Hải Phòng: Hàng trăm DN vi phạm Luật Đê điều

Thứ Ba, 05/01/2010, 10:24
Do thúc bách về phát triển công nghiệp theo kiểu tự phát, do ý thức chủ quan và do... "lịch sử" để lại, hiện có hàng trăm doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn quận Kiến An nhưng lại nằm ngoài đê sông Lạch Tray. Điều đó đồng nghĩa với việc mặt bằng của họ đã vi phạm Luật Đê điều.

Những "vi phạm" này được phát hiện và tồn tại suốt 6 năm qua. Trong quãng thời gian ấy, những ai "nhanh chân" đã được cấp sổ đỏ, số còn lại thiệt hại đủ đường, đi cũng dở, ở không xong. 

Vi phạm do yếu tố khách quan...

Theo thống kê của Phòng Quản lý kinh tế quận Kiến An, trên địa bàn quận hiện có 230 doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp Đồng Hòa, Cành Hầu, dọc các đường: Cột Còi, Trần Huy Liệu, 109 và các phường ven sông Lạch Tray. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp có lịch sử hình thành từ những năm 1960.

Song, cho đến nay, qua rà soát, đối chiếu, hầu hết mặt bằng của các đơn vị này đều ở ngoài đê thuộc hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ đê.

Theo quy định của Luật Đê điều (có hiệu lực từ năm 2004), những vị trí đó không được xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy CNQSDĐ). Mặc dù vậy, do "vận dụng" cơ chế, đã có 142 doanh nghiệp trong số đó được cấp bìa đỏ. 88 doanh nghiệp còn lại "chậm chân" hơn phải nằm chờ cứu xét của các cấp, ngành.

Bất chấp Luật Đê điều, công trình tiếp tục xây dựng.

Cách đây 6 năm, khi Luật Đê điều có hiệu lực thi hành, vấn đề mặt bằng doanh nghiệp nằm ngoài đê sông Lạch Tray đã từng được coi là vấn đề "nóng". Các doanh nghiệp đều chứng minh sự tồn tại và phát triển trên mặt bằng ngoài đê đều có nguyên nhân, xuất xứ hợp pháp như: Được chính quyền phê duyệt dự án, cho thuê đất, hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp Đồng Hòa, Cành Hầu...

Có không ít doanh nghiệp hình thành mặt bằng sản xuất từ rất lâu, khi chưa có khái niệm rõ ràng về ranh giới, chỉ giới hành lang đê, thoát lũ dọc hai bên sông Lạch Tray. Do đó, việc áp dụng Luật Đê điều để từ chối việc xét cấp giấy CNQSDĐ đã khiến hàng trăm doanh nghiệp thiệt thòi đủ đường, không được mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, không có tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng đầu tư SXKD.

Trong khi đó, thành phố, quận, các ngành hữu quan cũng lúng túng chưa biết phải xử lý như thế nào khi sự vi phạm Luật Đê điều trong trường hợp này đã được xác định là do nguyên nhân khách quan, do "lịch sử" tồn tại.

Nếu cứu xét để cấp giấy CNQSDĐ có khác nào coi thường kỷ cương luật pháp. Nhưng nếu phải di chuyển vào trong đê, hoặc đi nơi khác thì rất khó để tìm mặt bằng, chi phí bồi thường thiệt hại cho việc di chuyển ai chịu?

...Và cách xử lý rất chủ quan

Cứ như thế, "cân" lên "nhắc" xuống, thấm thoát đã 6 năm trôi qua, hiện vẫn chưa có một hướng giải quyết thỏa đáng và khả thi. Các doanh nghiệp hoạt động trong tình cảnh ức chế, khó khăn đủ đường giống như đang phải chịu "án treo" vô thời hạn.

Càng bức xúc hơn khi Chính phủ áp dụng gói kích cầu ưu đãi lãi suất vay, 88 doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp có mặt bằng ngoài đê không được xét vay vốn hỗ trợ do không đủ điều kiện (chưa có giấy CNQSDĐ) làm tài sản thế chấp.

Điều đáng nói ở đây là, sự bế tắc trong hướng xử lý không phải vướng mắc chung cho tất cả các doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất nằm ngoài đê sông Lạch Tray. Bởi trong số đó vẫn có tới 142 doanh nghiệp được xét cấp bìa đỏ, được vay vốn ưu đãi từ gói kích cầu của Chính phủ.

Tại cụm công nghiệp Đồng Hòa, có hơn 30 doanh nghiệp ở vị trí ngoài đê nhưng 10 doanh nghiệp vẫn đàng hoàng được cấp bìa đỏ. Cá biệt, trường hợp Công ty TNHH Phú Cường, nguyên mặt bằng gần 1.000m2 nhưng quận Kiến An chỉ "linh động" cấp giấy "đỏ" cho một nửa diện tích(?!).

Vì sao có sự "bất công" này?  UBND quận Kiến An chỉ giải thích ngắn gọn: Do các doanh nghiệp làm thủ tục trước năm 2004, tức trước thời điểm Luật Đê điều có hiệu lực thi hành. Số còn lại phải chờ ý kiến chỉ đạo của thành phố. Nhưng xử lý ở đây chỉ là di chuyển đi nơi khác chứ không có chuyện  tiếp tục cấp... bìa đỏ.

Có thể đó là một thực tế nghiệt ngã nhưng không còn sự lựa chọn nào khác. Qua tìm hiểu, biết được tâm tư, nguyện vọng chung của 88 doanh nghiệp nằm ngoài đê cũng chấp nhận với sự thua thiệt này, chỉ mong muốn thành phố, quận Kiến An nhanh chóng thu xếp mặt bằng thuận lợi, phù hợp và dĩ nhiên là không vi phạm Luật Đê điều để có thể tái đầu tư, ổn định sản xuất và phát triển.

Tuy nhiên, ngay cả đề nghị khiêm tốn như vậy, sau nhiều năm chờ đợi vẫn chưa có cấp ngành nào đưa ra quyết định cuối cùng. Đồng nghĩa với việc mặc nhiên công nhận quyền miễn trừ áp dụng hình thức xử lý dù đã vi phạm luật pháp

Lê Minh Triết
.
.
.