Hàng trăm hộ dân đang khốn khó bởi dự án thủy điện A Lin

Thứ Bảy, 11/04/2015, 00:06
Để thực hiện dự án thủy điện A Lin, Công ty CP Thủy điện Trường Phú (gọi tắt là Công ty Trường Phú, ở tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã thu hồi gần 400ha đất của người dân ở xã Hồng Vân, huyện A Lưới. Thế nhưng, đã 5 năm trôi qua, dự án thủy điện này vẫn còn dở dang, trong khi đó hàng trăm hộ dân phải gánh chịu cuộc sống khốn khó do bị thu hồi đất sản xuất...

Qua tìm hiểu được biết, sau khi dự án được phê duyệt, tháng 10-2009, Công ty Trường Phú tiến hành động thổ, xây dựng thủy điện A Lin trên địa bàn xã Hồng Vân và cam kết với chính quyền địa phương sẽ thực hiện đền bù, xây dựng khu tái định cư (TĐC) cho hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng của dự án theo yêu cầu. Thế nhưng, thực tế không như lời hứa hẹn của chủ đầu tư.

Ông Hồ Văn Rao, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân bức xúc bày tỏ: “Ngoài việc bị thu hồi 400ha đất sản xuất, xã có gần 400 hộ dân ở các thôn A Năm, Ta Lo, A Hố và Ka Cú 2 chịu ảnh hưởng dự án thủy điện A Lin. Song đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc “đất đổi đất” cho 240 hộ dân, thậm chí nhiều hộ dân đã bị mất nhà cửa, đất đai nhường hết cho dự án mà vẫn chưa nhận đủ tiền đền bù”.

Nhà ở trong khu tái định cư thủy điện A Lin xây dựng chất lượng kém nên người dân sợ không đến ở.

Ông Hồ Phương ở thôn A Năm trình bày với chúng tôi: “Do nằm trong lòng hồ thủy điện, gia đình mình buộc phải bỏ dở nhà cửa và nhường 2ha đất sản xuất nhưng sau khi chủ đầu tư đo đạc, thống kê đến nay, gia đình mình lại không có tên trong danh sách đền bù. Mất đất sản xuất, vợ chồng mình phải đi phát rẫy thuê để kiếm miếng ăn và nuôi các con nhỏ dại”.

Dẫn chúng tôi ra chỗ công trình hầm thủy điện mà Công ty Trường Phú bỏ dở việc thi công suốt 3 năm qua, ông Hồ Văn Mẫn, Trưởng thôn Ta Lo (xã Hồng Vân) nói rằng, sau khi hoàn thiện được một số hạng mục như khoan cửa hầm thủy điện vào 0,5km, sâu 30m; xây dựng nhà ở khu TĐC và làm một số tuyến đường bê tông thì đến tháng 5/2012, Công ty Trường Phú đã ngừng hẳn việc thi công do thiếu vốn.

“Lúc họ nổ mìn để khoan hầm, nhiều hộ dân của thôn nằm hai bên hầm không được di dời đến nơi an toàn khiến bà con rất bất bình. Sau đó một thời gian thì không thấy công nhân đến làm việc nữa nên hồ rộng 2.000m2 trước cửa hầm được người dân tận dụng làm ao nuôi cá”, ông Mẫn chỉ ao nước trước công trình hầm thủy điện A Lin giải thích.

Nhiều hộ dân ở thôn A Năm còn phản ánh, nhà ở TĐC do Công ty Trường Phú xây dựng, nay đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng... dù các hộ dân chưa vào ở. “Qua khảo sát, có 35 hộ dân ở thôn A Năm, Ta Lo, Ka Cú 2... buộc phải di dời đến khu TĐC. Thế nhưng, do nhà ở TĐC được chủ đầu tư xây dựng qua loa, chất lượng kém, trong khi đất đai ở khu TĐC thì quá cằn cỗi, không thể trồng được cây cối nên trừ hộ ông Lê Thanh Ir (trú thôn A Năm) chuyển đến sinh sống, số hộ còn lại không chịu nhận nhà để ở. Mất đất, mất nhà, nhà TĐC lại không ở được nên các hộ dân phải xin ở nhờ bà con trong các thôn bản lân cận để sống qua ngày”, ông Hồ Văn Rao cho biết thêm.

Ông Ir phân trần: “Nghe thông báo khu TĐC được xây dựng 13 tỷ đồng, nhưng ngôi nhà mình nhận để ở được xây dựng chất lượng rất tệ, bờ lô dùng để xây nhà chỉ ném cái là vỡ vụn. Để có thể ở được, vợ chồng mình phải bỏ ra nhiều tiền để tu sửa lại nhà, làm lại mái. Khó khăn nhất vẫn là thiếu đất sản xuất. Đất đai ở đây không thể trồng được cây cối và bị sạt lở nghiêm trọng”.

Trước thực trạng đáng lo ngại từ dự án thủy điện A Lin, lãnh đạo UBND xã Hồng Vân đã nhiều lần yêu cầu Công ty Trường Phú sớm khắc phục, sửa chữa các ngôi nhà hư hỏng để người dân yên tâm đến ở, nhưng công ty này vẫn chây ỳ, chưa thực hiện. Đặc biệt, đã 5 năm trôi qua nhưng chủ đầu tư dự án thủy điện vẫn không thực hiện đúng quy định “đất đổi đất”. Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế cần sớm có biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho người dân bị ảnh hưởng dự án thủy điện A Lin có nhà ở kiên cố và có đất sản xuất để ổn định cuộc sống.

Anh Khoa
.
.
.