Hãy mở lòng để được chia sẻ

Thứ Ba, 20/11/2007, 13:40
“Phải dũng cảm đấu tranh chống bạo lực gia đình. Nói ra câu chuyện của mình. Nếu không nói thì đó chỉ là câu chuyện riêng "đằng sau cánh cửa", sẽ không tìm được sự can thiệp... Cần tìm sự giúp đỡ của gia đình, cộng đồng…” - trích ý kiến của bà Hoàng Thị Kim Thanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên.

>> Chắp nối "của quý" sau những vụ bạo hành

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 6 người phụ nữ thì có 1 người là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình. Nghiên cứu này được tiến hành trên 24.000 phụ nữ tại 11 quốc gia.

Cũng từ nghiên cứu này, kẻ gây ra bạo hành chính là những người đàn ông là chồng, bạn trai của họ. Những người được coi là chỗ dựa vững chắc trong cuộc sống vật chất và tình cảm của chị em phụ nữ.

Kết quả của nghiên cứu này cho thấy, 55 - 95% phụ nữ bị ngược đãi không nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền, Công an, tổ chức đoàn thể.

Tại Việt Nam, kết quả khảo sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tại 8 tỉnh, thành phố trong năm 2005, hàng năm có 2,3% gia đình có hành vi bạo lực về thể chất; 25% gia đình có hành vi bạo lực tinh thần; 30% gia đình có hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục giữa người chồng và người vợ hoặc ngược lại.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi này do say rượu, ghen tuông... 60% các vụ ly hôn liên quan đến bạo lực gia đình, một con số khiến nhiều người giật mình.

Trong bài viết này, chúng tôi đưa ý kiến của Tiến sỹ Trịnh Hoà Bình - Viện Xã hội học và bà Hoàng Thị Kim Thanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), những người có nhiều năm nghiên cứu vấn đề bạo lực gia đình để bạn đọc hình dung phần nào bức tranh này ở nước ta hiện nay.

Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học): Nên thành lập quỹ giúp đỡ nạn nhân của nạn bạo hành gia đình

Đó là hành động cố ý gây thương tích có tính vô luân, Tiến sỹ Bình nói như vậy khi biết về việc chị Lê Thị Thủy, ở Đại Từ, Thái Nguyên bị chồng cắt hai núm vú vào cuối tháng 10 vừa qua. Không thể biện minh đó là hành động do ít học bởi lẽ người ta không chỉ học ở nhà trường.

Hành vi tàn độc này cho thấy đó là một người chồng vô đạo, phảng phất tính mông muội, hoang dã thời trung cổ. Còn nếu nói anh ta là một người yêu vợ cũng không thể chấp nhận được mà đó là sự ích kỷ, một cách nhìn méo mó về quyền sở hữu khi là người chồng.

"Không riêng gì những người có trình độ học vấn thấp, một số người chồng là trí thức hẳn hoi vẫn coi vợ là vật sở hữu", Tiến sỹ Bình cho biết thêm về một số trường hợp bạo hành trong giới trí thức mà ông từng gặp.

Tại sao trong nhiều gia đình, nạn bạo hành vẫn diễn ra thường xuyên và trong một thời gian dài không được ngăn chặn?

Tiến sỹ Bình cho rằng chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể chưa làm tốt nhiệm vụ của mình. Nhận thức pháp luật yếu kém cũng là nguyên nhân khiến nhiều người vợ, người chồng có hành vi bạo ngược đối với người bạn trăm năm của mình.

Thực tế trong thời gian gần đây, vấn đề bạo hành ngày càng gia tăng. Một người vợ do ghen tuông về cắt phéng "của quý" của chồng với mục đích tiêu diệt cái thứ đi lăng nhăng.

Ghen tuông mù quáng cộng với nhận thức pháp luật kém khiến người phụ nữ dễ dàng "ra tay". Lúc này, họ không lường hết hậu quả của việc mình làm.

Kết quả, bản thân vào tù, chồng mang thương tật suốt đời, con cái bơ vơ. Nỗi đau không chỉ ở người bị bạo hành mà cả người gây ra hành động bạo hành và con cái họ.

Bà Hoàng Thị Kim Thanh, Giám đốc điều hành CSAGA: Cần nâng cao nhận thức cho cán bộ cấp cơ sở

Người phụ nữ bị bạo hành chiếm số đông hơn là đàn ông bị bạo hành. Tuy nhiên, lại có một nghiên cứu cho rằng "Chống bạo hành gia đình chính là bảo vệ người đàn ông".

Vì khi người phụ nữ không thể chịu được những mâu thuẫn trong gia đình, lối sống không lành mạnh hay tình trạng bạo hành của người chồng thì họ phản kháng lại rất dữ dội. Bởi vậy mới có những trường hợp vợ cắt "của quý" của chồng.

Chúng ta phải hiểu đằng sau hành động đó là sự căm thù mà người phụ nữ bị đẩy đến bước đường cùng. Để tránh tình trạng bạo hành gia đình và những hậu quả đáng tiếc xảy ra, người vợ và người chồng phải xác định được: "Mình đang bị vi phạm quyền nên phải dũng cảm đấu tranh chống bạo lực gia đình. Nói ra câu chuyện của mình. Nếu không nói thì đó chỉ là câu chuyện riêng "đằng sau cánh cửa", sẽ không tìm được sự can thiệp.

Phải biết cách xác định sự an toàn để tránh bùng phát bạo lực, tránh được sự trả giá đau đớn. Cần tìm sự giúp đỡ của gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, cũng phải biết rằng, hành vi huỷ hoại cơ thể của vợ hay chồng thì cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Cán bộ Công an, tư pháp, chính quyền địa phương cần phải là địa chỉ tin cậy cho người bị bạo hành gia đình.

Hiện nay CSAGA đã có những câu lạc bộ cùng chia sẻ, tập hợp những người bị bạo hành, xây dựng sự tin tưởng và môi trường an toàn, cùng chia sẻ, tìm hướng giải quyết.

Bên cạnh đó, CSAGA còn có mạng lưới phòng chống bạo lực gia đình tại Việt Nam (gọi tắt là DVIPNET), tập hợp các tổ chức, cá nhân hoạt động trong công tác phòng chống bạo lực gia đình. Khi cần tư vấn, giúp đỡ, chia sẻ, bạn hãy gọi đến số điện thoại 04.7540421 hoặc số miễn phí 19001579.

Trích thư ngỏ của Mạng lưới phòng chống bạo lực gia đình tại Việt Nam:

Cách đây 26 năm, các nhà hoạt động vì phụ nữ đã lấy ngày 25/11 hàng năm là ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.

Không phải chỉ đến ngày này hàng năm, chúng ta mới có những nỗ lực trong công cuộc đấu tranh bảo vệ hàng triệu triệu phụ nữ mà hơn lúc nào hết đây là những ngày ý nghĩa nhất để chúng ta lại cùng nhau hành động bảo vệ những phụ nữ đã bị lấy đi cuộc sống bình an trong chính gia đình của họ, thậm chí họ đã bị cướp đi sự sống của họ trên trái đất này...

Hãy cũng nhau hành động vì cuộc sống của phụ nữ không còn bạo lực!

Cao Hồng - Việt Hà
.
.
.