Hóa giải những mâu thuẫn trong bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai

Thứ Tư, 10/06/2015, 10:08
Hệ thống sông Đồng Nai giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của 11 tỉnh, thành nằm trong lưu vực như Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Tiền Giang… Tuy nhiên, trên vùng lưu vực này đang diễn ra những mâu thuẫn hết sức gay gắt giữa các mục tiêu khai thác, sử dụng nguồn nước sông để phát triển kinh tế - xã hội trong hiện tại với các mục tiêu quản lý, bảo vệ nguồn nước để sử dụng lâu dài, bền vững.

Theo kết quả quan trắc, nguồn nước trong lưu vực sông Đồng Nai, nguồn nước hiện đang bị ô nhiễm về giá trị BOD5 (lượng ô xy cần thiết để ô xy hóa hết chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn) và COD (lượng ô xy cần thiết để vi sinh vật ô xy hóa các chất hữu cơ) vượt tiêu chuẩn A1 (dùng làm nguồn cấp nước cho mục đích sinh hoạt).

Sông Đồng Nai có vai trò đặc biệt quan trọng với đời sống của người dân Nam Bộ.

Mẫu nước khu vực bến đò Uyên Hưng (TX Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) có giá trị BOD5  cao hơn so với các mẫu nước ở các địa phương khác gần đó. Nguyên nhân là do nước thải sinh hoạt của các hộ dân ở TX Tân Uyên, việc lập bè nuôi cá của một số hộ dân trong khu vực. Nhưng nguyên nhân chính dẫn đến việc nước trong gần toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm là do nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, sản xuất tại các làng nghề, nước thải sinh hoạt, y tế, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Trong đó, nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt chiếm tỷ lệ lớn nhất. Theo thống kê của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, trên lưu vực hiện có 60 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, trong đó chỉ mới có 20 khu, cụm công nghiệp, khu chế suất có xây dựng hệ thống xử lý nước thải, số còn lại đều xả thải nước trực tiếp ra sông. Tỉnh Đồng Nai có lượng nước thải ra sông chiếm 52,7%, TP Hồ Chí Minh 23%, Bình Dương 9%...

Rõ ràng, từ yêu cầu phát triển công nghiệp, nông nghiệp, chăn nuôi, khai thác khoáng sản, nơi chứa nước thải sinh hoạt, y tế... mà nước trên lưu vực sông Đồng Nai đang ngày càng bị ô nhiễm. Để bảo vệ môi trường nước lưu vực Đồng Nai, bảo vệ nguồn nước, sử dụng bền vững cần có sự đóng góp tích cực, quyết liệt và đồng bộ giữa các địa phương nằm trên lưu vực. Nếu chỉ một tỉnh, thành làm tốt, các tỉnh, thành khác không quan tâm, chỉ lo đến lợi ích phát triển kinh tế của riêng địa phương mình thì chắc chắn trong một tương lai không xa, nguồn nước sông Đồng Nai sẽ bị ô nhiễm nặng.

Theo ông Lê Thanh Cung - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương kiêm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực nước sông Đồng Nai, việc quản lý và bảo vệ môi trường lưu vực nước sông Đồng Nai cần được thực hiện đồng bộ và thống nhất giữa các địa phương trên lưu vực sông. Cần phải có kế hoạch hành động cụ thể và dành nguồn ngân sách cần thiết cho hoạt động quản lý nguồn tài nguyên nước, bảo vệ môi trường lưu vực sông hướng đến mục tiêu phát triển bền vững KT - XH của từng địa phương và của vùng Đông Nam Bộ.

Theo đó, nguyên tắc phối hợp là bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Bảo đảm tính đồng thuận trong quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở vùng giáp ranh nhưng không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan địa phương tham gia phối hợp bảo đảm tính chủ động, kịp thời, hiệu quả và thống nhất trong công tác thanh, kiểm tra trong phạm vi vùng giáp ranh.

Kinh nghiệm cho thấy, nếu xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường trên lưu vực theo kiểu vụ việc xảy ra ở đâu thì địa phương ấy làm thì chẳng những hiệu quả không cao mà còn dẫn đến những tiêu cực không thể tránh khỏi. Do vậy, có ý kiến cho rằng, ở các địa phương giáp ranh, các tổ công tác được quyền truy bắt, xử lý đối tượng vi phạm mà không cần phân biệt địa giới hành chính, chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng nơi xảy ra vi phạm để xử lý theo luật định.

Là một trong những địa phương được chọn để triển khai dự án “tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại lưu vực sông” của Bộ TN&MT được sự giúp đỡ của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tỉnh Bình Dương sẽ được JICA tư vấn xây dựng các văn bản pháp lý liên quan đến tài nguyên nước. Tháng 8/2015, JICA sẽ tiến hành xây dựng mô hình thí điểm tại Bình Dương thực hiện dự án “quản lý và bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai” từ nay đến hết năm 2018.

Ngọc Ánh
.
.
.