Hậu Giang: Hiệu quả của mô hình “Xóm đạo bình yên”

Chủ Nhật, 01/06/2014, 18:20
Với phương châm “sống tốt đời đẹp đạo”, những năm qua, cùng với nhân dân trong tỉnh, đồng bào công giáo thị trấn Trà Lồng, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần không nhỏ vào sự phát triển KT-XH, đảm bảo ANTT ở địa phương…

Thị trấn Trà Lồng, huyện Long Mỹ (Hậu Giang), được biết đến với với mô hình “Xóm đạo bình yên” trong việc đảm bảo ANTT trên địa bàn. Phần lớn các gia đình ở đây đều treo đèn trước ngõ, làm cổng rào bằng cây hoặc bê tông. Theo Thiếu tá Phạm Thanh Tùng, Trưởng Công an thị trấn Trà Lồng, “Đèn trước ngõ, mõ trong nhà hay cổng rảo ANTT… là những nội dung hoạt động của mô hình “Xóm đạo bình yên”. Thị trấn Trà Lồng có 86% dân số theo đạo Công giáo, tiếp giáp với nhiều xã của huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp (Hậu Giang) và thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng). Trước đây, tình hình ANTT khá phức tạp, trộm cắp, đánh nhau xảy ra thường xuyên xảy ra… Trước tình hình đó, họ đạo thị trấn Trà Lồng kết hợp với chính quyền địa phương thành lập mô hình trên.

Cổng rào ANTT ở thị trấn Trà Lồng, huyện Long Mỹ (Hậu Giang).

Mô hình “Xóm đạo bình yên” đi vào hoạt động có sự tham gia của Linh mục Nguyễn Văn Chính, các ông Đỗ Văn Quới, Hồ Văn Thiệp trong Hội đồng giáo xứ. Mô hình hoạt động thông qua các hình thức sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt tôn giáo, tổ chức các hoạt động tuyên truyền chính sách pháp luật, hòa giải trong nhân dân. Điển hình như ông Hồ Quang Minh (ngụ ấp Long An), một giáo dân luôn gương mẫu trong thực hiện các tiêu chí xây dựng mô hình và là cầu nối giữa chính quyền với bà con giáo dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ của địa phương Ông Minh cho biết: “Mô hình “Xóm đạo bình yên” đã thể hiện được vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo ANTT. Ý thức của bà con giáo dân đã được nâng lên, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước và địa phương. Tình trạng thanh niên “quậy” trên địa bàn giảm hẳn, bà con yên tâm lo làm ăn phát triển kinh tế”.

Để mô hình hoạt động nền nếp, Đảng ủy, UBND thị trấn thành lập Ban chỉ đạo, Ban điều hành và ký kết liên tịch với các ngành theo từng nội dung, chỉ tiêu cụ thể. Ngoài việc xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, Ban chỉ đạo mô hình còn tổ chức nội dung sinh hoạt phù hợp với từng thời điểm, mùa vụ... nên thu hút đông đảo người dân, giáo dân tham gia. Trong sinh hoạt, Công an thị trấn sẽ thông báo tình hình ANTT trước đó, lưu ý chiều hướng gia tăng của một số loại tội phạm để người dân đề phòng. Ban chỉ đạo mô hình còn tổ chức giao lưu văn nghệ, thi hái hoa dân chủ, tìm hiểu ý nghĩa lịch sử quê hương hoặc những mục tiêu sống tốt đời đẹp đạo. Điều đáng quan tâm và tạo nên điểm nhấn của mô hình đó là trong sinh hoạt, các thành viên đều được đóng góp ý kiến về sự lãnh đạo của chính quyền địa phương…

Thiếu tá Phạm Thanh Tùng cho biết thêm: “Từ khi mô hình này hoạt động, quần chúng nhân dân đã mạnh dạn cung cấp thông tin cho lực lượng Công an xử lý nhiều vụ gây rối, cờ bạc, đá gà, số đề. Bên cạnh đó, nhờ sự giáo dục của các gia đình nên tình hình thanh thiếu niên tụ tập đêm khuya gây rối cũng không còn nữa, ANTT địa phương dần ổn định”. Ông Hồ Văn Thiệp, Phó Chủ tịch hội đồng Giáo xứ họ đạo Trà Lồng, phấn khởi nói: “Tôi thấy xóm ấp mình thực sự bình yên, vì vậy chúng tôi quyết tâm duy trì tốt mô hình này để những người theo đạo và không theo đạo có cùng tiếng nói chung, góp sức xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp”. Đến nay, thị trấn Trà Lồng có 18 “Xóm đạo bình yên”. Bà con giáo dân ở đây đều chấp hành rất tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Năm 2013, người dân và giáo dân ở đây tham cung cấp cho lực lượng Công an gần 60 nguồn tin có giá trị về ANTT, phát hiện xử lý 36 vụ, 39 đối tượng liên quan đến TTATXH; cảm hóa, giáo dục 95 lượt đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư…

Văn Đức
.
.
.