Hà Nội thừa không gian, thiếu điểm vui chơi cho trẻ

Thứ Bảy, 28/04/2012, 10:47
Hà Nội không thiếu công viên. Hà Nội cũng không thiếu không gian để bố trí điểm vui chơi. Nhưng người Hà Nội và người ngoại tỉnh đổ về Hà Nội vào dịp lễ, Tết lại thiếu điểm vui chơi. Đó là nghịch lý đang diễn ra ở nơi là Thủ đô của cả nước. Dịp 30-4, 1-5 này, nhiều người đang phải loay hoay tìm chỗ chơi hợp lý cho con em mình.

Công viên chưa sử dụng hết chức năng

Ngày 26/4, Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bắt đầu mở cửa Công viên nước phục vụ mùa hè. Hệ thống cầu trượt nước gồm đường trượt lộ thiên, đường trượt ống vòng dài 30m, cao 20m, đường trượt thấp. Trẻ em và người lớn đều có thể vui chơi. Ngoài khu vui chơi nước được làm từ năm 2005, công viên này còn một đu quay khổng lồ trên cao nhưng từ lâu nó không còn hoạt động. Một nhân viên trông xe ở đây cho biết, người ta chuẩn bị dỡ bỏ nó đi.

Bước vào cổng một công viên rộng lớn, người ta thấy đập vào mắt là một nhà hàng, bên phải, bên trái là nơi trông giữ xe ôtô. Công viên không có ghế đá, không có nơi vui chơi, không gian bị chiếm dụng làm chỗ để xe. Đã nhiều năm qua, Công viên Tuổi trẻ rơi vào tình trạng như vậy. Chỉ còn mỗi điểm vui chơi dưới nước là phát huy hiệu quả đáp ứng một phần nhu cầu vui chơi của trẻ em trên địa bàn. Còn lại, nó đã biến thành nơi kinh doanh thương mại.

Trò chơi vận động trong Công viên Lê Nin bị lãng quên và hỏng sau nhiều năm sử dụng.

Tại Công viên Lê Nin, sáng 25/4, người ta gấp rút dọn dẹp những gian hàng của một hội chợ bố trí tại đây. Bỏ qua khung cảnh lộn xộn trước cổng vào ấy, chúng tôi đi sâu vào khu vực bên trong. Cả một khung cảnh rộng rãi với cây cao bóng mát và hồ nước trong xanh làm dịu đi cái nắng chói chang đầu hè.

Cách đây mấy năm, hồ Bảy mẫu nằm giữa công viên rộng nhất Thủ đô này đã được cải tạo sạch sẽ. Lòng hồ nạo vét, kè bờ, không còn cảnh cá chết nổi từng mảng khi nước hồ ô nhiễm nặng. Có lẽ, đó là cái mới nhất sau nhiều năm sử dụng công viên này. Những hạng mục trò chơi trong công viên thì vẫn như vậy gần chục năm nay.

Một trong những điểm vui chơi lý tưởng, đặc biệt hấp dẫn trẻ em nhiều lứa tuổi tại đây chính là khu vực trò chơi vận động trên cát. Vào mỗi ngày thứ 7, chủ nhật và đặc biệt là ngày nghỉ lễ, khu vực này luôn là tâm điểm hút khách. Những cô bé cậu bé từ 1, 2 tuổi cho đến 10, 12 tuổi, thậm chí là lớn hơn nữa cũng đều lao vào đây chơi. Trò chơi bố trí trên cát là thiết bị bằng kim loại, nhựa với dây xích chơi xích đu, leo núi, cầu trượt.

Mấy năm trước, nền cát trắng tinh, sạch sẽ được quây lại. Trẻ em tha hồ vui chơi mà bố mẹ không lo con bị bẩn, đồng thời nó lại vừa rèn luyện sức khỏe cho trẻ, tinh thần một cách lành mạnh. Khi tìm hiểu trên các diễn đàn làm cha mẹ, chúng tôi cũng thấy rất nhiều nhận xét của các bậc phụ huynh về điểm vui chơi này.

Có lẽ, đây là điểm duy nhất tại Hà Nội khiến nhiều ông bố bà mẹ nhận xét tích cực như vậy. Nhưng, đã nhiều năm nay, Công viên Lê Nin chỉ khai thác chứ không bảo trì bảo dưỡng. Một số chi tiết trong các trò chơi bị đứt, gãy. Cát thì tràn ra, trộn lẫn với đất, lá cây. Thời gian dài sử dụng, loại cát đặc biệt này đã bị dí chặt lại.

Một hạng mục nữa trong Công viên Lê Nin cũng thu hút khách là tàu điện chạy vòng quanh công viên. Có điều, vào ngày nghỉ, khi tàu vận hành cũng có nghĩa là lượng khách rất lớn. Nhiều người phải mệt mỏi cố gắng chen chân xếp hàng cho con lên tàu mãi không đến lượt. Nhìn cảnh dòng người đứng kín nơi lên tàu, không ít người ái ngại, động viên con đi chơi trò khác như đu quay, tàu lượn, nhà kính…

Công viên Hòa Bình mới được xây dựng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cũng có không gian rộng rãi. Tuy nhiên, do mới xây dựng lại chưa được đầu tư trò chơi cho trẻ em nên những ngày hè, công viên nắng nóng và chức năng chính vẫn chỉ dành để cho cư dân trên địa bàn tập thể dục mỗi sáng, chiều.

Trò chơi phản giáo dục trong các trung tâm thương mại

Khi các công viên trên địa bàn Hà Nội trở nên nhàm chán, nghèo nàn trò chơi cho trẻ em thì người ta bắt đầu đổ dồn vào những điểm vui chơi mới, hiện đại tại các trung tâm thương mại. Tuy nhiên, để vào đây chơi thoải mái, phụ huynh của bọn trẻ phải trang bị rủng rỉnh tiền trong túi. Có điều, trò chơi trong các trung tâm thương mại này phần lớn không giúp trẻ vận động và ít khơi gợi tính sáng tạo, trừ dịch vụ tô tượng.

Anh Nguyễn Văn Phan ở huyện Đông Anh, Hà Nội than vãn: "Tôi thích đưa con vào đây chơi vì môi trường rất sạch sẽ. Nhưng chơi rồi mới thấy rất đắt tiền. Chỉ riêng đi xe đụng 5 phút đã mất 40.000đồng. Nhưng khó mà tìm được nhiều điểm vui chơi khác khi các công viên thì đi một hai lần là bọn trẻ chán ngay vì không có gì mới".

Tâm sự của anh Phan cũng giống như suy nghĩ của nhiều ông bố bà mẹ. Công viên thì có không khí rộng, thoáng đãng nhưng nghèo nàn trò chơi. Chơi trong trung tâm thương mại thì đắt đỏ, trò chơi ít tính giáo dục. Hà Nội vẫn chưa thực sự quan tâm đến loại hình dịch vụ cho trẻ em để giúp trẻ phát huy tối đa năng lực, sức sáng tạo khi vui chơi.

Bên cạnh đó, thành phố cũng chưa chú trọng đầu tư vào các công viên công cộng để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân trong các dịp lễ Tết. Chúng ta có không gian, người dân có nhu cầu, chúng ta cũng có thể xã hội hóa dịch vụ trong các công viên công cộng để đáp ứng nhu cầu này. Có thể bố trí nhiều trò chơi vận động tại các công viên, nếu có tăng giá vé thì chắc chắn các bậc phụ huynh cũng sẽ không tiếc tiền vì nó rất hữu ích cho trẻ.

Quan tâm đến các điểm vui chơi công cộng chính là đầu tư cho sự phát triển toàn diện cả về tinh thần và thể chất cho người dân và các thế hệ tương lai. Thành phố Hà Nội cần có cuộc rà soát các công viên, vườn hoa công cộng để đánh giá hiệu quả và lên kế hoạch đầu tư sâu rộng để đáp ứng nhu cầu vui chơi trên địa bàn và người dân từ các tỉnh xa về Thủ đô

Việt Hà
.
.
.