Hoàn thiện hệ thống thanh tra chuyên ngành ATTP: Yêu cầu cấp bách!

Thứ Tư, 26/09/2007, 09:39

Hiện nay, việc thanh tra chuyên ngành VSATTP tại tuyến tỉnh, huyện và xã vẫn do Thanh tra y tế kiêm nhiệm. Cả nước chỉ có khoảng 230 cán bộ làm công tác Thanh tra y tế. Trung bình mỗi tỉnh, thành chỉ có… 0,5 biên chế chuyên làm công tác quản lý ATTP, phụ trách từ 5.000 đến 30.000 cơ sở sản xuất chế biến và kinh doanh thực phẩm.

Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được ban hành từ năm 2003, tại Điều 45 đã quy định "việc thanh tra VSATTP là do Thanh tra chuyên ngành đảm nhiệm". Sau Pháp lệnh, hàng loạt văn bản đã được Chính phủ, Bộ Y tế, Cục Quản lý chất lượng VSATTP… ban hành nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng cho đến nay, lĩnh vực này hầu như còn bỏ ngỏ do chưa có hệ thống Thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Việc thanh tra chuyên ngành VSATTP tại tuyến tỉnh, huyện và tuyến xã vẫn do Thanh tra y tế kiêm nhiệm. Hệ thống Thanh tra y tế cũng chỉ mới có ở tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã hiện vẫn còn trống, bởi cả nước chỉ có khoảng 230 cán bộ làm công tác Thanh tra y tế. Trung bình mỗi tỉnh, thành chỉ có… 0,5 biên chế chuyên làm công tác quản lý ATTP, phụ trách từ 5.000 đến 30.000 cơ sở sản xuất chế biến và kinh doanh thực phẩm. Từ thực tế nhân lực quá ít này đã kéo theo hàng loạt vấn đề tồn tại trong lĩnh vực bảo đảm ATTP.

Việc quản lý, thanh tra chuyên ngành và kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại tuyến Trung ương có 2 cục quản lý chuyên ngành là Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế; Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy sản - Bộ Thủy sản (cũ). Tại tuyến tỉnh, biên chế bình quân trên cả nước hiện nay của các phòng nghiệp vụ y thuộc Sở Y tế là 3,9 người; Thanh tra y tế là 2,8 người, khoa VSATTP có 4,3 và khoa xét nghiệm đạt cao nhất cũng chỉ có 6,4 người.

Ngoài nhiệm vụ chính, lực lượng này được giao kiêm nhiệm công tác quản lý ATTP. Trong đó, biên chế chuyên trách công tác ATTP là: Khoa an toàn thực phẩm có 2,9 người, khoa xét nghiệm cũng chẳng nhiều hơn, chỉ có 3,2 người và phòng nghiệp vụ y có 0,5 người.

Biên chế nhân lực trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ quản lý ATTP tại các tuyến huyện, xã còn ít hơn nhiều. Tính bình quân, phòng y tế huyện có 0,3 người; trung tâm y tế dự phòng huyện là 0,9 người và trạm y tế xã có 0,5 người.

Biên chế đội ngũ chuyên môn quá ít như vậy đã dẫn tới hàng loạt vấn đề tồn tại như: Cả nước mới chỉ có khoảng 45/64 tỉnh, thành xây dựng được kế hoạch hành động bảo đảm ATTP của địa phương đến năm 2010; 82,1% số quận, huyện và 47,8% số xã, phường xây dựng được kế hoạch bảo đảm ATTP hàng năm cho địa phương. Số xã có ban chỉ đạo liên ngành VSATTP do lãnh đạo UBND làm trưởng ban đạt 54,6%; ở huyện là 85,7%.

Lực lượng quá mỏng như vậy, tình trạng triển khai thực hiện kế hoạch rất hạn chế. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, chế biến chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện rất thấp, đa số chưa được kiểm soát hoặc mới kiểm soát được một phần, còn lại đang… thả nổi!     

Cũng do chưa có hệ thống Thanh tra chuyên ngành thống nhất, nên việc thanh kiểm tra chỉ được thực hiện khi có sự vụ xảy ra hoặc vào những dịp cao điểm. Đáp ứng được một phần rất nhỏ yêu cầu, không bao trùm được mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm. Bình quân mỗi năm cấp xã có 0,2 lượt đoàn, cấp huyện 0,4 lượt đoàn và cấp tỉnh là 1,07 lượt đoàn kiểm tra, thanh tra.

Công tác quản lý hoạt động kiểm nghiệm ATTP cũng vậy, theo đánh giá trong báo cáo chuyên đề của ông Phó cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm trình bày tại hội nghị tập huấn mới đây thì "việc quản lý kiểm nghiệm ATTP rất khó khăn do hệ thống kiểm nghiệm nằm rải rác ở nhiều Bộ, ngành. Năng lực kiểm nghiệm giữa các labor không đồng nhất, chưa có labor trọng tài quốc gia… đã dẫn tới tình trạng kết quả xét nghiệm giữa các labor còn rất khác nhau, gây tranh cãi.

Hoạt động đảm bảo ATTP cho bữa ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp trước xu thế gia tăng nhanh như hiện nay cũng chẳng khá hơn. Mới chỉ có 52,6% đạt về điều kiện ATTP, nhưng các cơ sở phục vụ cho bếp ăn tập thể phần lớn chưa được cấp phép đủ điều kiện ATTP đã dẫn tới hàng loạt vụ ngộ độc tập thể trên cả nước thời gian qua.

"Khẩn trương kiện toàn, tăng cường năng lực hệ thống quản lý, hệ thống thanh tra VSATTP và hệ thống kiểm nghiệm VSATTP từ Trung ương đến địa phương…" là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg, đối với các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị

Đức Thắng
.
.
.