Hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người chết do TNGT: Yêu cầu cấp thiết

Thứ Năm, 24/08/2006, 13:31

Hàng năm, ở nước ta có hơn 1 vạn người chết do tai nạn giao thông và hàng trăm người chết do tai nạn lao động. Trong điều kiện còn rất khó khăn để lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể của người sống thì vấn đề lấy, ghép mô người bị chết do tai nạn là vấn đề cần được xem xét kỹ...

Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước có khoảng 5.000 đến 6.000 người bị mắc chứng suy thận mãn tính và rất cần được ghép thận. Khảo sát mới đây tại 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội cho thấy có gần 1.500 người được chỉ định ghép gan nhưng không có nguồn, không ai cho nên số bệnh nhân này đành phải chấp nhận... chờ chết!

Hiện việc ghép gan, thận ở nước ta tuy đã có những khởi sắc nhưng vẫn rất hạn chế về số lượng. Số liệu thống kê mới đây cho thấy, hiện đã có trên 200 người Việt Nam sang Trung Quốc và một số nước khác để thực hiện ghép gan, ghép thận, một số sang các nước châu Âu.

Mười người cần, chỉ một người được đáp ứng

Cùng với ghép gan, thận, bệnh nhân có nhu cầu ghép giác mạc cũng không ngừng tăng lên. Hiện có khoảng hơn 5.000 người bệnh đang chờ được ghép giác mạc. Viện Mắt Trung ương là nơi thực hiện số lượng lớn nhất, thành công nhất các ca ghép giác mạc nhưng năm cao nhất cũng chỉ được chừng trên 100 ca, trong khi hàng năm có hơn 500 người đến Viện Mắt có nhu cầu ghép giác mạc. Kể từ năm 1985 đến nay, Viện Mắt mới chỉ ghép được 1.500 ca. Đáng chú ý, số giác mạc được ghép chủ yếu lấy từ nguồn viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài.

Trước nhu cầu này, ngay từ năm 2002, Nhà nước đã đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, cán bộ y tế chuyên trách về lĩnh vực này. Đến nay, Việt Nam đã có 10 bệnh viện có đủ khả năng, điều kiện thực hiện ghép thận và thí điểm ghép gan. Đến giữa năm 2006, các bệnh viện này đã ghép thành công 158 ca ghép gan, 4 ca ghép thận. Mới đây, một bệnh nhân ghép tủy đầu tiên cũng được thực hiện thành công tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Thực tế, những người được ghép gan, thận nói trên đều được lấy từ người thân đang sống như bố, mẹ, anh, chị em ruột. Còn lại, trong xã hội chưa có hiến, ghép cho người khác không phải người thân trong gia đình. Để đạt mục tiêu đến năm 2020, có thể thực hiện được khoảng 1.000 ca ghép thận, 80 - 100 ca ghép gan, 20 - 30 ca ghép tim và chừng 10 - 15 ca ghép phổi, rõ ràng không thể chỉ trông chờ việc hiến, cho của người thân hoặc nguồn nhập từ bên ngoài.

Chết do TNGT: Hiến, ghép như thế nào?

Vấn đề đặt ra: Việc một người sống tự nguyện hiến, cho gan, thận, bộ phận cơ thể cho người khác không phải người thân dù đã có (như việc tình nguyện hiến cho HLV A.Riedl) nhưng rất hạn hữu. Dù khoa học phát triển, kỹ thuật đạt trình độ cao thì việc lấy một bộ phận cơ thể người sống cho người khác cũng ít nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe của người đó và các trạng thái tâm lý khác nhau. Vậy, trong lúc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người sống khó khăn như vậy, vấn đề hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người chết do tai nạn là cấp bách.

Người chết do tai nạn khác với người chết theo nguyên lý sinh học hay bị bệnh nặng. Chết do tai nạn thường các bộ phận cơ thể vẫn có thể đảm bảo, không bị mắc bệnh như chết trong các trường hợp khác. Nước ta hàng năm có tới hơn 1 vạn người chết do TNGT là quá lớn. Khi đã bằng mọi cách nhưng không thể cứu sống người bị TNGT, tai nạn lao động, hành động hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể của họ cho người khác có tính nhân văn rất cao và đã, đang được nhiều nước áp dụng.

Chẳng hạn, tại Pháp, việc ghép thận lấy từ thận tử thi, trong đó phần nhiều do tai nạn đã được thực hiện từ năm 1952, việc lấy gan cũng bắt đầu triển khai từ 1967, 1968. Tại các nước châu Âu khác, các quy định pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người được triển khai rất sớm. Tại các nước châu Á, nhiều nước như Thái Lan, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Nhật Bản... cũng đã có các quy chế luật pháp quy định việc lấy mô, bộ phận cơ thể người chết, nhất là chết do tai nạn để ghép.

Nguyên tắc trong việc lấy, hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người là tự nguyện đối với người hiến, người được ghép, không vì lợi nhuận. Tính tự nguyện này là cơ sở quy định điều kiện hiến xác, mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết là phải có đơn (hoặc có sự đồng ý của cha, mẹ đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi). Đơn này được người hiến viết khi đang sống dưới dạng di chúc hoặc văn bản pháp lý khác. Nhưng với người bị tai nạn, cái chết là bất ngờ, họ không lường tính trước để viết đơn. Do đó, có ý kiến đặt vấn đề, nên chăng trong chứng minh thư mỗi người có mục "Sau khi chết, ông (bà) có đồng ý hiến mô, bộ phận cơ thể cho y học không" (đánh dấu có/không). Việc này cũng có thể lập thẻ hiến xác.

Một vấn đề khác, trong trường hợp họ đồng ý nhưng thân nhân gia đình không đồng ý thì giải quyết thế nào? Theo Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban này đang dự kiến quy định theo hướng sau: "Người chết do tai nạn giao thông hoặc đột tử hoặc chết não mà không có thẻ hiến xác, hiến mô, bộ phận cơ thể người nhưng được cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con đã thành niên của người đó đồng ý" thì có thể thực hiện...

Bộ luật Dân sự hiện quy định quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết và quyền nhận bộ phận cơ thể người. Dù là vấn đề mới, nhạy cảm nhưng đã đến lúc chúng ta cần mạnh dạn để đưa ra những quy chế hợp pháp và hợp đạo lý để thực hiện yêu cầu đặt ra trong cuộc sống hiện đại

Đăng Trường
.
.
.