Hỗ trợ tối đa các gia đình tại phố cổ Hà Nội phải di dời
Ngày 16/1, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, đề án giãn dân phố cổ Hà Nội nhằm mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 xuống 500 người/ha đến năm 2020, được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 được thực hiện với diện tích hơn 11ha tại khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên), di dời 1.530 hộ dân. Sang giai đoạn 2, quận sẽ đề nghị TP bố trí quỹ đất 30ha để di dời hơn 5.000 hộ dân, và sẽ kết thúc đề án vào năm 2020.
Liên quan đến việc giải quyết công ăn việc làm cho các hộ dân sau khi di dời, ông Phạm Tuấn Long - đại diện Ban quản lý các dự án khu phố cổ cho biết, khu đô thị Việt Hưng được thiết kế với không gian tầng một dành cho chính người dân trong khu đô thị, tạo điều kiện để họ lập kiốt kinh doanh sinh sống.
Một góc phố cổ Hà Nội. |
Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùng, 4 nhóm đối tượng trong diện di dời (các hộ gia đình đang sống trong các khu đình, đền, chùa, di tích, khu trường học, trụ sở các cơ quan trong địa bàn quận; các hộ dân sống tại các công trình đặc biệt cần bảo hộ; các hộ dân sống trong một nhà có đông hộ; nhà xuống cấp nguy hiểm) sẽ được hưởng chính sách GPMB nhà nước đang thực hiện với mức giá cao nhất 162 triệu đồng/m², và được hưởng chính sách tái định cư tại nơi ở mới. Phần diện tích sau khi thu hồi sẽ phục vụ mục đích chung.
Đối với các hộ dân diện tích đang ở rất bé, không đủ tiền mua căn hộ tái định cư thì sẽ được ở căn hộ tái định cư diện tích dưới 30m² và không phải trả tiền. Còn nếu có nhu cầu ở căn hộ trên 30m², sẽ áp dụng chính sách trả chậm, hoặc có quyền được thuê mua căn hộ. Đối với các hộ không đăng ký mua, nhà nước sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng. Khi nhận nhà tái định cư, người dân có quyền bán, nhưng không được quay trở lại nơi ở cũ trong phố cổ.