Hạn chế và cấm xe máy tại các đô thị lớn: Cần lộ trình cụ thể

Thứ Hai, 29/08/2011, 10:12
Theo ông Thân Văn Thanh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hạn chế và cấm xe máy hoặc ôtô trong thành phố là việc phải làm nhưng cần có lộ trình cụ thể.

Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trình Chính phủ trong quý IV/2012;  phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng lộ trình quy định xử phạt qua tài khoản ngân hàng, thời gian chủ sở hữu xe ôtô phải mở tài khoản ở ngân hàng, và đề xuất rút gọn các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ban hành trong quý I/2012.

Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan xây dựng đề án hạn chế và lộ trình cấm môtô, xe gắn máy tại các đô thị lớn, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2012.

Đối với hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh các giải pháp từng bước giảm thiểu ùn tắc giao thông. Trong đó nhấn mạnh việc thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện mô tô, xe gắn máy và ôtô lưu thông trên một số tuyến phố vào một số giờ nhất định, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực trong thành phố.

Theo ông Thân Văn Thanh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hạn chế và cấm xe máy hoặc ôtô trong thành phố là việc phải làm nhưng cần có lộ trình cụ thể. Đưa ra dẫn chứng, ông Thanh cho rằng, tại một số nước, trước khi cấm xe máy vào thành phố, họ thông báo trước 3 hoặc 4 năm. Đây là thời gian để chính quyền và nhân dân cùng chuẩn bị các điều kiện để thực hiện, như bến bãi đỗ xe, sắp xếp luồng tuyến, công việc, phương tiện…

Trước đó, bên lề Hội thảo bàn giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội chia sẻ: “Thực ra thì chúng tôi cũng đã tính tới việc hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, việc này phải làm từng bước. Trong khi metro, tàu điện trên cao, tuyến buýt nhanh BRT chưa có, một số tuyến buýt nội đô chưa thuận lợi lắm mà hạn chế phương tiện cá nhân thì người dân lấy gì để đi? Không thể nói hạn chế phương tiện cá nhân để phát triển phương tiện VTHKCC mà 2 việc này phải được tiến hành đồng bộ, song song. Khi người dân không đi phương tiện cá nhân nữa thì phải có phương tiện công cộng. Có thế thì việc hạn chế phương tiện cá nhân mới nhận được sự đồng thuận của người dân, mới thành công được”.

Trước câu hỏi của phóng viên, liệu các phương tiện cá nhân như ôtô, xe máy sẽ được hạn chế bằng các lệnh cấm? Ông Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, làm gì thì làm nhưng phải cũng phải đúng quy định của pháp luật. Không thể cấm quyền sở hữu tài sản của người dân. Mình chỉ có thể đưa ra những quy định về hoạt động của những phương tiện đó. Quan điểm của thành phố cũng như quan điểm của Sở trước hết phải tạo điều kiện cho người dân, có phương tiện giao thông cho người dân sử dụng thì mình mới tiến hành các bước hạn chế. Chẳng hạn như hạn chế theo giờ, hạn chế phố nào không được đỗ xe. Nếu không có điểm đỗ, việc đi lại bằng phương tiện cá nhân không thuận tiện thì người dân sẽ phải lựa chọn phương tiện vận tải công cộng

Thanh Huyền
.
.
.