Hải Phòng bùng phát dữ dội dịch tiêu chảy cấp

Thứ Sáu, 04/04/2008, 08:28

Từ bệnh nhân được phát hiện vào ngày 13/3, chỉ trong vòng 20 ngày tính đến thời điểm này, dịch tiêu chảy cấp đã bùng phát rất nhanh tại TP Hải Phòng. Theo thông báo của Sở Y tế thành phố, số bệnh nhân phải nhập viện tăng lên liên tục. Hầu như ngày nào cũng có thêm bệnh nhân mới.

Đáng chú ý, từ 1đến 2/4, số bệnh nhân mới đã tăng đột biến với 15 trường hợp, nâng tổng số người mắc bệnh tiêu chảy cấp ở Hải Phòng lên tới 47 trường hợp, lớn hơn cả Hà Nội - vốn được coi là địa phương có số bệnh nhân đông nhất cả nước.

Trong đó, đông nhất là quận Lê Chân với 23 trường hợp, quận Ngô Quyền có 6 trường hợp, quận Kiến An và huyện An Dương mỗi nơi có 5 trường hợp. Còn lại quận Hồng Bàng 4, huyện Thuỷ Nguyên 2, quận Hải An và huyện An Lão, mỗi nơi có 1 trường hợp. Các bệnh nhân trên đều được điều trị tại Bệnh viện Việt Tiệp; các bệnh viện quận Kiến An, Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng và Bệnh viện huyện Thuỷ Nguyên.

Cho đến nay, do được theo dõi, điều trị, chăm sóc chu đáo, chưa có bệnh nhân nào tử vong. Đến ngày 2/4, đã có 22 người được xuất viện. Cũng theo Sở Y tế Hải Phòng, từ khi xuất hiện bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp đầu tiên ở địa phương, BCĐ phòng, chống dịch của thành phố và các đơn vị chức năng ở cơ sở hoạt động quyết liệt.

UBND thành phố và Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo triển khai tất cả các biện pháp có thể để khoanh vùng ổ dịch ngăn ngừa không để phát triển diện rộng, đồng thời, tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch mới. Đáng chú ý, thành phố đã phối hợp các Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra VSATTP tại các chợ, trung tâm thương mại; đặc biệt, là hệ thống cấp nước sinh hoạt của thành phố.

Tuy nhiên, trái với những nỗ lực của thành phố, nhiều người dân vẫn hoàn toàn thờ ơ, coi thường dịch tiêu chảy cấp. Có tới hàng nghìn quán ăn trên các vỉa hè, còn sử dụng rau sống, thực phẩm chưa qua đun nấu, nhiều nhà hàng không có nước sạch để rửa bát đũa, cốc chén. Nhiều khu chợ bán thực phẩm tươi sống không đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Đặc biệt là sông Rế, nguồn nước chính của thành phố, vẫn đang phải hứng chịu lượng lớn nguồn nước thải sinh hoạt của một số khu dân cư xả trực tiếp xuống.

Qua kiểm tra, BCĐ đã chỉ thị Công ty cấp nước tăng lượng clo dư trong nước sinh hoạt của thành phố, Công ty Môi trường - Đô thị tăng cường phun thuốc diệt ruồi, muỗi tại các bãi rác. Liên tục từ ngày 24/3, hơn 500 cơ sở chế biến thực phẩm, quầy hàng ăn uống trên đường phố đã được kiểm tra, trong đó hơn 200 mẫu thực phẩm được cơ quan chức năng lấy để xét nghiệm, nhưng vẫn chưa tìm ra nguồn gốc phẩy khuẩn tả ở loại thực phẩm nào.

Hải Dương: Khẩn trương khống chế dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm

Chiều 2/4, Sở Y tế tỉnh Hải Dương chính thức xác nhận tại địa bàn tỉnh này xuất hiện trường hợp bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm, đó là trường hợp bà Vũ Thị Nhã, 74 tuổi, tại Ngã 5 mới, xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang.

Được biết, bà Vũ Thị Nhã nhập viện ngày 28/3 trong tình trạng sức khỏe yếu với các triệu chứng như đại tiện nhiều lần, không đau bụng, không sốt, bụng chướng và trụy tim mạch. Hiện nay, bà Nhã đang được điều trị tại khu cách ly, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương theo phác đồ của Bộ Y tế khuyến cáo.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tiêu chảy cấp tỉnh Hải Dương đã khẩn trương triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tiêu chảy cấp trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường tới mức cao nhất việc tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, huyện về sự nguy hiểm của dịch tiêu chảy cấp và các biện pháp phòng ngừa; tổ chức truyền thông trực tiếp tại các cơ sở, dịch vụ, phục vụ ăn uống, các chợ buôn bán nông sản thực phẩm.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nguồn nước và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Cùng với đó, Sở Y tế tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với trung tâm y tế dự phòng và Phòng Y tế huyện Bình Giang khẩn trương giám sát và khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch.

Đoàn Quang

Q.Phòng - V.Thịnh
.
.
.