Học sinh Trường Thực nghiệm: Không sợ bị điểm kém

Thứ Tư, 30/04/2008, 15:15
Đây là một điều khá mới mẻ đã được duy trì nhiều năm tại Trường Tiểu học Thực nghiệm (Hà Nội). Và có lẽ đây là trường học duy nhất ở Việt Nam mà học trò đi học không sợ bị điểm kém. Tư duy của nhiều bậc cha mẹ học sinh cũng thay đổi. Con bị điểm kém, bố mẹ không trách mắng.

Ra đời từ năm 1978, công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại bắt đầu từ một trường thực nghiệm ở Hà Nội đã đi được chặng đường 30 năm, có giai đoạn đã lan tỏa khắp 43 tỉnh, thành phố.

Ngay như ở TP Hồ Chí Minh, có thời kỳ 60% học sinh lớp 1 đã học theo định hướng của công nghệ giáo dục mới của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, còn ở nhiều tỉnh vùng sâu, vùng xa, trẻ em dân tộc Chăm ở Bình Thuận, các dân tộc thiểu số ở Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng và 10 dân tộc xen kẽ tại Lào Cai, Lạng Sơn, Thái Nguyên… ngày càng thích học theo công nghệ mới của vị Giáo sư đã từng từ chối chức Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ để theo đuổi và nuôi một lý tưởng, một khát vọng lớn nhất trong đời mình: đi dạy học cho trẻ con.

Vậy ở trường thực nghiệm, trẻ được học như thế nào?

Đánh thức sáng tạo của con trẻ

Tôi xin dự giờ học với lớp 1C do cô giáo Nguyễn Bạch Yến làm chủ nhiệm. Thật thú vị vì cô giáo Nguyễn Bạch Yến chính là học sinh khoá I của trường từ năm 1978. Ngày đó, trường lớp đơn sơ hơn bây giờ rất nhiều, sách vở cũng ít hơn. Nhưng điều làm cô ấn tượng nhất là từ ngày đó, học sinh của trường thực nghiệm đã được học hành dân chủ, được quyền nói lên mọi suy nghĩ của mình.

Sau này khi lớn lên, bước vào cuộc sống lo toan, cô càng thấm thía bài học "dân chủ, tôn trọng học trò", nó giúp cô luôn tự tin trong mọi hoàn cảnh, dám độc lập suy nghĩ và luôn thấy lạc quan, yêu đời.

Tôi tò mò nhìn vào thời khoá biểu dán ở cửa lớp học, nó thật đặc biệt vì chỉ là những hình khối, ký tự do nhà trường tự quy ước. Ví như hình tam giác quy ước là môn toán, vòng tròn là tiếng Việt, cái kéo là môn thủ công, bông hoa là môn vẽ, cậu bé giơ hai tay là môn thể dục.

Theo cô Yến, cách thiết kế thời khoá biểu như vậy, học trò rất thích thú, buổi đầu đến trường, chúng ùa ra tíu tít kể cho cha mẹ biết sắp tới sẽ được học môn gì. Lớp học đầy ăm ắp tiếng cười. Chúng như đàn chim non ríu rít quanh cô giáo.

Cô Yến tâm sự: "Muốn học trò sửa sai thì dùng lời khen sẽ tốt hơn là nặng lời với chúng".. Hôm nay lớp 1C học vần "ay", cô Yến yêu cầu học sinh tìm từ có vần "ay". Một em giơ tay: "Thưa cô, em tìm được từ "mẹ mày!". Cô giáo nhẹ nhàng: "Em tìm đúng rồi, nhưng chưa được hay lắm". Nghĩ một lúc, học trò này lại giơ tay: "Thưa cô, mẹ hát rất hay", liền được cô khen.

Đây là một chi tiết nhỏ nhưng có điều gì thật khác trong phong cách sư phạm. Cô Yến bảo tôi, nếu mình đe nẹt chúng thì chúng sẽ rất sợ, mất tự tin và không bao giờ giơ tay phát biểu nữa. Ở lớp học của cô Yến và ở nhiều lớp học khác của trường thực nghiệm, những điều tưởng như nhỏ nhặt, vụn vặn nhất thì lại rất được trân trọng.

Ví như mỗi tháng, cô Yến sẽ thay lớp trưởng một lần, học sinh luân phiên làm lớp trưởng; hằng tuần sẽ đổi chỗ ngồi cho học sinh để không em nào bị mặc cảm khi bị ngồi ở phía dưới; thi thoảng lại xây dựng lại tổ trong lớp để tất cả các em đều được chơi thân thiện với nhau. Và cũng ở ngôi trường này, học trò đã thực sự làm chủ lớp học.

Mỗi giờ học là một giờ tự khám phá mình

Có lẽ thú vị nhất là khi đến với những cuốn sách giáo khoa của trường thực nghiệm. Nó mỏng hơn, ít chữ, ít số hơn, nhưng lại rất nhiều tranh ảnh.

Các nhà công nghệ giáo dục đã khẳng định: "Học toán là học làm toán. Làm toán cũng như làm mọi việc, kể cả việc trò chơi, trước hết phải có vật liệu để làm, như nấu cơm phải có gạo. Chơi bi thì phải có bi. Chơi oẳn tù tì thì phải có bàn tay".

Với cách dạy toán của "công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại", các em có thể giải thích được vì sao 2 + 4 lại bằng 6; 2<4; 4>1... Quy luật phép toán mà các thầy dạy chúng là, có 2 phần tử a, b ghép lại với nhau theo nguyên tắc T (T là phép toán bất kỳ, có thể là cộng, trừ, nhân, chia), sẽ cho ra phần tử thứ 3…

Như vậy, từ một phép toán đơn giản đó, con trẻ đã được tiếp xúc với những khái niệm cao hơn như tập hợp, phần tử. Tư duy theo hướng đi từ trừu tượng tới cụ thể, chúng sẽ dễ dàng khi tiếp xúc với các phép toán khó hơn, vì khi đó đầu óc bao quát hơn, chúng được thỏa thích mở mang và liên tưởng. Chúng cũng không bị đóng đinh bởi những công thức dập khuôn, nhất nhất 1+1 phải bằng 2, như một "con vẹt".

Sách giáo khoa tiếng Việt của học sinh trường thực nghiệm cũng được thiết kế theo một phong cách khác. Thay vì bắt đầu bằng việc phát âm a, b, c, d, e (đã có thời kỳ người ta tranh luận gay gắt khi sách giáo khoa thí điểm đưa chữ e học đầu tiên) thì ở đây, bài học đầu tiên của học sinh lớp 1 là về "tiếng" với những chủ đề như: tách ra từng tiếng, tiếng giống nhau, tiếng khác nhau, tiếng tách ra hai phần, đánh vần; sau đó trẻ sẽ được học về "âm" (nguyên âm, phụ âm và luật chính tả).

Để những quy tắc đó dễ được trẻ tiếp thu, các nhà công nghệ giáo dục đã lồng vào các câu thơ, ca dao, tục ngữ. Tôi cũng cảm thấy ngỡ ngàng khi cầm cuốn sách tiếng Việt tự học của học sinh lớp 1. Những bài học đầu tiên dành cho các em nhỏ lại là "Nước Việt Nam ta", "Các vua Hùng", "Chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh".

Đặc biệt hơn, các em còn được học những bài học ứng xử đầu tiên trong cuộc sống như tính thật thà, lòng dũng cảm, tính kiên nhẫn thông qua những bài dạy về vần, về cách phát âm, về quy tắc dấu…

Trẻ con không sợ khi bị điểm kém

Đó cũng là một điều khá mới mẻ đã được duy trì nhiều năm tại Trường Tiểu học Thực nghiệm. Và có lẽ đây là trường học duy nhất ở Việt Nam mà học trò đi học không sợ bị điểm kém. Điều này làm tôi nhớ đến lần trò chuyện với thầy Đặng Ngọc Riệp, từng là Giám đốc Trung tâm Công nghệ giáo dục (thầy Riệp đã mất sau một cơn tai biến mạch máu não cách đây vài năm).

Thầy quan niệm rằng, làm sao mà phải nhồi nhét vào đầu óc học sinh điểm chác, danh hiệu, như thế chúng sẽ già trước tuổi; tâm hồn trẻ mẫn cảm và tươi mới thì hãy để chúng hồn nhiên và vô tư học hành, nô đùa. Chúng cần được phát triển bình thường, cần được bình đẳng và thậm chí, chúng còn phải được đề cao, trân trọng ở mức tối đa. Trẻ em chính là cuộc sống của người lớn.

Tôi có biết một số  người cho con theo học ở trường này, họ tâm sự rằng, từ khi con họ đến với công nghệ giáo dục mới, chúng hoạt bát, năng động hơn nhiều. Chúng có thể giải thích với bố mẹ vì sao khi viết chính tả có lúc dùng chữ "ng", nhưng có lúc lại dùng chữ "ngh". Tư duy của nhiều bậc cha mẹ học sinh cũng thay đổi. Con bị điểm kém, bố mẹ không trách mắng.

Một cô giáo chủ nhiệm lớp 5 cho tôi biết, chị vui nhất khi nghe thấy các bà mẹ hỏi con hôm nay con học được cái gì, cô giáo dạy phép tính gì (chứ không phải là hôm nay con được mấy điểm)? Điều này giúp chúng ta lý giải vì sao rất đông học sinh theo học trường này khi thi vào cấp III, thi ĐH, điểm rất cao, các em vẫn phát triển toàn diện, bình đẳng.

Nhiều em đã trưởng thành, đỗ đạt, trở thành nhà khoa học, nhà giáo có uy tín. Nói như Giáo sư Hồ Ngọc Đại, ông hạnh phúc nhất khi học trò trường thực nghiệm được trang bị một "đầu óc vũ trang" chứ không phải "đầu óc chất đầy".

Và không ai có thể phủ nhận một thực tế là ngày càng có nhiều cha mẹ học sinh vẫn đang tha thiết muốn xin cho con mình vào học tại trường thực nghiệm.

Đó phải chăng là bằng chứng sinh động nhất để khẳng định sức sống mạnh mẽ, khẳng định bản chất khoa học và tiến bộ, nhân văn của một "công nghệ giáo dục" mới

Thu Phương
.
.
.