Hệ thống trạm cấp cứu TNGT trên các tuyến QL: Vừa thiếu, vừa yếu
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, 5 năm gần đây, trung bình hàng năm nước ta có từ 11.000 - 12.000 trường hợp tử vong do tai nạn. Trong đó, TNGT đường bộ là nguyên nhân chủ yếu, chiếm tới 96,5% số vụ, 97,4% số người chết và 98,7% số người bị thương trong tổng số TNGT.
Trước tình hình tai nạn giao thông diễn biến nghiêm trọng, đòi hỏi ngành Y tế phải nâng cao hơn nữa năng lực để đáp ứng được cấp cứu các tai nạn giao thông nhằm giảm tối đa tỷ lệ tử vong và các di chứng do chấn thương để lại. Nhất là trên những tuyến quốc lộ, việc xây dựng các trạm y tế để cấp cứu kịp thời các nạn nhân bị nạn đang là nhu cầu hết sức cấp thiết.
Nhiều tuyến quốc lộ mới mở không có trạm y tế
Nói đến thực trạng về hệ thống cấp cứu dọc theo các quốc lộ, không ít chuyên gia ngành Giao thông cũng như Y tế đều tỏ ra khá buồn. Vì theo số liệu thống kê từ Sở Y tế các tỉnh, hầu hết dọc các tuyến quốc lộ đều có các trạm y tế, tuy nhiên có trạm y tế nằm bám đường quốc lộ, có trạm y tế lại nằm xa đường quốc lộ và khoảng cách giữa các trạm y tế không đồng đều, phần lớn tập trung ở vùng đông dân cư.
Một thực tế khác, một số tuyến đường cao tốc mới mở rất ít hoặc không có trạm y tế nằm dọc theo đường quốc lộ. Số lượng nhân viên tại các trạm y tế lại ít, trung bình chỉ có từ 4 - 6 người/trạm với trình độ cấp cứu tai nạn, cấp cứu chấn thương còn hạn chế, trang thiết bị y tế yếu kém chỉ có thể sơ cứu cho bệnh nhân và chuyển tuyến trên.
Bệnh nhân do tai nạn giao thông nếu được cấp cứu kịp thời sẽ tránh được nguy cơ tử vong. |
Cùng đó, hầu hết các bệnh viện đều có đội cấp cứu ngoại viện để ứng trực khi được điều động. Nhưng khi có cấp cứu hoặc tai nạn giao thông trên đường, người dân lại không thể liên lạc được với các đội cấp cứu này vì không biết số điện thoại hoặc đội cấp cứu này không thể tự đi ngay được mà phải được điều động trực tiếp từ lãnh đạo bệnh viện để có lệnh điều xe.
Do đó, các nạn nhân bị tai nạn giao thông trên các tuyến đường đều được những người xung quanh đưa vào bệnh viện bằng bất kỳ phương tiện gì sẵn có, điều này ít nhiều cũng làm tăng nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, tại các tỉnh, thành phố phần lớn không có trung tâm điều hành đáp ứng các cấp cứu chung và tai nạn giao thông cho người dân. Điều này đã dẫn đến những thiệt hại không đáng có.
Chẳng những thế, hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị của các khoa đáp ứng cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ tại các bệnh viện tỉnh, thành phố chỉ đạt từ 16,5% đến 55,6%; đối với các bệnh viện quận, huyện thì đạt từ 15,7% - 74,3% và các trạm y tế xã, phường chỉ đạt từ 18,1% đến 57,1%.
Cũng phải nói rằng, hiện chỉ một số tỉnh, thành phố lớn có đơn vị vận chuyển cấp cứu. Ngay tại Hà Nội, những năm trước đây trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 chỉ có 1 địa điểm, số lượng xe ít nên chỉ đáp ứng được khoảng 10% các cuộc gọi.
Sang đến năm 2008, Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội đã được tăng cường thêm nhiều xe, nhiều trạm vệ tinh, song với những tai nạn giao thông trên đường phố, các kíp cấp cứu còn rất hạn chế trong việc tiếp cận nhanh chóng, kịp thời để cấp cứu và chuyển nạn nhân an toàn đến bệnh viện.
Sớm thành lập nhiều trung tâm cứu nạn chuyên nghiệp
Từ những thực trạng trên, Bộ Y tế vừa xây dựng "Đề án xây dựng quy định và tăng cường năng lực của hệ thống cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ". Với mục tiêu dự kiến từ năm 2015 - 2020, sẽ xây dựng được hệ thống cấp cứu đủ năng lực, đáp ứng một cách chuyên nghiệp, hiệu quả và nhanh nhất với các loại tai nạn; tổ chức được hệ thống điều hành cấp cứu khi có tai nạn xảy ra, đặc biệt trong những trường hợp thảm họa, tai nạn giao thông có nhiều nạn nhân.
Cụ thể, xây dựng hệ thống các trạm cấp cứu TNGT dọc trên tuyến quốc lộ đảm bảo tiếp nhận và cấp cứu ban đầu tai nạn giao thông, khi có thông báo có tai nạn sau 10-15 phút, cán bộ y tế có thể tiếp cận với người bị nạn, tổ chức cấp cứu ban đầu tại hiện trường và vận chuyển cấp cứu người bị nạn đến các cơ sở y tế an toàn.
Theo đó, dự kiến các trạm cấp cứu nằm dọc trên các tuyến quốc lộ, khoảng cách các trạm từ 5-6km, nằm cách đường quốc lộ không quá 1km... Đồng thời có biển báo và đèn hiệu, biển báo chỉ dẫn đảm bảo ở khoảng cách 2 - 2,5km để người dân có thể nhìn thấy dễ dàng, kể cả ban đêm.
Tuy nhiên, theo ý kiến của lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, về lâu dài, ngoài việc bố trí hệ thống các trạm, và tổ chức công tác cấp cứu, thông tin liên lạc thật tốt thì trước mắt cần xây dựng thí điểm 9 trung tâm tìm kiếm cứu nạn ngành Đường bộ tại QL18 (thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh), QL5 tại Km58+500 (Nam Sách, Hải Dương), QL6 tại Km 405 (Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), QL4D tại Km 105 (Sa Pa, tỉnh Lào Cai), QL3 tại Km 225+950 (xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn), QL14 tại Km 478 (thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum), QL1 tại Km 1278 (thị trấn Sông Cầu, tỉnh Phú Yên); đường Hồ Chí Minh tại Km 707+300 (Khai Sơn, Anh Sơn, tỉnh Nghệ An); QL1 tại Km 623+70 (xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Ngoài ra, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị bổ sung giai đoạn 1 từ nay đến năm 2010 nên thực hiện thí điểm tại 6 tuyến quốc lộ như Hà Nội - Nghệ An (QL1), Hà Nội - Hải Phòng (QL5); Hòa Lạc - Thạch Mỹ (đường Hồ Chí Minh); Ninh Thuận - TP HCM (QL1), TP HCM - Cần Thơ (QL1), Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu (QL51)