Hải Phòng: Chợ Sắt kêu cứu

Thứ Bảy, 29/03/2008, 11:24
15 triệu USD đã được đầu tư để biến chợ Sắt cũ kỹ nhưng rất sầm uất thuở nào trở thành ngôi chợ vắng như… "chùa bà Đanh". Nguy hiểm hơn, với danh nghĩa thu hút các hoạt động để cứu vãn chợ Sắt, hiện có nhiều công trình đang được đối tác thuê mặt bằng gấp rút cải tạo theo kiểu chắp vá ở khu vực tầng 3, 4.

Chuyện... ngày xưa

Chợ Sắt có từ thế kỷ XVIII, ở vị trí trung tâm Hải Phòng, trên bến dưới thuyền, thông thương với cảng nên có ưu thế thương mại rất lớn trong khu vực Bắc Bộ.

Chợ Sắt từng rất nổi tiếng, không hề thua kém chợ Đồng Xuân (Hà Nội), Bến Thành (TP HCM). Cho tới thập niên 80 của thế kỷ trước, chợ vẫn là niềm kiêu hãnh của người dân Hải Phòng với danh hiệu… "cái gì cũng có".

Sau sự cố cháy năm 1985 cộng với cơ chế mới, ý tưởng đầu tư xây dựng mới chợ Sắt đã nhanh chóng hấp dẫn các nhà đầu tư từ Trung Quốc. Năm 1992, một dự án trị giá 15 triệu USD do Công ty Liên danh hữu hạn Hải Thành làm chủ đầu tư được Nhà nước cấp giấy phép hoạt động.

Sau 2 năm xây dựng, giai đoạn một với nguyên đơn thứ nhất gồm một nửa toà nhà 6 tầng trên diện tích 5.000m2 đã được đưa vào sử dụng. Đây là sự kiện từng là mối quan tâm hàng đầu của giới tiểu thương rất có thế lực về tài chính tại Hải Phòng.

Thời điểm ấy, để có một gian hàng trong chợ Sắt mới, hộ kinh doanh phải bỏ ra ít nhất 50-60 triệu đồng để thuê quầy. Không ít người đã phải vất vả đôn đáo ngược xuôi, cầm cố tài sản cũng không từ. Mục đích đặt ra: có cơ hội "đổi đời" từ việc thuê được quầy trong chợ.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Chỉ sau vài tháng đầu, được ngồi trong ngôi chợ mới, các hộ kinh doanh đã nếm mùi cay đắng vì doanh số bán hàng ngày càng sụt giảm, thậm chí thu không đủ để khấu trừ chi. Đây là lý do khiến cho ngôi chợ danh giá này không sao bán hết cơ số quầy tầng 1, tầng 2 chỉ lác đác vài hộ và nguyên tầng 3 bỏ không, tầng 4, 5, 6 chỉ trơ gan với những mố cột bê tông.

Nhiều người cho rằng chợ Sắt mới không hấp dẫn là do nhà đầu tư thực hiện thu 1 lần tiền cho cả 15 năm thời hạn thuê quầy; thiết kế chợ kiểu ô quầy bịt bùng và diện tích nhỏ hẹp không phù hợp với cung cách bán hàng rất phóng khoáng của bà con tiểu thương Hải Phòng và người mua cũng không thấy thoải mái như trước nữa.

Trong khi đó, Liên danh hữu hạn Hải Thành thì cho rằng do chính quyền địa phương không dồn các hộ kinh doanh vỉa hè vào trong chợ nên lãng phí công suất quầy.

Nói tóm lại, chợ Sắt mới ngày càng bộc lộ rõ những hạn chế. Các hộ đã trót vào thì tìm cách sang nhượng tống tháo hoặc chấp nhận thiệt ít còn hơn mất nhiều, đóng cửa đắp chiếu quầy ra ngoài gỡ gạc lại.

Đến nay, bất chấp "khuyến mại", hạ giá thuê của Hải Thành, chỉ còn khoảng 200 quầy hàng kinh doanh trong ngôi chợ thênh thang. Ước chỉ khai thác được 1/5 công suất quầy.

Xuống cấp nghiêm trọng

Hệ lụy tiếp theo là sự quản lý, khai thác không hiệu quả của nhà đầu tư đã khiến cho công trình ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, chủ đầu tư không đủ năng lực đầu tư giai đoạn II của dự án. Một nửa diện tích còn lại đã được chuyển quyền đầu tư cho một đối tác khác là Công ty Liên danh hữu hạn Trường Thành (cũng Trung Quốc) vào năm 1997 với giá trị dự án 15 triệu USD.

Sở dĩ Trường Thành được thay thế vai trò chủ đầu tư là nhờ vào lý thuyết "lấy ngắn nuôi dài": 3 năm đầu sẽ xây dựng gian chợ tạm để cho thuê, sau đó sẽ tiếp tục xây dựng nửa còn lại để hoàn thiện thành khối nhà tròn cao 6 tầng theo đúng thiết kế đã được phê duyệt.

Song, đến nay đã hơn 10 năm trôi qua, nửa thứ hai của chợ Sắt vẫn là dãy lán trại khung sắt lợp tôn. Cũng không thấy ai nhắc đến chuyện hoàn chỉnh khối kiến trúc chợ hiện đại ở khu vực trung tâm thành phố.

3/4 diện tích tầng 2 bỏ hoang.

Trở lại với nửa trước của Hải Thành, sau khi không có đối tác nào thuê quầy, đơn vị này đã khai thác tận thu theo kiểu có còn hơn không. Nguyên mặt bằng tầng 3 khoảng 5.000m2 đã được cho 2 đơn vị khác thuê làm xưởng sản xuất hàng may mặc, điện tử. Tầng 4 cho mở nhà hàng ăn uống "Trung Hoa Mỹ thực viên".

Vào thời điểm này, tầng 3 lại được chuyển sang đối tác thuê để mở dịch vụ giải trí tổng hợp như: vũ trường, massage, nhà hàng...

Điều đáng lo ngại là sự hoán cải thiết kế công trình chợ để phù hợp với mục đích sử dụng của các bên thuê. Tất cả hạng mục cơ bản đều bị đục phá, xây dựng các phòng ốc, tiểu cảnh với mức chất tải rất lớn.

Đây chính là lý do khiến những biểu hiện xuống cấp của công trình chợ Sắt mới không chỉ là sự hư hỏng, cũ nát thiết bị mà nứt trần, dột mái cũng đã xảy ra.

Cứ đà này, người ta có quyền lo sợ đến một ngày nào đó, chợ Sắt sẽ đối mặt với nguy cơ bị "sụp đổ".

Đáng tiếc là trong suốt quá trình các đối tác thuê mặt bằng thực hiện việc hoán cải công trình chợ Sắt từ nhiều tháng qua (nay vẫn chưa xong) nhưng chưa hề thấy có cấp, ngành chức năng nào đến để xem xét, kiểm tra việc chất tải, thay đổi kiểu dáng, kiến trúc sẽ ảnh hưởng đến độ an toàn của ngôi chợ khổng lồ này hay không.

Phải chăng giới chức Hải Phòng đã không buồn nhớ đến công trình nhiều tai tiếng này?

Lê Minh Triết
.
.
.