“Hành trình đỏ” của người bác sỹ
Cuộc hẹn với bác sĩ Ngô Mạnh Quân là 11 giờ tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhưng tôi đã trễ hẹn 10 phút chỉ vì phải chờ thang máy và nhường người nhà bệnh nhân lên trước. Đó cũng là cảm nhận đầu tiên về sự quá tải và áp lực công việc của các thầy thuốc nói chung. Trong câu chuyện với anh, tôi được vỡ vạc nhiều điều về nghĩa cử hiến máu nhân đạo và những công việc của các thầy thuốc nơi đây.
Nhiều năm qua, các chương trình vận động hiến máu tình nguyện như Hành trình đỏ, Lễ hội Xuân hồng, hay Ngày chủ nhật đỏ… đều đặn diễn ra nhằm thu về những đơn vị máu phục vụ người bệnh. Và người đầu tiên xây dựng đề án này là Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, GS.TS Nguyễn Anh Trí và bác sĩ Ngô Mạnh Quân là một “trợ thủ” với vai trò Trưởng Khoa Vận động hiến máu.
Bác sĩ Ngô Mạnh Quân sinh ra trong một gia đình cả bố, mẹ đều là bác sỹ. Tốt nghiệp đại học năm 1999, bác sĩ Ngô Mạnh Quân có hơn 15 năm trong nghề, anh cũng là thủ lĩnh của nhiều phong trào hiến máu tình nguyện, là người đã kết nối những trái tim thiện nguyện trên khắp các nẻo đường đất nước. Với những ai đã gặp anh, đều có những cảm nhận về người bác sĩ có nụ cười rất hiền, luôn vui vẻ, nhiệt huyết trong công việc. Mỗi chiến dịch vận động hiến máu, anh và các đồng nghiệp đến từng địa phương vùng sâu, vùng xa, hải đảo và trực tiếp xắn tay lên làm gương nhằm khích lệ, kêu gọi nghĩa cử của cộng đồng. Họ đã tổ chức những lần báo động thử trong tình trạng cấp cứu cần máu, chỉ sau 8 - 15 phút là người đã đăng kí có mặt để hiến máu. Việc tạo được “Ngân hàng máu sống” như vậy đã giải quyết được tình trạng thiếu máu và chủ động trong công tác cấp cứu, điều trị người bệnh.
Bác sĩ Ngô Mạnh Quân trong một lần hiến máu tình nguyện. |
Với gần 20 năm trong nghề, bản thân bác sĩ Ngô Mạnh Quân đã hiến máu hơn 30 lần. Cùng với đó, các anh đã tổ chức nhiều chương trình kêu gọi hiến máu như Lễ hội Xuân hồng thường được tổ chức vào những ngày đầu Xuân mới, khi lúc này lượng máu thường bị thiếu vì học sinh, sinh viên về nghỉ tết, nguồn tiếp nhận máu bị giảm; hay các chiến dịch lớn như Hành trình đỏ, Giọt hồng yêu thương. Hành trình đỏ là một chiến dịch lớn tập hợp được các tình nguyện viên và có cuộc hành trình đi qua nhiều tỉnh thành của đất nước để vận động hiến máu.
Các tình nguyện viên được tập huấn thành thạo công tác tổ chức, vận động hiến máu và mỗi thành viên cũng chính là những người hiến máu tình nguyện. Cứ mỗi địa phương, đoàn dừng lại 2 ngày. Trong 2 ngày đó, các anh phải lên chương trình rất cụ thể, với nhiều việc phải làm như tổ chức vận động, tuyên truyền, tổ chức xét nghiệm, lấy máu... Chính vì khối lượng công việc nhiều như vậy mà ở mỗi tỉnh thành, đoàn tình nguyện phải dậy từ rất sớm, có khi từ 4, 5 giờ sáng để làm chương trình.
“Anh có gặp khó khăn gì trong việc thuyết phục người dân hiến máu?”. Bác sĩ Quân chia sẻ: “Nhiều người được vận động đã rất nhiệt tình, họ xét nghiệm, thử máu và làm đủ các thủ tục nhưng khi có người cần truyền máu gấp thì lại xảy ra nhiều tình huống: người thì bận công việc, người đi công tác hay có nhiều lý do mà họ không có mặt kịp thời để hiến máu. Để tránh trường hợp như vậy, chúng tôi phải dự trữ một danh sách dài số người tình nguyện, đề phòng trường hợp như trên”.
Là thủ lĩnh của phong trào hiến máu tình nguyện, hơn ai hết anh hiểu được giá trị của những giọt máu hồng; chính vì thế trong các cuộc vận động hiến máu, cho dù là mặc áo trắng (màu áo bác sĩ) hay màu áo đỏ (áo của phong trào tình nguyện) với vai trò là người bác sĩ, hay người tình nguyện viên hiến máu thì sự có mặt của bác sĩ Ngô Mạnh Quân càng nhân niềm tin tưởng và tinh thần thiện nguyện. Đã gần 20 năm qua bác sĩ Ngô Mạnh Quân luôn nhiệt huyết và gắn bó với những chương trình thiện nguyện hiến máu. Chắc chắn, anh và các đồng nghiệp ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng như muôn vàn trái tim hồng khác sẽ tiếp tục nghĩa cử cao đẹp đó để cứu người.