Hòa giải viên tận tụy

Thứ Năm, 24/06/2010, 15:39

Từ năm 1990 đến nay, ông - một người dân bình dị đã hòa giải được hàng trăm vụ mâu thuẫn, ly hôn, bạo hành, ngăn cản được những vụ ẩu đả, mất đoàn kết, an ninh trật tự thôn xóm. Ông rất được người dân kính nể, vì sự nhiệt tình, sự tận tụy với công tác xã hội. Ông là Trần Kim Khánh, một hòa giải viên của xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Nhiệt tình với công việc

Theo lời các cán bộ của Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình, tôi đã tìm về thôn Ái Quốc, xã Bình Định để gặp "ông hòa giải" nhiệt tình, được UBND tỉnh khen ngợi. Khi gặp con người mộc mạc, chất phác ấy, tôi biết là những lời khen của cán bộ Sở Tư pháp  tỉnh là rất đúng. Ông ăn nói hoạt bát, hiểu biết, có lý có tình, đi vào lòng người. Nhờ uy tín, cộng thêm năng khiếu hòa giải, ông Khánh đã thành công trong công tác xã hội của mình. Năm 2000, ông đi thi Hòa giải viên giỏi của tỉnh và đạt giải nhì.

Ông Trần Kim Khánh, sinh năm 1942, là quân nhân, được chuyển sang làm cán bộ Thanh tra của Công ty Xây lắp điện I Thái Bình. Năm 1990, ông nghỉ hưu sớm, về địa phương tham gia công tác xã hội, được gọi là "người vác tù và hàng tổng". Sống với dân, tiếp xúc với dân hàng ngày, ông thường gặp những mâu thuẫn, thậm chí rất nhỏ, nhưng cũng dẫn đến xô xát, mất đoàn kết, ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm. Thấy thế ông buồn lắm, nhưng cũng nhận ra rằng, chủ yếu là do người dân không hiểu biết pháp luật, nên cứ "làm căng" vấn đề lên, dẫn đến mất cả lý lẫn tình. Vốn là cán bộ Thanh tra, ông Khánh từng được học sơ qua về luật, cộng thêm vốn hiểu biết xã hội, ông đi đến quyết định: là người đứng giữa, hòa giải những bất hòa ấy giúp dân.

Ông Khánh và những bằng khen ghi nhận thành tích hòa giải.

Khi gặp các mâu thuẫn, với trách nhiệm một đảng viên, ông Khánh thường tìm hiểu kỹ nguyên nhân, lựa lời khuyên giải các bên tự kiềm chế, tự ngồi lại với nhau với phương châm: "Trăm điều to không bằng một lời nói nhỏ". Ông cũng gợi mở cho các bên tự thấy cái đúng, cái sai để dẹp đi sự bất hòa, hướng tới mục đích cao cả là tình làng, nghĩa xóm. Cái "mẹo" của ông Khánh là, trước khi "đấm" thì ông "xoa", ông vỗ về.

Ban đầu, ông chỉ ra những cái đúng, cái rất được của người này, rồi nhẹ nhàng chỉ ra cái sai của họ và nói họ nên sửa, khiến cho họ cảm thấy... mát lòng mát dạ, sẵn sàng bắt tay với người mà chỉ một giờ trước thôi, họ đã rất căm thù. 20 năm qua, không biết bao nhiêu vụ xô xát trong làng, trong xã đã xảy ra. Có khi chỉ là con gà sang vườn nhà hàng xóm, có khi chỉ là cái cây đổ, có khi chỉ vì chút rượu chè... do trình độ dân trí thấp, người dân quanh năm sống trong làng, dễ sinh ra chuyện "cà khịa", đánh chửi nhau.

Có vụ ở thôn không giải quyết được, phải đưa lên Ban Tư pháp xã Bình Định. Nhiều vụ, ông Khánh và các cộng sự chỉ làm trong 10 phút, nhưng cũng có vụ 5 năm, 10 năm, trải qua ba đời Tư pháp xã mới giải quyết ổn thỏa. Công việc của xã hội, nhưng ông Khánh coi như việc của gia đình mình, tận tâm tận lực, bao giờ xong mới nhẹ lòng.

Phải giúp dân hiểu luật

Làm hòa giải viên, bắt buộc người đó phải gương mẫu, sống đạo đức, không có điều tiếng xấu, như vậy nói người ta mới nghe. Ông Khánh bảo, cái khó của việc hòa giải, chính là nhiều người trình độ thấp. Khi hòa giải, không được nhắc đến luật, mà phải nói lý và tình trước, thuyết phục người ta nghe lời. Cho đến khi họ bớt nóng nảy, ông Khánh mới đưa luật ra áp dụng, khiến cho dân tâm phục, khẩu phục. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, với tư cách là Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh xã, thành viên CLB Trợ giúp pháp lý xã Bình Định, ông Khánh thường lồng ghép những vấn đề pháp luật liên quan hàng ngày, tuyên truyền đến mọi người dân...

Tôi hỏi: Nhìn xóm làng có vẻ bình yên đấy chứ ạ? Ông Khánh nói: "Không, nhìn có vẻ bình yên thế thôi, nhưng ở đây người dân sống cũng phức tạp. Nó là các sinh hoạt dân cư đời thường mà, không tránh khỏi những mâu thuẫn". Anh Nguyễn Văn Bình - Cán bộ Tư pháp xã Bình Định cho biết: "Ông Khánh làm trong Ban hòa giải xã, giúp hòa giải nhiều vụ như tranh chấp đất đai, ly hôn, bạo hành, đánh nhau... Ông luôn làm việc có lý, có tình, làm không công và được bà con tín nhiệm. Nếu không có ông, chắc đã có nhiều vụ án mạng xảy ra".

Ngày 27/3/2010, ông Khánh được đi Hội nghị điển hình tiên tiến ngành Tư pháp Thái Bình (2005-2010). Trong báo cáo, ông có kể một số câu chuyện tranh chấp, cãi vã, cảm tưởng sẽ xảy ra án mạng đến nơi. Trong đó có vụ liên quan đến việc mua bán lợn. Người này cầm dao đi truy lùng người khác để chém, hoặc có người đã nhờ nhóm đầu gấu ở xã khác đến can thiệp. Sau khi nghe trình bày sự việc, ông Khánh đã động viên người cầm dao hãy bình tĩnh. Hành vi mang dao đến nhà người khác đe dọa là vi phạm pháp luật. Ông Khánh đã khiến hai người nóng nảy này bắt tay nhau, xóa bỏ thù hận, xin lỗi tập thể vì đã gây phiền hà cho tập thể.

Ông Khánh coi việc đi hòa giải là việc rèn luyện sự mềm mỏng của mình, là đi giúp cho đời sự tốt đẹp. Ông cũng cho hay, một vụ việc chỉ được giải quyết dứt điểm và có hiệu quả cao khi người hòa giải bên cạnh việc căn cứ vào các chuẩn mực đạo đức, phong tục, tập quán còn cần phải nắm vững và vận dụng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là những quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân. Giúp ích cho đời, ông Khánh đã nhận được nhiều bằng khen, đến nỗi ông không thể nhớ hết. Với ông, có lẽ loại bằng khen quý nhất là tình đoàn kết, sự bình yên của làng xóm. Còn với những cán bộ ngành Tư pháp Thái Bình, với tôi, ông Khánh là một bông hoa đẹp của vùng quê lúa

Nguyễn Văn Học
.
.
.