Ngân hàng Chính sách xã hội TP HCM:

Hỗ trợ tín dụng, tạo việc làm cho 17 vạn lượt người

Thứ Ba, 23/04/2013, 17:21
Trong 10 năm qua (2003 – 2012), nguồn vốn tín dụng ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) TP HCM đã góp phần ổn định việc làm, hạn chế tái nghèo, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên (năm 2004, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia). Đến cuối năm 2012, chỉ còn 38.632 hộ chiếm tỉ lệ 2,12% tổng số hộ dân. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần tạo thêm được 171.050 việc làm mới.

Chị Hồ Thị Thanh Thúy (42 tuổi), thuộc diện hộ nghèo của ấp 2 xã Qui Đức, huyện Bình Chánh. Tổng số nhân khẩu gia đình chị Thúy là 5 người, gồm 2 vợ chồng và 3 người con, thu nhập chủ yếu từ chăn nuôi và làm ruộng. “Khi chưa được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bình Chánh, gia đình tôi đã rất vất vả với việc đi làm thuê; thu nhập của 2 vợ chồng phải sử dụng rất tiết kiệm để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày và nuôi 3 con ăn học. Vào những lúc các cháu đau ốm, bệnh tật tình hình kinh tế gia đình càng eo hẹp hơn, thu nhập không đủ bù đắp chi tiêu nên phải đi vay ở bên ngoài với lãi suất rất cao” - chị Thúy chia sẻ.

Năm 2007, thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, nhờ UBND xã Qui Đức và các tổ chức hội đoàn thể xã, gia đình chị được biết đến các chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ để hỗ trợ cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Số tiền vay là 32 triệu đồng, chị sử dụng vào mục đích là đóng học phí và trang trải chi phí học tập khác cho con.

Tháng 6/2010, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, chị được Ngân hàng CSXH huyện Bình Chánh cho vay số tiền là 8 triệu đồng để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Đến tháng 5/2011, chị vay chương trình hộ nghèo 10 triệu đồng để mua thêm heo giống. Từ đó, vợ chồng chị tập trung chăn nuôi phát triển đàn heo.

Cuối năm 2011, khi đứa con thứ hai vào học cao đẳng , gia đình đã được tiếp tục vay vốn chương trình học sinh sinh viên với số tiền được duyệt là 30 triệu đồng cho khóa học 2011-2014.

“Khi tham gia vào tổ tiết kiệm và vay vốn, tôi cũng đã được phổ biến rất rõ quy định hoạt động của tổ, nên suốt quá trình vay vốn tôi đã thực hiện đúng những cam kết về việc đóng lãi và để dành tiết kiệm hàng tháng thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn” - chị Thúy bày tỏ.

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP HCM làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.

Gia đình bà Lê Hồng Chúc (58 tuổi, trú tại 84/89E Đoàn Văn Bơ phường 14, quận 4, TP Hồ Chí Minh) có 4 nhân khẩu với thu nhập chính chủ yếu từ công việc buôn bán cà phê, nước giải khát.

Bà tâm sự, trước đây gia đình rất khó khăn, chồng bệnh nặng, một mình bươn chải làm nhiều công việc để có thu nhập nuôi gia đình và 2 con ăn học, cuộc sống luôn thiếu trước, hụt sau. Cuối năm 2009, bà được Hội Phụ nữ phường 14 giới thiệu và hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn hộ nghèo từ Ngân hàng CSXH quận 4, vay 30 triệu đồng đầu tư mở quán nhỏ tại nhà để bán cà phê, giải khát.

Đến năm 2011, hết một vòng vay vốn 2 năm, bà tiếp tục vay vốn từ Chương trình Quỹ quốc gia về việc làm của Ngân hàng CSXH. “Nhờ có sẵn vốn nên tôi có thể mua tích trữ được một lượng hàng để bán không lo giá cả nguyên vật liệu lên xuống bất thường. Hàng tháng, ngoài việc trả lãi vay tôi đều duy trì gửi một khoản tiết kiệm thông qua tổ TK&VV để sau này trả nợ khi đến hạn” - bà giãi bày.

Đó chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp thay đổi hoàn cảnh nhờ vốn vay từ Ngân hàng CSXH. Trong 10 năm qua (2003 – 2012), nguồn vốn tín dụng ưu đãi Ngân hàng CSXH TP HCM đã góp phần ổn định việc làm, hạn chế tái nghèo, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên (năm 2004, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia). Sau 10 năm hoạt động, tổng doanh số cho vay của Ngân hàng CSXH Thành phố đạt hơn 5.700 tỷ đồng. Đến cuối năm 2012, chỉ còn 38.632 hộ chiếm tỉ lệ 2,12% tổng số hộ dân. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần tạo thêm được 171.050 việc làm mới.

Năm 2012, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại Ngân hàng CSXH chi nhánh TP HCM đạt 2.477 tỷ đồng, tăng 2.365 tỷ đồng (gấp 21 lần) so với thời điểm mới bắt đầu hoạt động (đầu năm 2003), bình quân mỗi năm tăng 23%, trong đó nguồn vốn thuộc Ngân sách Trung ương 1.885 tỷ đồng, chiếm 76,1% tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ đạt 2.165,7 tỷ đồng, tăng 2.068,1 tỷ đồng (tăng gần 22 lần) so với thời điểm mới thành lập và nhận bàn giao các chương trình cho vay, thực hiện cho vay 9 chương trình tín dụng ưu đãi của Trung ương và thành phố.

Dư nợ tập trung chủ yếu vào 5 chương trình tín dụng là: cho vay hộ nghèo 795 tỷ đồng (chiếm 36,75%/tổng dư nợ), cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 632 tỷ đồng (chiếm 29,2%), cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 277 tỷ đồng (chiếm 12,79%), cho vay vốn quỹ quốc gia về việc làm 278 tỷ đồng (chiếm 12,86%) và cho vay giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi 134 tỷ đồng (chiếm 6,2%). Dư nợ 5 chương trình kể trên chiếm 97,78% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay đối tượng là người nghèo, hộ nghèo thuộc các chương trình tín dụng chiếm 47,14%/tổng dư nợ, cho vay các đối tượng chính sách khác chiếm 52,86%.

Ngân hàng CSXH thành phố xây dựng một số mục tiêu, định hướng hoạt động cụ thể như 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng CSXH cung cấp. Dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 5% (60 tỷ -100 tỷ đồng).

Nhiều người thoát nghèo nhờ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ông Lê Huy Dân - Giám đốc Ngân hàng CSXH TP HCM, cho hay, từ nay đến năm 2020, 100% hộ nghèo nếu hội tụ các điều kiện, có nhu cầu vay vốn và đưa vào sản xuất kinh doanh thì sẽ được tiếp cận với các dịch vụ của ngân hàng chính sách để vay vốn. Nguồn vốn hiện nay là 795 tỷ đồng sẽ được quay vòng cho vay cải thiện đời sống. Về thủ tục đơn giản, gọn nhẹ: hộ nghèo chỉ cần làm đơn vay vốn, được ban xóa đói giảm nghèo xác nhận là hộ nghèo và được tổ tiết kiệm vay vốn trình lên ngân hàng chính sách thì sẽ được cho vay.

Mục tiêu đến năm 2020 là bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách của Nhà nước; đồng thời, phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trên cơ sở đó và căn cứ các chương trình mục tiêu thành phố đang phấn đấu thực hiện như: Chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá; Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường; chương trình xây dựng 100% số xã hoàn thành các tiêu chí về xã nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn…

Thu Hoài
.
.
.