Hệ lụy từ đứa con tử tù

Chủ Nhật, 05/10/2008, 10:50
Tròn 10 năm, gia đình bà cụ Đính, bốn bà cháu lần hồi bên nhau. Bà già như cái cây khô bên trời, ba đứa cháu thơ dại non nớt như giẻ cây non, nương tựa vào nhau để sống, để tồn tại, gắng sức vượt qua tai họa khủng khiếp của gia đình, vượt qua mọi cay đắng tận khổ trong cuộc sống của một người mẹ có con trai là tử tù, con dâu là tù án nặng, và nỗi cay cực tủi hổ của những đứa con thơ có cha và mẹ là những kẻ tận ác...

Những cụ già có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những đứa trẻ thơ đơn độc côi cút ở giữa cuộc đời, họ luôn cần lắm những tấm lòng chia sẻ của cộng đồng. Hàng ngày hàng giờ, trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn dành một chuyên mục cho tấm lòng nhân ái.

Nhưng hình như, những cụ già, những đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh thương tâm được cộng đồng chia sẻ, chưa bao giờ là một cụ già mẹ của tử tù, hay những đứa trẻ đơn côi ấy chưa bao giờ có bố là tử tù, mẹ là tội nhân án đày biệt xứ. Vì sao tội lỗi của cha mẹ chúng lại đổ hết lên đầu con thơ, mẹ già?

Vì sao cộng đồng chưa mở tấm lòng nhân ái với những thân phận vô tội ấy? Phải chăng, lòng từ thiện bác ái của chúng ta, có giây phút nào đó đã chưa thật công bằng với bao mảnh đời chịu chung một số phận bất hạnh?

Cái ngày vợ chồng thằng con trai một đời hiền lành, nết na chăm chỉ làm ăn ở cái thôn nghèo của làng Hạ Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội bỗng phạm vào một tội ác tày trời, cũng là ngày chấm dứt chút hạnh phúc nhỏ nhoi của một kiếp người lầm than và cơ cực của cụ Đỗ Thị Đính.

Thằng con trai hiền lành như củ sắn củ khoai, cả đời lầm lũi làm ăn chăm chỉ, ít nói ít phô. Vợ nó hay mồm hay mép nhưng cũng lam làm, hiếu thuận. Bỗng đâu mâu thuẫn ghen tuông gì, cụ Đính cũng không biết rõ, hai vợ chồng con trai cụ là Nguyễn Tiến Thủ và vợ là Đỗ Thị Hạnh đã một tay che trời để làm một tội ác trời không dung đất không tha, đó là giết người.

Mà hành vi giết người của vợ chồng Thủ và Hạnh dã man đến mức có nhắm mắt, cụ Đính người đẻ ra Thủ cũng không thể hình dung được nó dùng xăng để đốt chết hai cha con anh Đỗ Hữu Hùng người cùng làng.

Vậy là bỏ lại hai đứa con thơ dại, đứa lớn nhất lên 6, đứa bé nhất lên 3 cho bà cụ Đính đã ngoài 70 tuổi, vợ chồng chúng nó đưa nhau vào tù. Thằng Thủ chủ mưu vụ án, bị tội tử hình, đã thi hành án được chục cái giỗ  rồi. Vợ Thủ là Hạnh, mẹ của ba đứa con thơ dại bị toà kết án 18 năm tù giam. Kể từ cái ngày oan nghiệt ấy đến nay đã tròn 10 năm.

Tròn 10 năm, gia đình bà cụ Đính, bốn bà cháu lần hồi bên nhau. Bà già như cái cây khô bên trời, ba đứa cháu thơ dại non nớt như giẻ cây non, nương tựa vào nhau để sống, để tồn tại, gắng sức vượt qua tai họa khủng khiếp của gia đình, vượt qua mọi cay đắng tận khổ trong cuộc sống của một người mẹ có con trai là tử tù, con dâu là tù án nặng, và nỗi cay cực tủi hổ của những đứa con thơ có cha và mẹ là những kẻ tận ác.

Bà cụ Đính giờ đã 82 tuổi rồi, chân bà đã run, lưng còng rạp, đôi mắt đã mờ đục vẫn ngày ngày cặm cụi ra đồng làm những công việc cực nhọc và nặng nề của một người nông dân như làm đất, gieo mạ, cấy lúa, gặt lúa, phơi lúa.

Vào mùa vụ, những công việc này đối với một người trẻ, khoẻ vẫn còn bở hơi tai, thế mà nhìn bà cụ Đính lầm lụi với đồng áng, đất đai trong một nỗi cô đơn thui thủi nhiều người phải chạnh lòng mà rớt nước mắt.

Ngoài việc đồng áng nặng nhọc ra, lúc nông nhàn, bà cụ Đính lại lầm lũi suốt ngày lội ở ao rau muống đầu làng, chăm sóc ruộng rau, tưới tắm bón thúc để đến bữa chợ có thể bó lấy vài chục mớ rau, gánh xuống chợ bán kiếm ít tiền mua sách mua vở cho mấy đứa cháu mồ côi.

Ở tuổi của cụ Đính, lẽ ra nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, vui vầy với con cháu nhưng số phận thật oan nghiệt khi giáng xuống gia đình cụ cái họa tày trời. Mười năm rồi, nghĩ đến tai họa ngày đó, cụ Đính mất thằng con trai, con dâu tù biền biệt, gia đình tang thương tan nát.

Mười năm nay, cụ Đính, mẹ của tử tù Nguyễn Tiến Thủ thay thằng con trai, con dâu bất hiếu để nuôi nấng chăm bẵm mấy đứa cháu nội mồ côi lớn lên. Cái cảnh mẹ già nuôi cháu thơ trong nỗi đau mất con đau xé lòng, lại thêm tội ác mà đứa con của cụ gây ra, dù luật pháp đã xử tử nó, nhưng những hệ lụy của đứa con dại để lại nơi thôn quê bé nhỏ này thật bầm gan tím ruột.

Mang tiếng là mẹ đẻ của hai kẻ tội nhân, cụ Đính xoè đôi cánh tay gầy yếu già cỗi ra để ôm ấp chở che cho ba đứa cháu mồ côi tội nghiệp trong tiếng bấc tiếng chì, trong lời thị phi của thiên hạ, và đương nhiên cả nỗi thù hận đau xót không thể nào tha thứ được của gia đình nhà nạn nhân hai bố con anh Đỗ Hữu Hùng bị chết oan nghiệt dưới bàn tay của Thủ và Hạnh.

Thằng con trai cụ Đính đứt ruột đẻ ra nuôi lớn khôn, bây giờ hồn đã xiêu phách đã lạc trong cõi nhân gian, nhưng hệ lụy nó để lại cho cụ và các con đẻ của nó thì đến bao giờ mới hết. Cụ đính lầm lũi, đi cúi đầu, về cúi tai, gắng gỏi sức tàn lực kiệt chăm sóc cho mấy đứa cháu nội như người đã đẻ ra chúng.

Hơn 80 tuổi rồi, cụ Đính một lần nữa lại làm mẹ, chở che cho ba đứa cháu như đàn gà con trước sấm sét đòn roi của người đời. Cụ Đính kể lại nỗi đoạn trường nuôi mấy đứa cháu mồ côi mà nước mắt chan chan.

Nhìn một cụ già ngoài 80, thân thể quắt như cọng rau muống héo, ngồi khóc thương con cháu mà đau xót. Khi bố tử hình, mẹ vào tù, các cháu còn quá nhỏ để không hình dung được nỗi đau. Lớn lên một chút, ra ngõ là có người chỉ trỏ xì xào cha nó giết người bị tử hình, mẹ nó tù biệt xứ. Đến tuổi tới trường, chúng bạn cũng thì thào vào tai nhau, rằng nó là con của kẻ giết người.

Mỗi lần như vậy, chúng lại chạy về nhà ôm bà nội khóc. Mười năm nay, bà nội già yếu vừa là chỗ dựa vật chất cho ba đứa trẻ, có cái ăn, cái mặc, có chỗ ngủ lúc tối trời, vừa là chỗ dựa tinh thần cho chúng những lúc đắng lòng vì dư luận nghiệt ngã.

Vào những ngày Tết, ngày khai trường, nhìn cháu không có quần áo mới để mặc, không có sách vở để đến trường, cụ Đính lại khóc. Cụ không ngơi tay bên ao rau muống, tất cả mọi chi tiêu cho bà cháu phụ thuộc vào ao rau muống. Cụ chăm bón vun xới và tằn tiện mọi chi tiêu cho bản thân để dành dụm được đủ tiền mua áo mới cho cháu khỏi tủi phận. Tết, hay ngày khai trường, ba đứa cháu đứa có được cái áo thì thôi quần và ngược lại.

Thứ đồ bà Đính mua cho các cháu cũng phải là đồ rẻ tiền nhất. Dù vậy cũng làm ấm lòng những đứa trẻ mồ côi. May mà 4 đứa con gái của cụ Đính lấy chồng làng bên, hiếu thảo, thường qua lại giúp mẹ già nuôi ba đứa cháu mồ côi. Chỉ tội, nhà ai cũng nghèo, nên sự đỡ đần cũng chẳng được là bao.

Cụ Đính sinh 6 người con, 2 trai, 4 gái thì con trai cả gây tội ác, con trai thứ ở cùng một mảnh đất với bà cụ Đính, suốt ngày rượu chè, chẳng những không trông nom bảo ban ba đứa cháu ruột mồ côi mà còn gây sự chửi cả mẹ đẻ ra mình là cụ Đính. Cụ Đính vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt, chấp nhận tủi khổ để nuôi dạy ba đứa cháu nên người.

Cụ Đính nói: "Hoàn cảnh cha mẹ nó đã cay nghiệt như vậy, tôi dù khổ mấy cũng ráng nuôi ba cháu ăn học, có cái chữ trong đầu, biết phân biệt phải trái mà không mặc cảm với tội lỗi của bố mẹ gây ra. Nhưng hoàn cảnh quá khó khăn, một mình thân già không thể nuôi ba cháu học cao lên được. Đầu năm 2007, cháu Nguyễn Tiến Thế đã tốt nghiệp lớp 9. Thế nghỉ học tới nhà cô ruột là Nguyễn Thị Đức để học nghề cơ khí với các anh. Năm 2008, Thế cũng đã có thu nhập một ngày 40 ngàn đồng, về phụ giúp bà nuôi các em”.

Năm học 2008, cháu Nguyễn Thị Thuý cũng đã tốt nghiệp lớp 9, em nghỉ học tới nhà cô ruột để học nghề may vá. Cả hai em đều tâm nguyện dồn sức để nuôi đứa em sau cùng là Nguyễn Tiến Thắng vừa vào lớp 7 học hành nên người.

Hôm ấy là một ngày trời mưa sụt sùi. Bà cụ Đính vừa đi chợ về, đôi quang gánh còn một mớ rau muống không nỡ bán hết đem về luộc lên làm thức ăn cho cả nhà bữa tối. Tôi đợi bà trong ngôi nhà ọp ẹp đã cũ nát vì thời gian để nghe bà kể câu chuyện đời mình.

Bà Đính gạt nước mắt nói một câu làm tôi day dứt mãi: "Cô ạ, tội là do con mình gây ra, con dại cái mang nhưng nghĩ cho cùng cơ cực lắm. Nhiều khi tủi nhục, chỉ muốn liều chết cho nó nhẹ nợ. Nhưng nghĩ đến ba đứa cháu mồ côi non nớt. Nếu ở trong trường hợp khác, bố mẹ không may bị tử nạn do qua sông đắm đò, hay tai nạn giao thông, hay vì những lý do chính đáng khác, thì người đời còn thương tâm mà chìa tay giúp đỡ như biết bao số phận khác, tivi, báo đã đưa tin.

Còn các cháu tôi, con của hai kẻ giết người, nếu cả bà nội của chúng nó cũng bỏ chúng nó mà đi, thì ai sẽ dang tay cứu vớt. Thôi thì tôi phải trụ lại để nuôi chúng cứng cáp, giờ có chết cũng an lòng. Tôi chỉ có một mong muốn nhỏ nhoi rằng, các cháu tôi không có tội, xin mọi người hãy rộng lượng với chúng, những đứa trẻ bất hạnh luôn cần sự cưu mang chia sẻ của cộng đồng”

Sông Ngàn - Xuân Lâm
.
.
.