Hoa quả nhập khẩu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật: Người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình

Chủ Nhật, 30/09/2012, 18:15
Sau 1 tuần Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo kết quả kiểm tra tại một số cửa khẩu phát hiện một số loại trái cây bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, trên thị trường Hà Nội các mặt hàng này đã vắng bóng người mua. Người tiêu dùng đang tỏ ra dè dặt với các loại trái cây nhập khẩu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, tất cả các hoa quả đã được lưu thông trong nước đều đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm!
>> Nhiều mẫu rau, hoa quả và thủy sản nhiễm hóa chất

Người tiêu dùng dè dặt trái cây ngoại

Là người thường xuyên mua trái lựu về cho gia đình sử dụng, chị Nguyễn Thị Phương, ở phường Đại La, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Lựu rất tốt cho sức khoẻ, thế nên ngày nào thực đơn của tôi cũng có món này. Nhưng từ khi có thông tin tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, tôi đã tẩy chay luôn, cương quyết không mua lựu về ăn nữa”. Chị Phương cũng tỏ ra khá lo lắng vì trước đó ăn rất nhiều, không biết có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không? Đây cũng là tâm lý chung của khá nhiều các bà nội trợ khi mua sắm trái cây.

“Nhiều loại trái cây như nho, mận… mua về để cả tuần trong tủ lạnh mà chẳng thấy bị khô héo hay hỏng gì cả, vẫn tươi nguyên như mới hái trên cây về. Những loại trái cây này vốn rất ngon nhưng tôi lo sợ không an toàn nên cũng đã hạn chế mua”, chị Mai Hằng, trú phường Nhật Tân, Hà Nội tâm sự. Người tiêu dùng đang quay lưng với những loại trái cây ngoại, không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến nó đang dần vắng bóng người mua.

Chị Hà, kinh doanh quầy trái cây trên đường Đội Cấn cho biết: “Nho, lựu bán ế hẳn. Trước đây mận đỏ, mận tím nhập của Trung Quốc bán khá chạy, nhưng nay cũng không bán được luôn. Vì thế tôi chỉ dám lấy một lượng nhỏ nho về bán thôi”. Nhiều người đã chuyển hẳn sang chỉ sử dụng những trái cây trong nước như ổi, thanh long, xoài, củ đậu…

Như anh Trần Xuân Hải, trú tại đường Kim Mã, Hà Nội cho hay: Gia đình anh chỉ sử dụng các loại hoa quả có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được bày bán trong siêu thị hay các loại hoa quả nội bán rong như ổi, củ đậu…

Không chỉ dè dặt với trái cây ngoại, khi trên thị trường bỗng nhiên xuất hiện ồ ạt một loại trái cây nào đó với giá rẻ, người tiêu dùng cũng cảm thấy lo lắng loại quả đó được nhập khẩu từ đâu, có đảm bảo an toàn hay không? Hiện nay, tại các chợ xuất hiện nhiều trái cây như hồng ngâm, chanh leo, cam…

Người tiêu dùng tỏ ra dè dặt với trái cây ngoại.

Theo ông Nguyễn Quang Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, Lạng Sơn thì không có danh mục 3 loại trái cây là hồng ngâm, chanh leo, cam nhập qua cửa khẩu Tân Thanh. Vậy, hồng ngâm, chanh leo, cam là trái cây trong nước, đặc biệt hồng ngâm được bà con trồng nhiều ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. 

Cơ quan quản lý: Trái cây lưu thông trong nước đều đảm bảo an toàn

Có thể nhận thấy, sau nhiều thông tin liên quan đến việc các loại hoa quả nhập khẩu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật… đang tràn lan xuất hiện trên thị trường, tâm lý người tiêu dùng tỏ ra dè dặt trước các loại trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, trái cây gắn mác “ngoại”. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, tất cả các loại hoa quả nhập khẩu đã được lưu thông trong nước thì người dân có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng. Bởi lẽ, các loại hoa quả này khi nhập khẩu vào nước ta đều đã được trạm kiểm dịch tại các cửa khẩu kiểm tra đảm bảo an toàn. Những loại trái cây nào không an toàn cho người tiêu dùng đều được các cơ quan chức năng kịp thời kiểm định và ngăn chặn ngay từ cửa khẩu.

Cũng theo ông Hồng thì nhiều phương tiện truyền thông đưa tin về việc các loại trái cây chủ yếu được nhập về Việt Nam theo con đường tiểu ngạch. Trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Hoa quả nhập về Việt Nam chủ yếu đi qua các cửa khẩu chính ngạch. Chính vì vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm khi sử dụng trái cây bày bán trong nước.

Tuy nhiên, cũng liên quan đến vấn đề kiểm dịch rau quả, thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật đã từng cho biết, các trạm kiểm dịch thực vật ở cửa khẩu, sân bay hay bến cảng đều chưa có phòng thí nghiệm, máy móc cũng như con người có thể phân tích các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cửa khẩu, sân bay hay bến cảng đối với rau quả vẫn dựa vào cảm tính, cảm quan. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, mới lấy mẫu gửi về 2 phòng phân tích đặt ở Hà Nội và TP HCM để kiểm tra. Trong khi đó, phải 7 ngày sau mới có kết quả phân tích, kiểm tra. Vì thời gian để phân tích một mẫu rau, quả kéo dài, trong khi, nông sản tươi không để lâu ở cửa khẩu, phải cho lô hàng lưu thông ngay sau khi chưa có kết quả. Nếu 7 ngày sau, kết quả kiểm tra phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, hoặc phát hiện chất cấm thì lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Công tác kiểm dịch tại các cửa khẩu là như vậy thử hỏi người tiêu dùng có thể yên tâm được hay không khi sử dụng các loại hoa quả đang được bày bán trong nước?

Mỗi ngày có hàng chục tấn trái cây đủ các loại vẫn ồ ạt qua các cửa khẩu trong khi việc kiểm tra chỉ lấy một số mẫu ngẫu nhiên nên khó kiểm soát chặt chẽ được. Thiết nghĩ, để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng tự phải bảo vệ mình, nên lựa chọn mua hoa quả tại các siêu thị, quầy kinh doanh uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đồng thời cơ quan chức năng cũng cần phải có biện pháp kiểm tra chặt chẽ, không thể chỉ phó mặc cho người dân

Đình Phương
.
.
.