Hải Phòng: Chế tài xử lý doanh nghiệp nợ đọng BHXH chưa đủ mạnh

Thứ Hai, 07/07/2014, 12:46
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hải Phòng, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 842 đơn vị nợ đọng BHXH từ 4 tháng trở lên với số tiền hơn 313 tỷ đồng. Việc doanh nghiệp nợ đọng BHXH với số tiền lớn, trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều lao động…
>> Khởi kiện các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH

Trong tổng số tiền nợ 313 tỷ đồng, chiếm phần lớn chủ yếu là khối các doanh nghiệp nhà nước (hơn 182 tỷ đồng), ngoài quốc doanh (hơn 107 tỷ đồng), số còn lại là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hành chính sự nghiệp, UBND xã phường, HTX, ngoài công lập và nông dân, cá thể.

Theo ông Đào Xuân Hải, Phó Giám đốc BHXH Hải Phòng, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 50.000 lao động trong tổng số gần 300.000 người tham gia BHXH bắt buộc đang nghỉ việc không chốt được sổ, chuyển đi, hoặc để giải quyết các chế độ hưu trí. Những lao động bị ảnh hưởng quyền lợi tập trung chủ yếu ở những doanh nghiệp thuộc Vinashin, Vinaline và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh như: vận tải, xây dựng, sắt thép, giày dép...

Đáng chú ý, trong số này có tới 192 đơn vị đã phá sản, giải thể ngừng tham gia BHXH với số tiền nợ hơn 24 tỷ đồng. Điển hình là trường hợp của Công ty TNHH B.I.C Việt Nam. Năm 2011, đơn vị này có quyết định giải thể khi ông chủ người nước ngoài không có mặt tại công ty. Từ đây, công ty nợ BHYT, BHXH gần 900 triệu đồng. Mặc dù nhiều cuộc họp của các cơ quan chức năng đã được diễn ra nhưng đến nay quyền lợi của hàng chục lao động vẫn chưa đươc giải quyết, thậm chí có người đã chết mà vẫn chưa được chế độ tử tuất.

Nguyên nhân dẫn tới các khoản nợ BHXH là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hoạt động cầm chừng, tiêu thụ sản phẩm chậm, việc làm và thu nhập của người lao động không ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, khá nhiều doanh nghiệp dù có khả năng đóng BHXH cho người lao động nhưng vẫn cố tình chây ỳ. Thậm chí, một số đơn vị thu tiền BHXH của người lao động nhưng không đóng cho cơ quan BHXH nhằm chiếm dụng số tiền này. Qua tìm hiểu được biết, phần lớn doanh nghiệp “né” luật bằng cách: trong tổng số 30-31,5% tổng số phải thu nộp BHXH hiện nay, người lao động đóng 10,5% (bao gồm cả BHTN, BHYT) thì doanh nghiệp chỉ đóng phần này, còn phần chiếm dụng là số tiền theo quy định chủ sử dụng phải đóng hơn 20% còn lại.

Doanh nghiệp nợ BHXH ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.

Cũng theo ông Đào Xuân Hải, mức phạt các vi phạm hành chính liên quan đến việc chậm đóng BHXH theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ với mức cao nhất chỉ là 30 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe buộc các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm. Bên cạnh đó, mức lãi phạt của việc chậm nộp BHXH thấp hơn lãi suất tiền vay của các ngân hàng thương mại nên các doanh nghiệp cố tình nợ BHXH, chậm thanh toán trong thời gian dài. Một số doanh nghiệp mặc dù biết trách nhiệm đối với người lao động nhưng vẫn cố tình né tránh bằng các hợp đồng thời vụ nhằm cắt xén một khoản đóng góp không nhỏ. Trong thực tế, theo quy định, cơ quan BHXH chỉ có thẩm quyền kiểm tra, kiến nghị cơ quan xử phạt là ngành LĐTB&XH chứ không có thẩm quyền trực tiếp xử phạt. Đây là những bất cập  về mặt quản lý nhà nước khiến nhiều doanh nghiệp nợ đọng, chây ỳ đóng BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.

Được biết, từ tháng 6/2012 - 5/2014, BHXH Hải Phòng đã khởi kiện 42 đơn vị nợ đọng BHXH với số tiền lớn (từ 50 triệu đồng trở lên) và thời gian nợ từ 12 tháng. Qua đó, cơ quan BHXH đã thu hồi được hơn 21 tỷ đồng. Đây là biện pháp kiên quyết và mới được triển khai. BHXH Hải Phòng đang phối hợp với cơ quan tòa án các địa phương quyết liệt thu hồi nợ đọng. Những doanh nghiệp cố tình chây ỳ không đóng BHXH sẽ bị khởi kiện ra tòa. Với những đơn vị có khả năng trả nợ BHXH thì phương thức chủ yếu là “hòa giải” (sau khi khởi kiện 2 đơn vị tiến hành hòa giải để doanh nghiệp trả nợ). Tuy nhiên, qua triển khai những giải pháp này, có một số đơn vị dù đã có kết quả xử lý của tòa nhưng khi chuyển sang cơ quan thi hành án lại không được thực hiện. Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp nợ đọng BHXH ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động, các cơ quan chức năng cần nâng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, đồng thời tăng cường, bổ sung các quy định về chế tài xử lý, bảo đảm tính răn đe, hạn chế vi phạm pháp luật BHXH đảm bảo quyền lợi của người lao động…

Đăng Hùng
.
.
.