Hiệu quả từ mô hình ‘Khu dân cư an toàn, bình yên, không có tội phạm và tệ nạn’
Hơn một năm về trước, thôn 17, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin là địa phương có tình hình ANTT khá phức tạp, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân còn thấp, tội phạm hoạt động có chiều hướng gia tăng về tính chất và mức độ. Trước tình hình đó, đầu năm 2014, Công an tỉnh Đắk Lắk đã chọn thôn 17 làm mô hình điểm “Khu dân cư an toàn, bình yên, không tội phạm và tệ nạn xã hội”. Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo mô hình điểm đã thành lập 5 tổ an ninh trật tự với 180 thành viên tham gia. Những người có uy tín trong thôn, xóm được chọn làm tổ trưởng, tổ phó để thường xuyên tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ban tự quản thôn 17, xã Ea Ning thường xuyên phối hợp với Công an xã vận động nhân dân chấp hành tốt pháp luật. |
Đặc biệt là vào mùa thu hoạch, một số đối tượng trộm cắp nông sản trên nương rẫy của người dân cũng được các tổ tự quản kịp thời phát giác, bảo đảm an toàn tài sản cho nhân dân. Ông Lê Xuân Mao, trưởng thôn 17 cho biết: “Thời gian trước, mỗi khi xẩm tối nhà ai cũng “cửa đóng then cài” vì sợ bọn tội phạm lợi dụng đêm tối để trộm cắp, gây rối. Sau khi triển khai mô hình điểm, người dân đã tự giác bỏ tiền mắc bóng điện thắp sáng đường làng ngõ xóm để bảo vệ ANTT. Ngoài ra, bà con còn góp tiền mua kẻng để báo động mỗi khi có sự việc mất ANTT trong thôn”.
Không chỉ làm tốt công tác bảo đảm ANTT, Ban tự quản thôn 17 cũng thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, trò chuyện, lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân nhằm hạn chế những xích mích, vụn vặn trong cuộc sống, nâng cao tinh thần đoàn kết, thắt chặt tình làng nghĩa xóm… Đối với những đối tượng vừa chấp hành án trở về, chính quyền địa phương đã phối hợp với Ban tự quản thôn, Đoàn thanh niên thường xuyên gặp gỡ, động viên các đối tượng, giúp họ tự tin tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời đứng ra tín chấp ngân hàng chính sách cho các đối tượng này vay vốn để làm ăn phát triển kinh tế. Anh H.K.D (vừa chấp hành án tù về vì tội cố ý gây thương tích) đã được Hội Nông dân xã hỗ trợ kiến thức trồng tiêu, cà phê và đứng ra tín chấp ngân hàng cho anh vay 20 triệu đồng làm vốn khởi nghiệp, giúp anh và gia đình có công việc ổn định, trở thành công dân tốt của xã hội…
Có thể nói, sau hơn 1 năm triển khai mô hình điểm, các tệ nạn xã hội trên địa bàn thôn đã được đẩy lùi, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã ổn định, bà con yên tâm lao động sản xuất phát triển kinh tế, đời sống dần được nâng cao. Kết quả là trong năm 2014, trên địa bàn thôn chỉ xảy ra một vụ cố ý gây thương tích, không xảy ra vụ phạm pháp hình sự nào. Không chỉ nỗ lực trong công tác bảo đảm ANTT tại địa phương, Ban tự quản thôn cùng nhân dân thôn 17 còn tích cực thực hiện trong phong trào xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế. Riêng trong năm 2014, nhân dân thôn 17 đã đóng góp gần 500 triệu đồng, hàng trăm ngày công để thi công 5km đường giao thông nội thôn. Các gia đình thuộc hộ nghèo của thôn cũng được vay vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo, từ đó diện mạo địa phương có nhiều khởi sắc.
Ông Võ Tiến Minh, Chủ tịch UBND xã Ea Ning nhận định, việc xây dựng mô hình điểm về ANTT tại thôn 17 đã tạo tiền đề cho việc tự giác nâng cao ý thức giữ gìn ANTT cho người dân các thôn, buôn khác. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình vẫn gặp không ít khó khăn do nguồn kinh phí duy trì hoạt động còn hạn hẹp, lực lượng tuần tra an ninh tại cơ sở chưa được tập huấn, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ bài bản… Theo ông Minh, để mô hình điểm về ANTT đi vào hoạt động có chiều sâu và nhân rộng ra các địa bàn khác cần có sự quan tâm sâu sắc của các cấp các ngành.