Hệ luỵ Game, "chát" về làng

Thứ Ba, 11/08/2009, 20:03
Ở nông thôn, đầu tư chỉ khoảng 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng là đã có thể có được một quán Internet. Cũng không cần cài đặt quá nhiều chương trình game cầu kỳ, các máy tính ở đây chỉ cần có trò half-life, nhảy Audition là đủ đáp ứng nhu cầu của các em.

Tiếng trẻ con gọi nhau í ới ra quán Internet mới khai trương ở đầu thôn đã khiến tôi bất ngờ. Cái thôn nhỏ nhỏ như thôn K.H. này mà đã có đến 4, 5 quán Internet. Nhưng, người lớn thì chẳng thấy vào, chỉ thấy trẻ con mỗi buổi tối đu bám đông nghịt trong các quán, không có đủ máy để phục vụ các em.

Thỉnh thoảng lại thấy các phụ huynh sau một ngày vất vả, đầu tắt mặt tối ngoài đồng đến quán Internet đánh quát con vì bỏ học hành để chơi game. Người thì dọa đốt quán vì không biết làm cách nào để con mình bỏ chơi game.

Tin cậu Bờm (tên thật là Ngô Văn T.) cùng khu trong xã với tôi bị Công an huyện bắt đầu tháng 8 vì tội cướp tài sản làm tôi sững sờ. Nhà tôi và nhà Bờm ở cùng một khu. Từ nhỏ, tôi vẫn nhớ cậu là một đứa trẻ hiền lành, béo tốt. Những ngày trong xã tổ chức những trận đấu bóng đá, cậu được các anh trong Đoàn thanh niên xã cho đi nhặt bóng. Nhưng rồi, khi cơn bão lô đề, game về làng đã khiến cho cậu bé ngoan ngoãn ngày nào trở thành hư hỏng. Rồi, những quán game mọc lên, cậu theo bạn bè chơi game.

Trò gì mới nhất về là cậu biết chơi, vùi đầu thâu đêm suốt sáng ở quán game. Hết tiền chơi game, cậu chơi bài bạc để gỡ gạc. Mẹ chạy chợ kiếm tiền nuôi hai anh em, không ai quản lý Bờm. Không còn một xu dính túi, kéo theo nợ nần vài triệu đồng, Bờm đã theo đám bạn xấu rủ rê đi trộm cắp tài sản của các đôi nam nữ tại các khu công nghiệp và sa lưới. Hình ảnh một đứa trẻ bụ bẫm, ngây thơ, nói giọng ngọng nghịu đáng yêu ngày nào đã thay thế hình ảnh một chàng thanh niên gầy gò, bụi bặm, tay còng khóa số 8 đăng trên một tờ báo.

Một quán Internet đông khách "nhí" trong thôn.

Không quá cầu kỳ như các quán game trên thành phố, ở nông thôn, đầu tư chỉ khoảng 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng là đã có thể có được một quán Internet. Cũng không cần cài đặt quá nhiều chương trình game cầu kỳ đang quảng cáo rầm rộ như trên Thủ đô, các máy tính ở đây chỉ cần có trò half-life, nhảy Audition là đủ đáp ứng nhu cầu của các em.

Quán Internet nhà cô L., xóm Mới có đến gần 20 máy. Tất cả các máy này đều mua thanh lý lại với giá rẻ từ 3-4 triệu đồng một chiếc. "Buổi sáng thì vắng khách, chứ bắt đầu trưa và tối đến là lúc quán cô đông đúc và kín chỗ. Có những cậu cắm ở quán cô từ đầu giờ đến cuối giờ mới về", cô L. hớn hở khoe.

Quán Internet nhà anh C. có 10 máy. Một góc, hai ba cô cậu đang ngồi chát chít. Một góc, hai cậu cởi trần đang chơi bắn half-life. Tất cả các máy đều không thấy ai vào truy cập mạng Internet để đọc báo hay xem tin tức. Mặc dù trên mỗi màn hình máy tính, đều thấy ghi "Cấm vào các trang web có nội dung xấu", thế nhưng trong khi không có ai quản lý, liệu các cháu nhỏ có bị lôi kéo bằng những trang web như vậy hay không?

Cái cảnh đi công tác ở các vùng xã, thôn tìm nửa ngày không thấy có quán game đã trở thành chuyện "xưa như diễm". Mặc dù Internet về làng muộn hơn nhưng lại có sức lan tỏa nhanh hơn. Trẻ em ở nông thôn đang bị "đói" nghiêm trọng những trò chơi bổ ích mang tính chất giáo dục, trí tuệ và thể chất, nên khi game "về làng", chúng lao theo vì hiếu kỳ và cũng vì "không còn lựa chọn khác" trong việc giải trí. Game, "chát" về làng và những hệ lụy xấu đi kèm trở thành một bài toán đối với các nhà quản lý cũng như các bậc phụ huynh trong việc quản lý con cái

N.Hương
.
.
.