Hiểm họa từ thuốc chữa bệnh giả

Thứ Tư, 27/04/2011, 15:16
Những năm gần đây, đã có rất nhiều vụ ngộ độc do thuốc giả, thuốc kém chất lượng và phải nhập viện với những biến chứng thương tâm, thậm chí, có trường hợp tử vong. Nỗi đau này chính là lời cảnh báo trước tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường, nhất là việc mua thuốc qua mạng Internet.

Đầu tháng 4/2011, bé Đặng Ngọc T. (4 tuổi, ở Mỹ Đức, Hà Nội) phải vào Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) do còi cọc, thiếu máu và ngộ độc chì nặng sau khi dùng thuốc cam không có nguồn gốc. Trước đó, một bệnh nhân đã phải vào đây vì bị ngộ độc với các triệu chứng đau bụng kéo dài, sốt, không rõ nguyên nhân. Khi siêu âm ổ bụng, các bác sĩ đã phát hiện trong dạ dày bệnh nhân những vỏ thuốc con nhộng, kết quả của việc sử dụng thuốc giả nên viên thuốc không tiêu hóa được, gây ngộ độc.

Những năm qua, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) đã phải tiếp nhận gần 30 ca ngộ độc thuốc nặng, chưa kể các trường hợp nhẹ với các biến chứng thường gặp là phản ứng ở da, suy gan cấp, suy thận cấp v.v… Trong số này, có 16 ca phải chạy thận nhân tạo cấp cứu nhiều lần và có 2 ca tử vong vì quá nặng. Có thể nói rằng, ngộ độc do thuốc giả, thuốc kém chất lượng là không hiếm, có điều, đến nay, chưa có một con số thống kê chính thức từ các bệnh viện. 

Rất khó phân biệt thuốc thật - giả trên thị trường.

Việc Công an phá đường dây sản xuất thuốc chữa bệnh giả với quy mô rất lớn của Huỳnh Ngọc Quang - một trùm sản xuất và kinh doanh thuốc giả ở TP HCM vào giữa tháng 3/2011 và thu giữ hàng ngàn vỉ thuốc giả các loại tại 11 điểm sản xuất của Quang, chỉ là minh chứng thêm về việc thuốc giả đang lưu hành không hề nhỏ.

Theo Interpol, Việt Nam là nước có mẫu thuốc giả lưu thông đứng thứ hai ở Đông Nam Á. Riêng năm 2010, các cơ quan chức năng đã thu hồi 105 loại thuốc không đạt chất lượng, trong đó thuốc có nguồn gốc từ Ấn Độ chiếm khoảng 38%. Những loại thuốc được làm giả trên thị trường Việt Nam chủ yếu là kháng sinh phổ thông với mẫu được “nhái” y như thật: Ampicilline, Amoxicillin, Chloramphenicol, Erythromycin, Teracyclin, các thuốc điều trị rối loạn cương, thuốc ngừa thai. Thậm chí, vaccine phòng bệnh, thuốc điều trị ung thư, viêm màng não, HIV, sốt rét, cũng nằm trong danh sách mà bọn làm thuốc giả nhắm tới.

Trước đây, thuốc giả thường chỉ xuất hiện ở vùng sâu vùng xa và nông thôn, nhưng những năm qua, thuốc giả đã có mặt ở cả bệnh viện thông qua việc đấu thầu. Thời gian qua, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cũng thường xuyên kiểm tra, phát hiện và có các quyết định đình chỉ, thu hồi nhiều loại thuốc không đảm bảo chất lượng.

Để hạn chế tình trạng thuốc chữa bệnh giả, nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người bệnh, ngành Y tế cần có những biện pháp chủ động tích cực hơn nữa, giám sát chặt chẽ để ngăn ngừa trước khi thuốc giả xuất hiện trên thị trường.

Thận trọng với thuốc bán trên mạng

Sự bùng nổ của Internet khiến cho việc mua bán qua mạng trở nên phổ biến và thuốc chữa bệnh cũng không nằm ngoài trào lưu đó. Khách hàng chỉ cần trả tiền vào tài khoản và thông báo địa chỉ, là sẽ được mang thuốc đến tận nơi. Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cảnh báo việc mua bán thuốc trên mạng, mà không có sự tư vấn, hay kê đơn của bác sĩ là rất nguy hiểm. Bởi với các loại thuốc “nhìn tận mắt, cầm tận tay” mà tỉ lệ thuốc giả vẫn cao như đã nói, thì việc mua thuốc qua mạng, nhất là các loại thuốc yêu cầu phải có chỉ định của bác sĩ như thuốc an thần và thuốc cương dương, càng cần phải thận trọng. Trên thực tế, đa số các website bán thuốc trực tuyến đều không có giấy phép y tế, nên người mua dễ phải đối mặt với việc trả tiền thật mà mua thuốc giả, vì không biết thành phần thuốc, chất lượng thuốc, hay người bán thuốc là ai. Đó là chưa kể, các dụng phụ ngoài ý muốn, rồi chẩn đoán nhầm bệnh, hoặc các loại thuốc phản ứng với nhau khi sử dụng cùng lúc.

Thanh Hằng
.
.
.