Hà Nội trước ngày tổng rà soát trẻ em làm thuê

Thứ Tư, 21/11/2007, 14:28
Có tới 4,7% trẻ lang thang chưa từng được đi học, 34% bỏ học ở bậc tiểu học, 58,7% bỏ học ở bậc THCS và 2,6% bỏ học ở bậc THPT. Đây là những con số khiến người lớn phải suy nghĩ trước cuộc tổng điều tra.

Sau sự việc em Nguyễn Thị Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) bị đày đọa trong nhiều năm  gây xôn xao dư luận, mới đây, theo chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao cho Sở LĐ-TB&XH, ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, Công an TP, UBND các quận, huyện phối hợp tiến hành rà soát số trẻ đang làm thuê.

Theo Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, hiện cả nước có khoảng 12.000 trẻ em lang thang được pháp luật bảo vệ, nhưng số trẻ làm thuê, giúp việc trong các cơ sở tư nhân, dịch vụ, gia đình như trường hợp em Nguyễn Thị Bình thì chưa có con số chính thức.

Cũng theo một con số thống kê của Bộ LĐTB&XH, trong tổng số trẻ em lang thang, có tới 71,7% trẻ em ra đi là vì hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, không thể nuôi chúng ăn học.

Theo số liệu khảo sát ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (năm 2003) do Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em cung cấp cho thấy, phần lớn trẻ em kiếm được trung bình 10.000 đồng - 30.000 đồng/ngày.

Số trẻ này phải làm việc nhiều giờ trong một ngày, thậm chí trong cả môi trường ô nhiễm. Do lao động vất vả, các em không có đủ thời gian và dinh dưỡng để phục hồi sức khoẻ, không có thời gian vui chơi, giải trí, khi ốm đau không có người chăm sóc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển thể chất và trí tuệ của các em.

Có tới 4,7% trẻ lang thang chưa từng được đi học, 34% bỏ học ở bậc tiểu học, 58,7% bỏ học ở bậc THCS và 2,6% bỏ học ở bậc THPT. Đây là những con số khiến người lớn phải suy nghĩ trước cuộc tổng điều tra.

Nước ta từng ký tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em (20-2-1990) và ban hành Luật Bảo vệ Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (24-6-2004). Tinh thần chung mà Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam đều thống nhất ở chỗ: Trẻ em có những quyền cơ bản, trong đó có quyền bảo vệ sức khỏe, được chăm sóc, được học hành…

Nhưng trên thực tế, nước ta là nước đang phát triển, tuy được Đảng, Nhà nước, toàn dân cố gắng hết sức, nhưng hiện nay số lượng trẻ em tự lao động kiếm sống, phụ giúp việc cho bố mẹ, gia đình là rất lớn. Pháp luật hiện hành cấm lạm dụng lao động trẻ em, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm.

Như vậy, việc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tự mưu sinh, phù hợp với sức mình có thể được chấp nhận. Chúng tôi xin có cuộc trao đổi với hai chuyên gia xung quanh vấn đề tế nhị này.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Vụ trưởng Vụ Trẻ em, ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em:

Sẽ rà soát văn bản pháp quy, bổ sung quy định để quản lý trẻ em làm giúp việc gia đình đạt hiệu quả

PV: Hiện nay, tình trạng trẻ em đổ về thành phố có giảm nhưng tốc độ giảm rất chậm và phần lớn trẻ đi làm vì kinh tế gia đình quá khó khăn. Có ý kiến cho rằng thay vì gom các em đưa về gia đình thì nên để các em ở lại thành phố, sẽ có cơ hội thay đổi cuộc sống hơn là để các em về quê tiếp tục vòng luẩn quẩn đói nghèo. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Trọng An: Đúng là trẻ em đổ về thành phố có giảm. Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em đã phối hợp với các địa phương và các ngành liên quan thực hiện đề án ngăn ngừa và trợ giúp trẻ em lang thang từ năm 2004, đã có gần 1 vạn trẻ em lang thang được hỗ trợ trở về gia đình, ổn định cuộc sống (năm 2003: toàn quốc có 21.000 trẻ em lang thang; hiện nay con số này còn 12.000 em.

Trong đó, Hà Nội giảm từ 1.500 em xuống còn gần 300 em; TP Hồ Chí Minh giảm từ 1.625 em xuống còn 794 em). Để trẻ em lang thang kiếm sống có được cái lợi trước mắt là kiếm được tiền nhanh và nhiều hơn so với thu nhập ở quê, nhưng trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị xâm hại, bệnh tật, bị đánh đập, hành hạ, bị lạm dụng tình dục, bị buôn bán, thậm chí vi phạm pháp luật lúc nào không biết.

PV: Có nhiều gia đình ở quê vì quá nghèo, buộc phải cho con lên thành phố giúp việc, chấp nhận thất học và những rủi ro, ông nhìn nhận việc này như thế nào?

Ông Nguyễn Trọng An: Như vậy, những ông bố, bà mẹ đó đã vi phạm pháp luật mà không biết. Họ đã vi phạm vào quyền được sống chung với cha mẹ của trẻ được quy định tại điều 13 của Luật BVCS&GDTE. Tuy nhiên, phải thấy một thực tế, trẻ em có thể làm việc theo sức của mình nhưng phải có thêm cơ sở pháp luật để tránh cho các em không bị lợi dụng.

Thời gian tới, Vụ Trẻ em sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát văn bản pháp quy, bổ sung các lỗ hổng để việc quản lý trẻ em làm giúp việc trong gia đình (GVGĐ) đạt được hiệu quả bền vững.

PV: Hiện nay, số đông trẻ đang làm GVGĐ hoặc trong các cơ sở dịch vụ tư nhân, nhưng làm thế nào để quản lý và bảo vệ các em?

Ông Nguyễn Trọng An: Theo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em thì trẻ em từ 15 tuổi trở lên mới được ký hợp đồng lao động. Trẻ em trong độ tuổi vị thành niên không được ký hợp đồng lao động ở những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…

Nhưng trẻ em chưa đến 15 tuổi làm việc GVGĐ thì chưa có một văn bản pháp quy nào, ngay cả Luật BVCS&GDTE cũng chưa có điều khoản nào quy định. Những gia đình có sử dụng trẻ em GVGĐ thường nhận là cháu họ hàng ở quê lên, không đăng ký tạm trú tại địa phương.

Chính vì thế, Vụ Trẻ em có công văn đề nghị Ủy ban DS-GD&TE Hà Nội rà soát toàn bộ trẻ em GVGĐ trên địa bàn. Việc rà soát này mới chỉ tiến hành ở Hà Nội, Vụ Trẻ em đang đề xuất Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH rà soát lao động vị thành niên trên toàn quốc.

Ông Đào Xuân Dương, Phó Trưởng ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội:

Ông Đào Xuân Dương.
Cần có cách làm mới sát với cuộc sống của các em

"Theo tôi, rà soát số trẻ đang làm thuê là việc làm cấp thiết, nhưng sau rà soát, sẽ phải nghĩ đến giải pháp để đưa các cháu đến trường, thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học. Tôi cho rằng, về mặt pháp luật, cơ chế chính sách, cần phải có nhận thức mới, cách làm mới sát với dân hơn, như thế mới biết được trẻ em đến đây làm gì, cuộc sống của chúng như thế nào.

Hiện nhiều trẻ em chọn cách lao động kiếm sống, vì các em cũng có quyền được mưu sinh, việc làm bây giờ là phải giáo dục mạnh ý thức người dân trong việc xây dựng văn hóa người Hà Nội, đối xử với các em theo đúng quyền con người, theo tinh thần lá lành đùm lá rách.

Để việc tổng rà soát đạt được hiệu quả có biện pháp bền vững, không rơi vào tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa", cần có sự phối hợp giữa TP Hà Nội với các tỉnh, chia sẻ khó khăn với các em tạo điều kiện cho các em đến trường…".

Ông Vũ Tiến, chủ nhà hàng Hoa Phượng, 13 Ngô Văn Sở, Hà Nội là cơ sở chăm sóc, giáo dục trẻ em tư nhân đầu tiên ở Hà Nội:

Trẻ em bỏ nhà quê lên thành phố mưu sinh là quyền được tự do mưu sinh. Người lớn không được sử dụng trẻ em vào việc nặng nhọc, độc hại. Việc các em phải đi làm sớm là việc không ai muốn nhưng để giảm được tình trạng này thì cùng một lúc các chính sách xã hội về xoá đói giảm nghèo phải được thực hiện một cách trách nhiệm và không hình thức. Toàn dân cùng chung tay cưu mang các em, cũng là cách hạn chế tệ nạn xã hội.

Thu Phương-Tố Quyên
.
.
.