Hàng ngàn phương tiện vi phạm nằm “đắp chiếu” tại các bãi giữ xe

Thứ Bảy, 16/11/2013, 14:21
Nằm “phơi” mưa, “phơi” nắng, bụi bám có lớp, hệ thống giảm xóc hoen gỉ, lốp hết hơi, bạc sơn…đó là hình ảnh đã và đang xuất hiện kèm với cả ngàn phương tiện vi phạm (chủ yếu là xe môtô) đang bị tồn đọng tại nhiều điểm trông giữ xe vi phạm Luật Giao thông trong thời gian qua. Tình trạng này kéo theo đó là sự lãng phí tài sản, diện tích trông giữ xe bị thu hẹp. Đây là vấn đề không của riêng ai.

Xe vi phạm tồn đọng, lãng phí kéo dài

Sáng 15/11, Thiếu úy Phạm Lê Biên, cán bộ Đội CSGT số 4, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội) đưa chúng tôi đến bãi trông giữ xe vi phạm T6 - cầu Vĩnh Tuy, địa điểm tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông mà Đội CSGT số 1, Đội CSGT số 4 đã xử lý trước đó. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi chứng kiến ở đây chính là hàng trăm xe môtô đang xếp hàng dài ngay dưới khu vực chân cây cầu này. Nhiều xe do “nằm” đây đã lâu nên bụi bám có lớp, các phụ tùng thì hoen gỉ, màu sơn bạc theo mưa nắng… Trong số này gồm cả những loại xe tay ga đắt tiền như: xe SH, PS, Liberty, Spacy… Thiếu úy Biên cho biết, có nhiều xe “nằm” ở đây đến nay cũng đã được 4 - 5 tháng.

Không chỉ “phơi” mưa, “phơi” nắng, tại nhiều bãi trông giữ xe vi phạm giao thông hiện nay, do chủ phương tiện không đến làm thủ tục giải quyết, nộp phạt, nên tình trạng quá tải xe vi phạm tồn đọng cũng xuất hiện. Đơn cử như tại bãi trông giữ xe vi phạm của Đội CSGT số 6, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội). Trung tá Nguyễn Chí Công – Đội trưởng Đội CSGT số 6, cho hay, tính từ đầu năm 2013 đến nay, số xe môtô vi phạm giao thông bị Đội lập biên bản xử lý tồn đọng, chủ phương tiện không đến giải quyết là 183 xe mặc cho trước đó Đội cũng đã làm thủ tục đề xuất thanh lý không ít phương tiện. Số xe vi phạm tồn đọng nhiều, khiến bãi trông giữ xe vi phạm của Đội bị quá tải.

Về vấn đề này, cũng theo Thượng úy Đỗ Xuân Khoa – Tổ trưởng Tổ xử lý vi phạm, Đội CSGT số 4, tính đến nay, Đội đang tạm giữ 225 phương tiện vi phạm giao thông tồn đọng, trong đó, chiếm đa phần là các phương tiện đã quá lịch hẹn xử lý đến 6 - 7 tháng mặc cho Phòng CSGT trước đó đã nhiều lần gửi giấy mời lên làm việc. Còn tại Đội CSGT số 3, số xe môtô vi phạm giao thông hiện đang tồn đọng là 176 trường hợp…

Cần khắc phục những tồn tại, tránh để kéo dài tình trạng lãng phí liên quan đến xe vi phạm bị tạm giữ.

Trao đổi với PV Báo CAND, Trung tá Nguyễn Chí Công – Đội trưởng Đội CSGT số 6, Trung tá Nguyễn Trung Thành – Đội trưởng Đội CSGT số 4, Trung tá Chu Văn Sỹ - Đội phó Đội CSGT 3… đều cho rằng, việc cả ngàn xe vi phạm giao thông tồn đọng đang nằm “đắp chiếu” tại các bãi giữ xe như hiện nay đang đặt ra nhiều lo ngại, bởi số tài sản – xe môtô, xe gắn máy vi phạm này đang có nguy cơ mất dần giá trị sử dụng, lãng phí bủa vây. Thêm vào đó, do diện tích trông giữ xe hạn chế, thế nên tình trạng quá tải xe vi phạm tồn đọng cũng đặt ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình thụ lý, giải quyết.

Đi tìm nguyên nhân

Trước thực trạng xe vi phạm giao thông tồn đọng tại các điểm xử lý vi phạm TTATGT với số lượng khá lớn trên địa bàn TP Hà Nội như hiện nay đã khiến dư luận lo ngại, đồng thời đặt ra câu hỏi: Vì sao chủ phương tiện lại bỏ tài sản – phương tiện giao thông, thậm chí cả những loại xe tay ga đắt tiền mà không đến nộp phạt? Phải chăng thủ tục xử lý của cơ quan chức năng rườm rà?

Trung tá Nguyễn Trung Thành – Đội trưởng Đội CSGT số 4 khẳng định, thủ tục giải quyết các trường hợp vi phạm giao thông không hề rườm rà, người điều khiển phương tiện khi đã xuất hiện đầy đủ các giấy tờ có liên quan, cán bộ thụ lý sẽ giải quyết, xử lý nhanh chóng.

Cũng theo Trung tá Thành, trong số 225 phương tiện vi phạm đang tồn đọng (89 phương tiện đã ra quyết định tịch thu) có 179 trường hợp trong quá trình bị lập biên bản khai đủ tên tuổi địa chỉ và 46 trường hợp bỏ phương tiện, không hợp tác với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng xe vi phạm tồn đọng nhiều như hiện nay không gì khác chính là do một số chủ phương tiện sau khi bị lập biên bản xử lý, thấy lỗi xử phạt nặng như lỗi: không chấp hành yêu cầu kiểm tra về ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ bị phạt: 2 triệu – 3 triệu đồng; phạt từ 5 triệu đồng – 7 triệu đồng nếu điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị v.v đã bỏ xe, không đến nộp phạt. Lý do các trường hợp này đưa ra là: “Tiền phạt gần bằng giá trị của xe, nên đến nộp phạt để làm gì(!)”.

Đại diện Đội CSGT số 4 cho biết thêm, đối với các trường hợp xe tay ga đắt tiền đang bị tồn đọng như hiện nay rất có thể là do nguồn gốc xuất xứ của xe không được rõ ràng, nên chủ phương tiện đã không đến làm thủ tục giải quyết. Lẽ bởi, không thể có chuyện người điều khiển phương tiện vì sợ xử phạt mà lại bỏ đi khối tài sản lớn đến cả trăm triệu đồng như vậy được.

Theo địa chỉ biên bản xử lý vi phạm giao thông đang được lưu tại Đội CSGT số 4, chúng tôi đã tiếp xúc với trường hợp của chị Trần Thị Thu Hà, 28 tuổi, ở quận Đống Đa (Hà Nội) – một trong những trường hợp điều khiển phương tiện sau khi vi phạm Luật Giao thông đã “bỏ xe” tại Đội CSGT số 4, không nộp phạt, lấy xe về. Chị Hà cho biết, ngày 24/9 vừa qua, sau khi đến Đội CSGT số 4 làm việc, nhận thấy lỗi vi phạm giao thông mà mình mắc phải trước đó bị phạt với mức tiền 1 triệu 740 ngàn đồng, trong khi chiếc xe máy Suzuki Viva mang BKS 29R2-637x của chị đã cũ, giá trị thấp nên chị quyết định không nộp phạt, đồng thời đề nghị cơ quan Công an làm thủ tục tịch thu chiếc xe trên theo quy định của pháp luật.

Nhiều trường hợp sau khi bị lập biên bản vi phạm giao thông đã bỏ không đến trụ sở cơ quan Công an làm thủ tục giải quyết.

Trước đó, tối 10/6/2013, trong quá trình lưu thông trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), chị đã bị tổ công tác Y4/141 lập biên bản vi phạm hành chính với lỗi: điều khiển xe môtô không có biển kiểm soát, không gương chiếu hậu, không đội mũ bảo hiểm, không có GPLX, đăng ký xe v.v… Tương tự là trường hợp của anh Dương Văn Trường, ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) điều khiển xe môtô mang BKS 33M3-946x bị tổ công tác Y4/141 lập biên bản vi phạm hành chính với lỗi: không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều của đường một chiều, không chấp hành hiệu lệnh của Cảnh sát… Do thấy mức phạt các lỗi vi phạm lên đến 1,5 triệu đồng, tước GPLX 60 ngày nên anh Trường thay vì nộp phạt lấy lại phương tiện đã… bỏ lại xe tại kho xe vi phạm của Đội CSGT số 4.

Về hướng giải quyết xe tồn đọng, tránh để tiền tỷ “dầm” mưa, “dãi” nắng, gây lãng phí kéo dài cả về giá trị sử dụng phương tiện lẫn bãi trông giữ xe như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, khi đã có căn cứ xác định người điều khiển phương tiện không đến làm thủ tục nộp phạt, nhận lại xe vi phạm theo quy định, các đơn vị chức năng cần rút gọn hơn nữa các thủ tục liên quan đến tịch thu phương tiện, thẩm định - bán đấu giá phương tiện vi phạm tồn đọng. Ví như: hết thời hạn tạm giữ, sau khi thông báo công khai mà không có người đến trụ sở giải quyết thì có thể làm thủ tục tịch thu phương tiện, thẩm định giá, bán đấu giá luôn… Bởi theo đại diện một số Đội CSGT cho rằng, để hóa giá các xe vi phạm tồn đọng được xác định là vô chủ như hiện nay phải mất ít nhất là 3 - 4 tháng.                       

Khi cơ quan có thẩm quyền chưa ra quyết định tịch thu, quyền lợi về sở hữu phương tiện vẫn được đảm bảo

Liên quan đến các kho - bãi trông giữ xe vi phạm, thời gian qua, nhiều người lo ngại, sau khi phương tiện vi phạm của mình bị tạm giữ, quyền lợi liên quan đến việc sở hữu phương tiện của mình có được đảm bảo? Thạc sỹ - Luật sư Quản Văn Minh, Công ty Luật số 5 – Quốc gia (Hà Nội) cho rằng, đối với các trường hợp phương tiện vi phạm giao thông cũng như vi phạm các quy định của pháp luật khác, khi cơ quan có thẩm quyền chưa ra quyết định tịch thu phương tiện thì quyền lợi về sở hữu phương tiện vẫn phải được đảm bảo. Mọi hỏng hóc, thiệt hại về tài sản – phương tiện phát sinh trong quá trình bị tạm giữ phương tiện đều phải được các đơn vị hữu trách giải quyết thỏa đáng cho chủ phương tiện theo các quy định hiện hành.

Thượng úy Đỗ Xuân Khoa - Tổ trưởng Tổ xử lý vi phạm, Đội CSGT số 4: Hãy lập biên bản khi phương tiện bị hư hỏng, mất mát phụ tùng

Để giải quyết kịp thời những nảy sinh, người điều khiển phương tiện khi đến làm các thủ tục nhận lại phương tiện tại các kho giữ xe vi phạm cần kiểm tra kỹ tình trạng và đồ đạc trên xe mình. So với thời điểm ban đầu khi bị tạm giữ, nếu có mất mát hoặc hư hỏng phải lập biên bản ghi nhận tại kho (có xác nhận của kho) để từ đó, lực lượng chức năng mới có căn cứ xử lý, giải quyết một cách thỏa đáng cho chủ sở hữu phương tiện.

Trần Huy
.
.
.