Hàng loạt bệnh viện và trung tâm y tế ở Cần Thơ xuống cấp trầm trọng

Thứ Sáu, 28/04/2006, 13:46
Một bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết: "Phòng mổ là nơi phải bảo đảm vô trùng, nhưng hễ mùa mưa đến là chúng tôi lo vì trần nhà bị thấm dột, nước rơi lộp độp trong phòng".

Ngay sau khi Báo CAND phản ánh tình trạng xuống cấp nghiêm trọng tại Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ, rất nhiều độc giả đã gọi điện và cho biết đó cũng là thực trạng chung của rất nhiều bệnh viện trên thành phố. PV Báo CAND đã "vào cuộc" và ghi lại thực trạng đáng lo ngại trước mùa mưa này.

Bệnh viện Nhi đồng:  Dột, ngập...!

Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - bệnh viện chuyên khoa nhi duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long đang ở trong tình cảnh xuống cấp, quá tải nghiêm trọng. Một nhân viên của bệnh viện kể: "Chỉ một cơn mưa đầu mùa hồi tháng 3 vừa qua, toàn bộ các khoa, phòng bệnh viện này đều ngập ngụa nước mưa hòa cùng nước cống. Nguyên nhân là do hệ thống thoát nước gần như không còn sử dụng được và đặc biệt là toàn bộ mặt nền của bệnh viện quá thấp. Sau cơn mưa đó, gần như tất cả y, bác sĩ, bệnh nhân cũng như người nhà đều phải lội nước ngang đầu gối; hệ thống máy móc, trang thiết bị, bàn ghế đều chìm trong nước, hư hỏng khá nhiều".

Trước thực trạng Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ xuống cấp ngày một nghiêm trọng, người đại diện tổ chức VMA (Thụy Sĩ) tại bệnh viện đã hỗ trợ cấp tốc một số tiền để lợp tạm các chỗ dột, ốp lại gạch tường ở một số khoa để khắc phục tình trạng vệ sinh bệnh viện. Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn cho biết thêm: Sau thời gian chờ đợi khá lâu, Sở Y tế đã có thông báo bán hồ sơ mời thầu công trình sửa chữa, nâng cấp Bệnh viện Nhi đồng với tổng kinh phí khoảng 2,8 tỷ đồng, gồm nâng nền bệnh viện, cải tạo Khoa Nội tổng hợp và Sốt xuất huyết, cải tạo thêm Khoa Mắt - Răng hàm mặt, có thể trong tháng 6 sẽ khởi công. Nhưng đây cũng chỉ là cải tạo khắc phục tạm thời tình trạng xuống cấp. Riêng dự án xây mới Bệnh viện Nhi đồng vẫn còn trên giấy tờ.

Nhiều khoa, phòng của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ là các khu nhà trước năm 1975 được cải tạo lại để sử dụng làm bệnh viện. Hầu hết các khoa, phòng đều ở trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng, trong đó Khoa Sốt xuất huyết, Nội tổng hợp, Truyền nhiễm và Tổ chống nhiễm khuẩn còn có nguy cơ sụt lún và có thể sập bất cứ lúc nào.

Một bác sĩ cho biết: "Phòng mổ là nơi phải bảo đảm vô trùng, nhưng hễ mùa mưa đến là chúng tôi lo vì trần nhà bị thấm dột, nước rơi lộp độp trong phòng. Vậy thì điều kiện vệ sinh vô trùng đối với những bệnh nhân phẫu thuật, bệnh nhân bị các vết thương hở… không thể bảo đảm. Mới đây, khoa vừa được chống dột tạm thời nhưng chưa biết đã hết dột chưa? Vì tường trần nhà đã xuống cấp nên nếu chỉ sửa vá tạm như vậy, tình trạng phòng mổ không ổn chút nào, vừa mổ mà lo những mảng tường có thể rớt xuống".

Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết: "Ngay tại Khoa Chống nhiễm khuẩn của bệnh viện, nơi xử lý tiệt trùng vật dụng bệnh viện như drap giường, quần áo, cồn gạc… hàng ngày, đáng lẽ phải là nơi đảm bảo vô khuẩn cũng bị dột mưa nữa. Trừ một số khoa như Sơ sinh, Khoa Khám bệnh và Hồi sức cấp cứu của bệnh viện mới xây dựng là có thể hoạt động được, còn lại đều ở trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng".

Cái Răng, Cờ Đỏ: Trạm y tế "lên đời" thành TTYT quận, huyện!

Kể từ khi chia tách TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang đến nay, 5/8 trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện dù dưới cái mác là "bệnh viện" cấp quận, huyện nhưng vẫn phải hoạt động trong khuôn viên của các trạm y tế, phòng khám khu vực. Cụ thể: TTYT quận Cái Răng vẫn hoạt động tại Trạm Y tế thị trấn Cái Răng; TTYT huyện Cờ Đỏ ở "đậu" phòng khám khu vực thị trấn Cờ Đỏ; TTYT Phong Điền nhờ phòng khám khu vực Nhơn Ái; TTYT Bình Thủy lấy tạm Phòng khám khu vực Long Tuyền và Bảo sanh Bình Thủy làm cơ sở, TTYT Vĩnh Thạnh cũng đang ở tạm phòng khám khu vực Thạnh An… Hầu hết những TTYT này vẫn chưa có phòng mổ, thiếu (hoặc nếu có thì bị hư hỏng nặng do máy cũ) cả những trang thiết bị cần thiết nhất như: máy điện tim, siêu âm, X- quang, xét nghiệm sinh hóa…

Bác sĩ Lương Văn Thắng, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, TTYT Cờ Đỏ, cho biết: "Do điều kiện khó khăn chật hẹp, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, chúng tôi gom các bộ phận chức năng lại và tận dụng đất làm phòng tiền chế để làm việc. Tuy nhiên, do bệnh nhân đông nên phải làm thêm buồng bệnh bằng phòng tiền chế. Lưu lượng khám bệnh ở các trung tâm y tế bình quân từ 150 - 300 bệnh nhân, nhưng biên chế giường bệnh do Sở Y tế giao cho các TTYT mới này dao động từ 15-20 giường và thực kê ở Cờ Đỏ lên đến trên 70 giường bệnh".

Tình trạng nhếch nhác này khá phổ biến ở các bệnh viện tại Cần Thơ.

TTYT quận Cái Răng còn gặp khó khăn hơn, trong mấy gian nhà chật hẹp là khu vực hành chính của trung tâm và khu vực khám điều trị bệnh. Tuy mới được sửa chữa thêm mấy phòng để lưu bệnh nhưng dường như nơi đây vẫn chưa mang dáng dấp của một bệnh viện cấp quận...

Sau hơn 2 năm chia tách, các TTYT quận, huyện của Cần Thơ vẫn chưa tiến thêm được bước nào trong đầu tư cơ sở vật chất cũng như xây dựng cơ bản. Riêng Cái Răng, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh đều đã xác định vị trí xây dựng, nhưng phải chờ qua phê duyệt, giải tỏa bồi hoàn, mời thầu… họ vẫn chưa biết thời điểm nào mới có thể khởi công xây dựng bệnh viện mới!

Nam Lâm
.
.
.