Tránh tai nạn thương tâm trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương:

Hạ nhiệt những “cái đầu nóng” của tài xế

Chủ Nhật, 27/07/2014, 16:08
Tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương có tổng chiều dài 61,9km, gồm phần đường cao tốc dài 40km có điểm đầu tại Chợ Đệm (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), điểm cuối tại xã Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang) và 21,9km là các tuyến đường nối dài.
>> Tai nạn nghiêm trọng trên cao tốc TP HCM - Trung Lương

Từ khi tuyến đường được thông xe vào đầu năm 2010 đã góp phần rất lớn trong việc giảm tải tuyến quốc lộ 1A cũng như rút ngắn thời gian đi từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên, cũng từ khi có đường cao tốc thì số vụ tại nạn thảm khốc đã xuất hiện nhiều ở miền Tây điều mà những năm về trước rất ít khi xảy ra. Và “thủ phạm chính” của những vụ tại nạn này chính là… tốc độ!

Nỗi ám ảnh dai dẳng

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay, trên tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương xảy ra ít nhất 4 vụ tai nạn thảm khốc làm chết 10 người và 54 người bị thương. Đó là vào khoảng 6h ngày 30/3/2013, tại Km22 đường cao tốc Trung Lương - TP Hồ Chí Minh (thuộc địa phận xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An), ôtô khách loại 40 chỗ chở công nhân của Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) lưu thông hướng Tiền Giang đi TP Hồ Chí Minh bất ngờ nổ lốp, lật ngang. Do đang chạy với tốc độ khá nhanh, chiếc xe lật ngang cày hỏng một đoạn đường khá dài và làm 34 người bị thương.

Vụ thứ hai là rạng sáng 20/12/2013, xe cứu thương của Bệnh viện Đa khoa tư nhân Nhật Tân do tài xế Trần Minh Hiếu (27 tuổi) chở bệnh nhân từ Châu Đốc (An Giang) lên TP Hồ Chí Minh đã đâm vào đuôi xe tải chở bê tông khiến 3 người chết và 2 bị thương.

Tiếp đến, vào sáng 16/4, xe khách 30 chỗ ngồi của hãng Thảo Châu chạy trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương hướng từ TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đi TP Hồ Chí Minh. Đến khoảng 9h40’, khi tới địa bàn ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành (Tiền Giang), xe này đã tông thẳng vào xe bồn do tài xế Bùi Tùng Dương (25 tuổi) điều khiển, đang tưới cây trên đường. Do xe chạy với tốc độ cao, cú va quá mạnh dẫn đến 3 người chết và 10 người bị thương.

Mới đây nhất vào sáng 17/7, tài xế Dương Trường Sơn, 31 tuổi, trú tại TP Vĩnh Long điều khiển xe khách BKS 64B-004.34 lưu thông từ hướng Tiền Giang về TP Hồ CHí Minh, đến Km 13+800 từ làn 100km/h, tài xế cho xe chạy vào làn 80km/h thì đâm thẳng vào đuôi xe tải BKS 49X-1546 lưu thông cùng chiều do tài xế Nguyễn Văn Hùng, 31 tuổi, ngụ Cát Tiên, Lâm Đồng điều khiển. Vụ tai nạn đã làm 4 người chết và 8 người bị thương. Cơ quan Công an điều tra kết luận lỗi thuộc về tài xế Dương Trường Sơn ngủ gật, điều khiển xe với tốc độ 111 km/giờ.

Vụ tai nạn thảm khốc trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương vào ngày 17/7 làm 4 người chết và 8 người bị thương.

Qua các vụ tại nạn cho thấy, phần lỗi thuộc về tài xế chạy xe với tốc độ quá mức quy định và không giữ khoảng cách an toàn nên khi gặp sự cố thì không né tránh kịp. Cụ thể ở tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương quy định tốc độ lưu thông tối đa ở làn cạnh dải phân cách giữa là 100km/h, tốc độ tối thiểu là 60km/h. Tốc độ lưu thông tối đa ở làn dừng khẩn cấp là 80km/h, tốc độ tối thiểu là 50km/h. Khi mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn giữa các phương tiện là 50m nếu chạy với tốc độ 80km/h và 100m nếu chạy với tốc độ từ trên 80-100km/h. Thế nhưng, trên thực tế có khá nhiều tài xế (chủ yếu là xe khách và xe tải) khi thấy khu vực vắng Cảnh sát giao thông, không có camera giám sát là bắt đầu phóng bạt mạng. Họ không chỉ vi phạm luật lệ giao thông mà còn quá coi thường tính mạng của người khác…

Gắn nhiều camera giám sát để trị… tốc độ!

Để tường tận những cuộc đua tốc độ trên đường cao tốc, 11h ngày 23/7, chúng tôi sử dụng ôtô riêng bắt đầu đi vào đường dẫn cao tốc tại cầu vượt Nguyễn Văn Linh - TP Hồ Chí Minh. Do từ đây đến trạm thu phí đường cao tốc có camera quan sát và 2 tổ CSGT thường xuyên tuần tra qua lại nên các loại xe chạy rất trật tự và đúng tốc độ quy định. Khi vào đường cao tốc, xe chúng tôi lưu thông trên làn đường số 1 cho phép tốc độ tối đa là 100km/h. Chúng tôi yêu cầu tài xế chạy với tốc độ gần 100km/h và giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước. Với tốc độ như thế, trên lý thuyết thì không có xe nào qua mặt được xe của chúng tôi và chúng tôi cũng rất mong thực tế sẽ diễn ra như vậy. Thế nhưng, chỉ mới đi được vài kilômét bất ngờ từ phía sau, một chiếc Toyota Hilux G, BKS 60C-00928 lấn sang làn đường 80km/h phóng lên như tên bắn rồi đánh sang trái lao vùn vụt về phía trước.

Theo người tài xế chở chúng tôi thì chiếc xe này có thể đạt tốc độ trên dưới 120km/h. Điều đáng buồn khi đây không phải là chiếc ôtô duy nhất mà trên suốt cuộc hành trình đi từ TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và ngược lại xe của chúng tôi đã bị hàng chục chiếc xe khác qua mặt dù vẫn đi với tốc độ 100km/h. Trong số các xe này thì các loại xe chở khách loại 16, 24 chỗ ngồi là chạy bạo nhất, tài xế liên tục lấn qua lại hai làn xe 80 và 100km/h để vượt lên xe khác…

Vì sao các tài xế vẫn chạy quá tốc độ quy định mặc dù mức xử phạt đối với loại vi phạm này là không nhẹ? Tôi đem thắc mắc này hỏi một CSGT đang làm nhiệm vụ ở cuối đường cao tốc gần Trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa thì đồng chí này cho hay, nguyên nhân là do các tài xế này biết khá rõ vị trí đặt camera giám sát nên khi thấy khuất tầm quan sát của camera là đua ngay. Ngoài ra, để đối phó với lực lượng CSGT, cánh tài xế chạy ngược chiều trên cao tốc, nhất là nhà xe cùng hãng, cùng HTX vận tải thường dùng đèn tín hiệu báo cho nhau về vị trí bắn tốc độ cũng như có sự xuất hiện của CSGT. Từ đó cánh tài xế có thể thoát ra đường cao tốc ở hai nút giao thông Bến Lức và Tân An để né việc bị xử lý. Cho nên, phần lớn các xe bị bắn tốc độ thường rơi vào các tài xế mới hoặc ít lưu thông trên tuyến đường này.

Theo thống kê của Cục CSGT ĐB-ĐS thì trong thời gian gần đây, bình quân mỗi ngày lực lượng CSGT lập biên bản trên dưới 10 trường hợp vi phạm chạy vượt quá tốc độ quy định. Riêng trong ngày mà chúng tôi đi thực tế, ngày 23/7, lực lượng CSGT lập biên bản 16 trường hợp vi phạm trong đó có 13 trường hợp chạy vượt quá tốc độ quy định. Điều này cho thấy lượng xe vi phạm bị xử lý là còn quá ít so với thực tế. Mặt khác, qua ghi nhận của chúng tôi cho thấy, thời điểm mà các loại xe thường vi phạm về tốc độ nhiều nhất là nằm trong khoảng thời điểm rạng sáng và giữa giờ trưa. Điều này cũng lý giải vì sao hầu hết các vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vào thời điểm sáng sớm. Theo chúng tôi, đây là vấn đề mà lực lượng chức năng cần nghiên cứu để bố trí tuần tra, xử lý vi phạm phù hợp hơn thực tế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau thời điểm xảy ra vụ tai nạn vào ngày 17/7/2014 trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, để “trị” tài xế chạy quá tốc độ, sai làn đường trên đường cao tốc, Ủy ban ATGT Quốc gia đã yều cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp dữ liệu thiết bị hành trình cho các Sở giao thông vận tải và chỉ đạo Cục Quản lý đường cao tốc cung cấp liệu trên hệ thống camera giám sát cho lực lượng CSGT để xử phạt đối với lái xe vi phạm, nhất là lỗi vi phạm về tốc độ, vượt xe.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý hạ tầng đường cao tốc bảo đảm đủ các điều kiện an toàn và tổ chức công tác cứu hộ, cứu nạn kịp thời đối với tai nạn, sự cố của phương tiện xảy ra trên đường cao tốc. Hiện tại, việc triển khai lắp đặt các camera giám sát trên tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đang được thực hiện ráo riết. Hy vọng với biện pháp này thì tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu sẽ được hạn chế tối đa và ngày một đẩy lùi các vụ tai nạn thảm khốc trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương nói riêng và đường cao tốc trong cả nước nói chung

Nhóm PV
.
.
.