Hồ đập thủy lợi đồng loạt “kêu cứu” trong mùa mưa bão
10 năm mới hoàn thành sửa chữa 23% hồ đập xuống cấp
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Hoàng Văn Thắng, hiện cả nước có 6.648 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 11 tỷ m3. Trong đó 560 hồ chứa lớn dung tích hơn 3 triệu m3 hoặc đập cao trên 15m, hơn 1.700 hồ có dung tích trữ từ 0,2 đến 3 triệu m3, còn lại hơn 4.300 hồ có dung tích nhỏ dưới 0,2 triệu m3. Ông Thắng nhận định, trong số này còn khoảng 1.150 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp và thiếu khả năng xả lũ cần phải sửa chữa, nâng cấp. Nguy hiểm hơn, có 334 hồ chứa bị hư hỏng cần bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm 2014, nhiều hồ chứa không có khả năng tích nước phục vụ sản xuất. Đặc biệt, đối với các hồ chứa có dung tích trữ nhỏ hơn 1 triệu m3, hầu hết công trình bị xuống cấp, thiếu năng lực xả lũ theo tiêu chuẩn thiết kế mới.
Trên thực tế, công tác sửa chữa nâng cấp chỉ mới tập trung được cho các hồ có dung tích hơn 3 triệu m3, còn các hồ nhỏ hơn hầu như chưa được thực hiện, cho nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao trong các mùa mưa lũ. Trong khi đó, hệ thống hồ đập có vai trò rất quan trọng trong cung cấp nước phục vụ thuỷ điện, tưới tiêu, điều tiết phòng chống lũ… Rất nhiều hồ đập có vị trí rất quan trọng đối với an toàn ở vùng hạ lưu. Bộ NN&PTNT cho biết, chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa được thực hiện từ năm 2003, với mục tiêu nâng cấp 1.800 hồ nhưng đến nay mới sửa chữa trên 500 hồ, đạt 23% kế hoạch của 10 năm trước.
Vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 (Gia Lai) ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân. Ảnh: BGL. |
Địa phương không “gánh” nổi chi phí sửa chữa hồ đập
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An, ông Nguyễn Văn Đệ, đại diện tỉnh có số lượng hồ chứa lớn nhất cả nước cho biết, địa phương này đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn hồ đập. Nghệ An có tới 625 hồ chứa, trong đó phần lớn có thời gian sử dụng từ 30 đến 40 năm, cá biệt có hồ đã được xây dựng cách đây hơn 50 năm, được xây dựng theo quy trình, quy phạm cũ, thi công không đồng bộ, công tác vận hành, quản lý hồ cũng có nhiều hạn chế. Đặc biệt, đối với các hồ chứa do xã, hợp tác xã quản lý thì việc duy tu, sửa chữa thường xuyên không được thực hiện, hoặc quản lý nhưng không có hồ sơ công trình, tài liệu thiết kế ban đầu; người quản lý chưa qua lớp đào tạo, không chuyên trách... Nguy cơ mất an toàn hồ đập là hiện hữu, trong khi đó vốn đầu tư sửa chữa đã ít lại dàn trải, nhiều hồ đập chưa được đầu tư.
Theo ông Đệ, để giải quyết vấn đề mất an toàn hồ đập cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Riêng giai đoạn 2014-2016, tỉnh này cần tới tới 487 tỷ đồng phục vụ cho 420 hồ yếu, còn nếu tu sửa tất cả các hồ trên địa bàn thì kinh phí lên tới khoảng 1.100 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này lớn, ngân sách địa phương không đủ sức.
Ông Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn Việt Nam cho rằng, hiện nay pháp luật còn nhiều lỗ hổng về tiêu chuẩn pháp lý đối với chủ đầu tư, người thiết kế hồ đập. Ai cũng làm được thiết kế đập, ai cũng xây dựng được đập trong khi đây là những công trình đòi hỏi chuyên môn cao, đã khiến tình trạng đập nhanh hư hỏng, mất an toàn xảy ra. Mặt khác, sở dĩ hồ đập thường trực nguy cơ mất an toàn vì mỗi địa phương quản một kiểu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng khẳng định, các địa phương, và cả Bộ NN&PTNT cần linh hoạt hơn trong công tác bố trí kinh phí tu sửa thường xuyên, giúp các địa phương tu sửa kịp thời các hạng mục, công trình hồ chứa có nguy cơ không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. “Thêm vào đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương cần có dự báo về mưa, lũ chi tiết, đặc biệt ở những vũng có hồ đập lớn; phối hợp ngành thủy lợi để bảo đảm các đơn vị quản lý thủy nông chủ động vận hành tích nước, xả lũ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh”, ông Thắng đề nghị. Về thể chế, cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước tại địa phương để kiểm tra, giám sát an toàn ngay từ khi bắt đầu xây dựng công trình...