiện thì Hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP".

Căn bệnh nhờn thuốc

Sở dĩ chúng tôi ví tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy giống như căn bệnh nhờn thuốc bởi thực tế này kéo dài đã nhiều năm nay, khi báo chí tuyên truyền mạnh, cơ quan Công an xử lý gắt gao thì tạm lắng, nhưng không bao lâu sau lại đâu vào đấy.

Trưa 23/1, gần đến giờ kết thúc buổi học sáng, trong quán nước đối diện với Trường THPT Việt - Đức có một tốp học sinh nam ngồi bàn tán chuyện rôm rả. Được chừng 5 phút thì tốp học sinh này đứng dậy và dắt xe máy xuống đường.

Tiếng nói chuyện, tiếng gọi nhau, tiếng rú ga làm ầm cả một quãng phố Lý Thường Kiệt. Tôi ghé mắt vào tấm cửa sắt khoá kín, thấy trong sân trường dựng khá nhiều xe máy. Tan học.

Cả đoạn phố náo nhiệt bởi nhiều cô cậu học trò hồn nhiên trèo lên xe máy, hồn nhiên đứng giữa lòng đường trò chuyện. Có học sinh vừa đèo bạn vừa nghe điện thoại di động. Nhiều ôtô, xe máy qua đường đã phải bấm còi inh ỏi để xin đường. Có học sinh ngồi trên xe máy đỗ dưới đường gọi bạn đang ở quán nước đối diện, rồi chờ nhau, từng tốp, từng tốp dàn hàng ngang trên đường.

Cá biệt còn có xe máy "kẹp ba" rú ga phóng vun vút trên đường. Những gương mặt non choẹt chưa đủ tuổi để điều khiển những chiếc xe máy phân khối lớn, đắt tiền kia đâu có biết, hiểm họa mất ATGT hay không đôi khi là ở chính họ.

Chỉ cách đây hai hôm, khi đi trên đường Nguyễn Thái Học, tôi bắt gặp cảnh ba học sinh đèo nhau trên chiếc xe SH. Khi đến đèn đỏ tại ngã tư Nguyễn Thái Học - Núi Trúc phát hiện thấy anh CSGT ra tín hiệu dừng xe, ba học sinh này đã lượn lách và chạy thục mạng để bỏ trốn.

Học sinh đi xe máy đèo 4 gây nguy hiểm trên đường.

Người đi đường ai cũng tò mò nhìn theo, người thì lắc đầu, người thì tỏ ý "cứ để chúng nó chạy". Vào giờ tan học, nhiều đoạn đường ở Hà Nội bị tắc nghẽn giao thông do học sinh tràn xuống lòng đường một lúc.

Tái diễn tình trạng học sinh ở một số trường THPT (thậm chí học sinh lớp 9) đi xe máy đến trường đã gây ra nhiều hậu họa, mà hậu họa lớn nhất là tính mạng con người.

Nâng cao nhận thức của toàn xã hội

Trong khi Bộ GTVT đang mở diễn đàn hiến kế giảm TNGT, thì tại sao ngay mỗi chúng ta, trong mỗi gia đình không tự nâng cao nhận thức, nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông?

Theo Công an TP Hà Nội, trong nhiều năm qua, Công an TP và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có sự phối kết hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục học sinh các cấp THCS, THPT. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hiện tượng học sinh tập trung gây mất trật tự giao thông tại cổng trường, điều khiển môtô, xe gắn máy vi phạm Luật Giao thông lại tái diễn, thậm chí gây hậu quả nghiêm trong, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội.

Năm 2006, Công an TP đã thụ lý 18 vụ tai nạn giao thông do người chưa thành niên gây ra, trong đó có một trường hợp người điều khiển xe môtô mới 15 tuổi. Trước bức xúc trên, Công an TP Hà Nội đã có công văn đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở GD&ĐT triển khai nội dung theo Nghị định 14 của Chính phủ, đề ra biện pháp chấm dứt tình trạng học sinh chưa đủ tuổi quy định của pháp luật đi học bằng môtô, xe gắn máy hoặc điều khiển môtô không có giấy phép lái xe.

Công an TP cũng đề xuất với UBND TP giao trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường THCS, THPT có trách nhiệm không để việc học sinh chưa có giấy phép lái xe, chưa đến tuổi điều khiển xe môtô, xe máy đến trường.

Nếu trường nào còn để xảy ra tình trạng trên, các lực lượng Công an kiểm tra phát hiện thì hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội sau khi xem xét đã có ý kiến chỉ đạo, giao cho Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Công an TP, UBND các quận, huyện tổ chức tuyên truyền, giáo dục học sinh nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT.

Tới đây, Sở GD&ĐT phải chỉ đạo các trường phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp có hiệu quả chấm dứt tình trạng trên.

Việc học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường, lỗi trước hết thuộc về sự nuông chiều của cha mẹ. Liệu tới đây Hà Nội có thực hiện được việc chấm dứt tình trạng học sinh đi xe máy đến trường theo chỉ đạo của TP hay không là điều mà dư luận đặc biệt quan tâm mong đợi?

Thiết nghĩ, các trường ở Hà Nội nên mở một chiến dịch bằng việc tuyên truyền, đồng thời phải có biện pháp xử lý nghiêm học sinh nào cố tình không thực hiện. Việc này không khó nếu như có sự vào cuộc tích cực của nhà trường và gia đình như không trông giữ xe máy cho học sinh…

Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, nếu gia đình nào cũng nhận thức đúng đắn việc vi phạm Luật Giao thông của con em mình, cương quyết không cho đi xe máy đến trường thì chắc chắn sẽ không gây nên chuyện

Trần Hằng
.
.
.