Hiểm họa cây xanh đổ trên đường phố do mưa dông

Thứ Bảy, 01/11/2014, 16:49
Cơn mưa và dông gió ngày 24/10 vừa qua, đã khiến hàng loạt cây xanh, cổ thụ trên các đường khu vực nội đô TP Hồ Chí Minh bị đổ. Nhưng đây cũng lần duy nhất cả thành phố không có người thiệt mạng do cây xanh đổ mặc dù đã có hàng chục xe gắn máy, ôtô bị cây đè hư hỏng rất nặng. Sau rất nhiều vụ tai nạn chết người do cây xanh gây ra trong lúc trời mưa bão và kể cả không mưa bão đã khiến người dân hoang mang lo sợ khi trú dưới cây xanh lúc trời mưa dông.

Khi quan sát các cây xanh cổ thụ đổ trên đường phố trong mưa, thường chỉ thấy một bầu nhỏ rễ gốc và đất bật tung lên. Điều này cho thấy có sự mất cân đối nghiêm trọng và giới hạn sinh trưởng đối với cây. Môi trường sống của cây xanh trong phố không đảm bảo, không đáp ứng nhu cầu sinh trưởng tối thiểu và khả năng sinh tồn, chống chọi với thiên nhiên. Sau một trận mưa dông, rất dễ dàng nhìn thấy cây bị đổ thường trồng hai bên hè phố, còn các loại cây cổ thụ trong Thảo Cầm Viên, Dinh Thống Nhất, Công viên Tao Đàn, Gia Định, Văn Lang, 30-4… rất ít khi đổ vô cớ mặc dù gió dông từng qua đây. Những yếu tố như giống cây, chất lượng cây, loại rễ cây, đất, nước, ánh sáng, dinh dưỡng quyết định sự sống cho mọi loài cây xanh… Hiện tượng bê tông hóa vỉa hè đô thị, gạch, đá, xi măng bó buộc các loại rễ không phát triển, đặc biệt là rễ cọc (chuột), hay bộ rễ bàng (ngang) đùn đẩy nhựa đường thành vệt lồi lõm, sống trâu trên đường Ngô Gia Tự, Sương Nguyệt Anh, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu… đã cho thấy sự thèm khát đòi sự sống của bộ rễ cây mạnh mẽ đến dường nào. Trồng cây xanh trên vỉa hè cũng giống như việc nhốt một cây vào trong chậu nhỏ rồi chôn xuống đất, về cơ bản, theo các nhà khoa học - việc này đã làm “chết” cây trước khi cây đổ. Đô thị phát triển cao tầng, không gian của ánh sáng bị che chắn, nhiều cây thiếu nghiêm trọng trao đổi chất và sinh bệnh tật, héo hon. Cộng nhiều yếu tố cơ bản cho sự sống và phát triển của cây xanh cho thấy, khi điều kiện và môi trường không đảm bảo, chỉ cần một cơn gió nhẹ có thể làm cây đổ.

Theo quy hoạch của người Pháp vào năm 1862, đô thị chỉ dành cho 500.000 dân. Còn hiện nay chúng ta có đến gần 10 triệu dân, do đó mảng xanh đang thu hẹp dần gây nên bất hợp lý cùng với sự phát triển kiến trúc tự phát của đô thị không được quy hoạch vĩ mô, lâu dài về tầm nhìn đã khiến chúng ta gần như nghẹt thở. Gần đây, để phát triển các dự án, khu dân cư, các nhà đầu tư bất động sản thường thiết kế hạ tầng bằng mảng cây xanh, hoa viên nhìn rất đẹp mắt, nhưng cũng chỉ để phục vụ cho kinh doanh, rao bán nhà, về lâu dài người sống tận hưởng thì đây cũng chỉ là các loài cây rất dễ đổ, không đảm bảo tán che mát, giống cây không phù hợp, giá trị ngắn hạn. Những người chăm lo mảng cây xanh của TP đã không nghĩ đến một “vườn cây thực nghiệm” đầu tiên có tên Vườn Bách Thảo Saigon xây dựng vào năm 1865 và năm 1956 đổi tên thành Thảo Cầm Viên chính là nơi người Pháp trồng cây thực nghiệm cho đô thị Sài Gòn.

Những năm gần đây, các vụ tai nạn cây xanh tại TP Hồ Chí Minh phần nhiều là loại cây lim xẹt, họ đậu, thuộc nhóm cây gỗ lớn, cao 20- 25m, hoa màu vàng, cành lá xum xuê, được trồng nhiều trên nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm TP như Lê Lợi, Đồng Khởi, Lê Duẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông Nguyễn Trịnh Kiểm, Chánh văn phòng Hội Công viên cây xanh Việt Nam cho biết, cây lim xẹt có bộ rễ đâm ngang như rễ cây bàng, không có rễ cọc ăn sâu nên dễ bị bật gốc khi có dông mạnh. Do đó, phải kiểm tra thường xuyên và tổ chức mé cành trước mùa mưa bão đến. Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng hiện nay là nơi trồng rất nhiều cây lim xẹt, sọ khỉ (xà cừ) thường phải cắt tỉa 100% trước mùa mưa bão. Nhưng Công ty Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh không thể nào đủ nhân lực để làm việc này trên toàn TP. Một số cây xanh “chết khô” trên vỉa hè còn do tác động “đầu độc” bằng hóa chất, hủy diệt của con người gây ra cũng là một hiểm họa đối với người dân khi có mưa dông. Hiện Công ty Công viên cây xanh đang duy tu chăm sóc hơn 90.000 cây xanh với hơn 100 chủng loại trên 1.200 tuyến đường, các khu dân cư và một số công viên. Về quản lý nhà nước, để xử lý cây đổ, Công ty Công viên cây xanh TP không có quyền đốn hạ bất cứ cây xanh nào nếu như không có giấy phép của đơn vị chủ quản là các Khu quản lý giao thông đô thị (thuộc Sở GTVT). Khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin về cây xanh có nguy cơ đổ, Công ty sẽ khảo sát, gửi phiếu báo, kèm theo hình ảnh xin ý kiến của đơn vị chủ quản. TP cần hàng trăm, ngàn tỷ đồng mới đủ điều kiện kiến tạo và quy hoạch lại hệ thống cây xanh phù hợp với phát triển đô thị. Do đó, trong lúc này người dân nên tự mình tránh những rủi ro, tai họa do cây xanh gây ra mỗi khi xuất hiện mưa bão. Đặc biệt là trong khu vực sân trường học, đã có nhiều nơi cây xanh tét nhánh, rơi, bật gốc rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng của học sinh.

Theo luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh): Về mặt pháp lý, cây xanh trồng trên đường phố thuộc quyền sở hữu của TP, do các Khu quản lý giao thông đô thị (thuộc Sở GTVT) quản lý và Công ty Công viên cây xanh là đơn vị được giao chăm sóc dưới hình thức thuê bao. Việc xảy ra tai nạn do cây xanh đổ trong mùa mưa bão gây chết, bị thương, hư hại tài sản là những tai nạn đáng tiếc. Trách nhiệm bồi thường đã được quy định tại điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”. Vấn đề bồi thường do hai bên thương lượng, thỏa thuận, nếu không giải quyết được thì người dân có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật

Hoàng Châu
.
.
.