Hàng trăm tấn đồng phế liệu để làm Tượng đài Điện Biên Phủ được thu gom như thế nào?

Chủ Nhật, 08/07/2007, 16:24
Theo ông Khiết, GĐ Cty Đoàn Kết thì Công ty này đã làm đúng yêu cầu của Cty Mỹ thuật TW vì đồng hỗn hợp tức là đồng mua gom từ nhiều nguồn đồng nát, đồng thỏi, đồng xoong nồi, đồng thau. Trong khi đó các chuyên gia về đồng đánh giá việc dùng đồng thau đúc tượng là “khó chấp nhận được”.

>> Tượng đài Điện Biên Phủ được đúc tại làng nghề mây tre!

Ngày 3/6/2003, Cty Mỹ thuật TW sau khi được giao thực hiện tượng đài Điện Biên Phủ đã “bán cái” cho nhà thầu phụ là Cty Đoàn Kết do Nguyễn Trọng Hạnh làm Phó GĐ. Khi điều tra vụ án, Cty Đoàn Kết đã cung cấp 8 tài liệu chứng minh nguồn gốc số lượng đồng dùng để đúc tượng đài Điện Biên Phủ.

Trước hết là phiếu xuất kho số 1 của một đơn vị quân đội ngày 17/1/2003, tức là trước khi Đoàn Kết ký hợp đồng đúc tượng với Cty Mỹ thuật TW 4 tháng. Tại phiếu xuất kho ghi: Người nhận là ông Nguyễn Trọng Hạnh, Cty Đoàn Kết.

Nội dung xuất hàng gồm: 4 bình bay hơi máy lạnh XM-400, trị giá 25.688.000 đồng/bình; 4 bình ngưng máy lạnh XM-400, trị giá 25.688.000 đồng/bình. Tổng số tiền ghi trong phiếu xuất kho là 205,5 triệu đồng.

Giải thích về những phiếu xuất kho này, ông Nguyễn Trọng Khiết, GĐ Cty Đoàn Kết cho biết, đây là lượng đồng trả nợ vì trước đó Cy Đoàn Kết đã đúc tượng cho đơn vị quân đội trên.

Bên cạnh phiếu xuất kho nói trên, Cty Đoàn Kết còn tiến hành gom đồng từ nhiều cá nhân, tổ chức tại nhiều địa phương khác nhau.

Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 3/2003, Cty Đoàn Kết mua 12 tấn đồng nồi phế liệu của bà Nguyễn Thị Viển tại thị trấn Lâm, Ý Yên. Giá một cân đồng xoong nồi là 32.000 đồng, trị giá 384 triệu đồng.

Tiếp đó, từ tháng 4 đến tháng 6/2003, bà Viển bán thêm cho Cty Đoàn Kết 14 tấn, giá 32.000đồng/kg.  Tổng giá trị là 448 triệu đồng.

Ngày 7/8/2003, Cty Đoàn Kết mua 50 tấn đồng vàng, đồng ống của Cty Cổ phần tàu thủy Ngô Quyền với giá 26.000 đồng/kg, tổng giá trị 1,3 tỷ đồng.

Theo dự toán do Cty Mỹ thuật TW lập để giao cho Cty Đoàn Kết thực hiện thì số lượng đồng hỗn hợp là 195 tấn, thiếc pha vào đồng 7,2 tấn. Chi phí cho hai nguyên liệu này là 5,145 tỷ đồng.

Cty Đoàn Kết mua đồng từ 8 tổ chức cá nhân, khối lượng 223 tấn, tổng số tiền là gần 6,3 tỷ đồng. Theo cơ quan điều tra, trọng lượng thực tế của tượng đài khoảng 160 tấn đồng.
 
Trong tháng 8/2003, Cty Đoàn Kết mua gom của 3 hộ dân tại xã Quỳnh Hoằng, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) tổng cộng 106 tấn  đồng với giá 25 và 32.000 đồng/kg. Tổng giá trị 3 hợp đồng là 3,35 tỷ đồng.

Trong tất cả các phi vụ mua bán đồng nói trên, duy nhất Cty Đoàn Kết có hóa đơn GTGT tại hợp đồng mua 25 tấn đồng Năng gô (Nga) của HTX Tiểu thủ công nghiệp Hợp Thành (Đại Bái, Bắc Ninh) với đơn giá 23.800 đồng/kg. Tổng giá trị hợp đồng là 595 triệu đồng.

Theo các chuyên gia, để tượng đồng được bền đẹp thì tỷ lệ đồng nguyên chất của Nga (đồng đỏ) phải cao. Đồng phế liệu có thể cũng là đồng Nga và có thể có nguồn gốc từ nhiều nguồn khác nhau. Vấn đề là ở chỗ, phải kiểm soát được đầu vào của đồng.

Tuy nhiên, với cung cách mua bán như trên khó có thể kiểm soát nổi. Yên tâm nhất (trên tài liệu) có lẽ là lô đồng Năng gô 25 tấn mà Cty Đoàn Kết mua tại Bắc Ninh. Số lượng này chỉ bằng 10% tổng số đồng mà Cty Đoàn Kết mua để đúc tượng đài.

Mua đồng nát là phù hợp với hợp đồng (!?)

Tính tổng lượng đồng theo giấy tờ mà Cty Đoàn Kết mua để đúc tượng đài là 226 tấn. Tuy nhiên, việc mua đồng diễn ra theo kiểu “mua rau”. Các phi vụ mua bán đều được viết dưới dạng “biên nhận” sau đó xin chứng thực của chính quyền nơi người bán đồng sinh sống.

Thậm chí có những giấy biên nhận được ghi gộp cho cả 3 tháng. Điều này khó có thể khẳng định được chất lượng đầu vào của đồng và số lượng thực tế. Đặc biệt có hợp đồng mua cả đồng thau để đúc tượng, điều mà các chuyên gia về đồng đánh giá là “khó chấp nhận được”. 

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Khiết  cho rằng làm như vậy là đúng hợp đồng. Ông Khiết cho biết, Cty Mỹ thuật TW ký hợp đồng với Đoàn Kết theo dự toán thi công (khoán việc) được lập.

Theo hợp đồng thì Cty Đoàn Kết tiến hành đúc tượng, vận chuyển và lắp đặt tại đồi D1 Điện Biên Phủ. Tổng giá trị hợp đồng là 16,7 tỷ đồng. Trước đó, Cty Mỹ thuật TW ký hợp đồng thực hiện phần việc này với Ban quản lý dự án tượng đài Điện Biên Phủ với giá 23 tỷ đồng. Như vậy, Cty này đã “sang tay” hợp đồng thu về hơn 6 tỷ đồng (?).

Tại phần chi phí vật liệu của bản dự toán có ghi: Đồng nguyên chất, 4 bề mặt tượng, đúc dày 3cm, tỷ trọng đồng 8,9 tấn/m3, hao hụt 20%.

Tiếp đó, đến phần cụ thể, bản dự toán ghi: đồng hỗn hợp: 195 tấn, giá 25.500 đồng/kg, tổng tiền là 4,972 tỷ đồng. Tỷ lệ pha thiếc vào đồng là 3,7%, tương đương 7,2 tấn, giá trị 173 triệu đồng...

Theo ông Khiết, Cty Đoàn Kết làm đúng yêu cầu vì đồng hỗn hợp tức là đồng mua gom từ nhiều nguồn đồng nát, đồng thỏi, đồng xoong nồi, đồng thau. Cũng theo ông Khiết, với việc cho phép hao hụt 20% như dự toán thì tượng đồng chỉ nặng 180 tấn.

Vậy, Cty Mỹ thuật TW đã ký hợp đồng với Ban quản lý dự án tượng đài Điện Biên Phủ đúc tượng bằng chất liệu đồng gì? Đằng sau các bản hợp đồng này có gì khuất tất?

Ngày 9/12/2003, khi tượng đài đã đúc được những phần cơ bản, Cty Mỹ thuật TW và Cty Đoàn Kết đã ký phụ lục hợp đồng. Theo đó giá trị hợp đồng đã tăng từ 16,7 tỷ đồng lên 18,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Cty mới được thanh toán 9,8 tỷ đồng

Theo Phùng Sưởng (Tiền phong)
.
.
.