Hàng hiệu giá "bèo"

Chủ Nhật, 04/01/2009, 11:10
Gần đây, những người tiêu dùng thường truyền tai nhau về Trung tâm Thương mại Saigon Square trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP HCM. Tại đây có đầy đủ các thương hiệu hàng may mặc, kính, đồng hồ, đồ trang sức… hàng đầu của thế giới như: "Cá sấu" (Lacoste), "con ngựa" (Ralp Lauren), "Tôm-Mỳ" (Tommy), Belano, Valentino, GAP, Versace, D&G, v.v, được bán với giá cực "bèo", bởi tất cả đều là hàng nhái, được làm y như thật.
>> Hàng "hiệu" cho người bình dân/ Kính "xịn" đổ đống (!)

Trong lúc cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái đã và đang diễn ra gay gắt trên phạm vi toàn cầu, thì tại TP HCM từ nhiều năm nay tồn tại một trung tâm thương mại bề thế, chuyên bán hàng nhái. Việc công khai vi phạm luật pháp quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu thương hiệu, nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ không tránh khỏi những hệ lụy phức tạp…

Nhái đủ các thương hiệu

Thời gian gần đây, những người tiêu dùng thường truyền tai nhau về Trung tâm Thương mại Saigon Square trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP HCM.

Tại đây có đầy đủ các thương hiệu hàng may mặc, kính, đồng hồ, đồ trang sức… hàng đầu của thế giới như: "Cá sấu" (Lacoste), "con ngựa" (Ralp Lauren), "Tôm-Mỳ" (Tommy), Belano, Valentino, GAP, Versace, D&G, v.v, được bán với giá cực "bèo", bởi tất cả đều là hàng nhái, được làm y như thật.

Trong vai những người đi mua hàng, chúng tôi đến Saigon Square và thực sự choáng ngợp trước sự bề thế và không khí tấp nập mua bán tại đây. Chị Lê Thị Tuyết Hà, công tác tại Công ty TNHH Nhà đất Đô Thị Mới cho biết: Chị là một khách hàng thường xuyên của Saigon Square. Mua hàng ở đây tha hồ lựa chọn mẫu mã, kiểu dáng "rất moden" mà giá lại rẻ.

Trung tâm Thương mại Saigon Square luôn tấp nập người mua.

Một cái áo thun hiệu "Cá sấu" xịn, giá bán là 130 USD nhưng hàng nhái ở đây chỉ có 150.000 đồng. Các chủng loại áo thun nhái các thương hiệu nổi tiếng ở đây có mức giá từ 80.000 - 150.000 đồng/áo,  áo sơmi nhái có mức giá từ 80.000 - 250.000 đồng/áo. Còn các loại quần jeans nhái các nhãn hiệu như USA, Guess, CK, Gap, G-Star, Replay, Glamour, D&G... có giá chỉ từ 150.000 - 350.000 đồng/quần.

Theo chị Hà, khách hàng chủ yếu của Saigon Square là giới trẻ. Chiếm phần lớn trong số này là du khách nước ngoài và công chức văn phòng, sinh viên… những người chuộng hàng hiệu, nhưng không đủ khả năng mua đồ xịn.

Chúng tôi ghé vào quầy hàng mắt kính Dũng. Ông chủ quầy tên Dũng xởi lởi:

- Anh yên tâm. Hàng của tụi em lấy từ Trung Quốc nên mẫu mã được làm y như hàng thật. Loại mắt kính gia công trong nước vừa thô vừa yếu, nhìn là biết ngay.

Quả thật, với những người tiêu dùng bình thường, nếu nhìn qua không thể phân biệt được sự khác biệt giữa hàng thật và hàng nhái. Tôi mua một chiếc kính nhái hiệu Italy Design với giá 120.000 đồng, nhưng chị Hà bảo: "Anh mua hớ rồi. Loại này trả 90.000 đồng họ cũng bán. Nhưng nếu là hàng thật thì phải đến 150 USD".

Khi tôi đeo chiếc kính nhái đến cơ quan, ai cũng tin rằng tôi đang học đòi dân sành điệu, xài hàng hiệu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn hàng cung cấp cho Saigon Square một phần được nhập về từ Trung Quốc, còn lại do các cơ sở tại TP HCM sản xuất. Do không gặp bất cứ một sự cản trở nào, nên việc nhập và bán hàng nhái ở đây diễn ra công khai những năm gần đây. Điều đặc biệt là tất cả các chủng loại hàng hóa ở đây đều là hàng nhái được gắn các logo thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới. Bởi vậy, Saigon Square được mệnh danh là "Siêu thị hàng nhái".

Điều gì sẽ xảy ra?

Chúng tôi đã liên hệ xin gặp lãnh đạo Saigon Square nhưng đều được bộ phận hành chính trả lời "Ban Giám đốc bận… đi công tác". Khi đem vấn đề này trao đổi với ông Lý Ngọc Thắng, Đội trưởng Đội 3, cơ quan Quản lý thị trường TP HCM, ông Thắng tỏ ra khá bất ngờ và nói, sẽ quan tâm đến việc này.

Tuy nhiên, ông Thắng lại cho rằng: Việc xử lý các hành vi tiêu thụ hàng giả, hàng nhái chỉ có thể thực hiện được khi chủ sở hữu của các thương hiệu bị làm giả, làm nhái có đơn tố giác, khiếu nại. Việc Saigon Square bán các loại sản phẩm nhái theo các thương hiệu nổi tiếng thế giới nhưng không bị các chủ sở hữu của các thương hiệu này kiện, thì cơ quan chức năng không có căn cứ để xử lý.

"Theo quy định của pháp luật, trước năm 2002, Phòng Sở hữu Trí tuệ được phép tiến hành kiểm định hàng hóa, nhưng từ năm 2002 luật có sự điều chỉnh, Phòng Sở hữu Trí tuệ không còn chức năng này nữa", ông Thắng nói.

Luật sư Nguyễn Sĩ Bình, Hội Luật gia TP HCM, kể: Một đồng nghiệp của anh khi xuống sân bay ở New York đã bị cảnh sát chặn lại kiểm tra chỉ vì anh này mặc chiếc áo thun nhái thương hiệu "Cá sấu" và sử dụng va ly nhái nhãn hiệu Italy. Mặc dù đã hết lời giải thích rằng, lỗi của anh là vô tình do thiếu hiểu biết, song anh vẫn bị xử phạt nặng vì đã tiêu thụ và sử dụng hàng hóa vi phạm quyền sở hữu thương hiệu.

Luật sư Nguyễn Sĩ Bình cho rằng: Trong giai đoạn hội nhập, việc công khai bán hàng nhái tại một trung tâm thương mại lớn như Saigon Square không những vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế về quyền sở hữu thương hiệu, mà còn ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của TP HCM và cao hơn là của đất nước trên lĩnh vực giao thương kinh tế.

Chắc chắn đến một lúc nào đó khi các chủ sở hữu của các thương hiệu bị làm nhái phát hiện ra, họ sẽ khởi kiện. Khi đó, việc giải quyết những hệ lụy do công khai bán hàng giả, hàng nhái tại Saigon Square sẽ rất phức tạp. Các cơ quan chức năng cần hành động khi sự việc chưa quá muộn

Lữ Ngàn
.
.
.