Hà Nội thâu đêm chống dịch

Thứ Bảy, 07/03/2020, 17:36
Chỉ trong vòng 12h, toàn bộ hệ thống chính trị của TP Hà Nội đã thâu đêm triển khai đồng loạt các biện pháp khẩn cấp ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan. Gần 200 người có tiếp xúc gần và tiếp xúc với người tiếp xúc gần bệnh nhân số 17 đã được cách ly. Nguy cơ cao nhất hiện có 2 người tiếp xúc gần là tài xế và bác ruột của bệnh nhân có thể nhiễm bệnh. 


Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch - Đầu tư ngồi xa bệnh nhân

Ông Chung cho biết trên chuyến bay VN0054 của Vietnam Airlines ngày 1-3, bệnh nhân N.H.N. đi vé hạng C. Khách hạng này lên sau và ra trước nên không hẳn là 217 người cùng chuyến bay đều có nguy cơ. Tuy nhiên, vẫn phải rà soát người tiếp xúc ở phòng chờ, nhân viên sân bay, khu lấy đồ, khu khám ở Bệnh viện Hồng Ngọc, tất cả khoảng 33 người tiếp xúc gần. "Số này đã lấy mẫu được 27 người, có 25 người đã có kết quả âm tính, những người còn lại đến sẽ có kết quả xét nghiệm sau", ông Chung cho hay.

Cụ thể, bệnh nhân N.H.N. ngồi ở ghế 5K hạng C. Trên chuyến bay này, hạng thương gia bay từ Anh về Hà Nội có 21 khách, trong đó có 3 người Việt Nam, 18 người nước ngoài. Ngồi gần bệnh nhân N.H.N  trong chuyến bay có ghế 4G, 4K, 5G, 6G và 6K và tiếp viên đưa thực phẩm được coi là tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Máy bay sau khi chở bệnh nhân đã bay thêm 6 chuyến nữa.

Đối với băn khoăn của dư luận về đoàn công tác của Bộ Kế hoạch - đầu tư trên chuyến bay này, ông Chung cho biết qua phân tích, chỉ có một hàng ghế giáp với vị trí bệnh nhân ngồi. Máy bay này sau đó đã bay thêm 6 chuyến, chỗ bệnh nhân ngồi hơn 10 tiếng sau đó đã có 5 người ngồi ở trên các chuyến sau, 1 chuyến không có người ngồi. Qua phân tích chỗ ghế, cả 2 trường hợp của đoàn công tác đều ngồi cách xa 4 – 5 m và ở luồng đi lại bên kia (do máy bay có 2 lối đi). Trong khi, bệnh nhân N.H.N ngồi ở ghế 5K chỉ có một hàng ghế một mình.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, máy bay VN0054 sau khi từ Anh về sân bay Nội Bài đã bay thêm 6 chuyến đi Sài Gòn, Anh và một số nước khác. Qua phân tích, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất trên máy bay này là người ngồi ghế 5K (trùng số ghế bệnh nhân N.H.N ngồi) bay từ Hà Nội vào Sài Gòn lúc 6h sáng ngày 2-3.

Mọi người dân phải tự giác để bảo vệ bản thân và gia đình

"Sáng nay tôi có hỏi lại chị N.H.N., bệnh nhân này vẫn khẳng định chỉ tiếp xúc với lái xe tên P. Sau khi lái xe đón từ sân bay về thì chỉ ở tại tầng 8, đến chiều 5-3 có gọi lái xe đưa đến Bệnh viện Hồng Ngọc, sau khi khám thì được Bệnh viện Hồng Ngọc đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và có kết quả dương tính", ông Chung thông tin. Với Bệnh viện Hồng Ngọc, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo không tiếp nhận khám và đón bệnh nhân mới. Ông Chung cũng có ý kiến về việc đo thân nhiệt tại sân bay, đề nghị cho đi hàng một khi đo thân nhiệt, đồng thời thực hiện khai báo y tế, có số điện thoại, nơi về cư trú. "Giả sử khi phát hiện sau thì đã có đầy đủ dữ liệu, rút ngắn được thời gian xử lý các vấn đề phát sinh", chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Nhận định về tình hình dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, Hà Nội đang kiểm soát tốt tình hình. Tuy nhiên, theo ông Chung, chỉ cần 1 người đi từ vùng dịch về và lây nhiễm thì xác suất là như nhau về lây lan.  "Hiện nay nguy cơ ở Hà Nội và Việt Nam cao hơn vì vừa qua có nhiều khách nước ngoài vào Hà Nội, có thể lây nhiễm cả trong thời gian ủ bệnh. Nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm cao trên địa bàn khi người Việt Nam đi học tập, công tác, du lịch về trong thời gian qua rất lớn, rất khó kiểm soát vì thường bay quá cảnh qua các nơi", ông Chung nói.

Sáng 7-3, phố Trúc Bạch được khử trùng.

Sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính, các đơn vị của TP, quận, huyện đã triển khai các biện pháp thâu đêm 6-3. Các đơn vị chuyên môn của TP đã làm tốt công tác theo đúng quy định, triển khai nhanh việc rà soát, khoanh vùng. Chủ tịch UBND TP khẳng định từ lúc phát hiện, thế giới định ra có 72 giờ vàng, TP Hà Nội đã phản ứng ngay từ những giờ đầu tiên, đến nay mới chỉ 12 tiếng.

Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, khâu quan trọng nhất hiện nay là tuyên truyền để người dân nắm bắt về diễn biến dịch và dấu hiệu của bệnh để phòng ngừa cho mình, cho người thân và cộng đồng. "Mọi người phải thấu hiểu, tự giác, trách nhiệm để bảo vệ mình, người thân và cộng đồng", ông Chung nói. 

Ông Chung cũng kêu gọi người dân khi đi các nước về chủ động thông tin, đặc biệt khi có dấu hiệu bệnh phải thông tin ngay đến đường dây nóng.

Nâng mức cảnh báo, cách ly gần 200 người liên quan đến bệnh nhân số 17

Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội nhấn mạnh: "TP Hà Nội nâng mức cảnh báo, tiếp tục rà soát đến đối tượng F4, F5 - những trường hợp này cũng phải cách ly 14 ngày tại nhà. Với trường hợp F3, F2 thực hiện cách ly tại cơ sở y tế", ông Chung lưu ý.

Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, các đội phản ứng nhanh của TP và các quận, huyện đã điều tra tối đa để tìm những người nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc F1, F2, F3 với bệnh nhân thứ 17. Gần 200 người đã được điều tra, lên danh sách và cách ly.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết: "Người dân đang lo lắng thế nào thì các đồng chí biết. Siêu thị mua bán rất đông. Thông tin trên mạng thì cũng có nhiều thông tin không chính thống gây hoang mang dư luận. Vào lúc này, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, bị động, bất ngờ, nhưng cũng không hoang mang quá mức, phải tin tưởng vào nỗ lực phòng chống dịch của cả nước và Hà Nội. Đây là lúc thử thách bản lĩnh của chúng ta”. 

Bí thư Thành uỷ lưu ý phải nâng một cấp các kịch bản hướng dẫn của Bộ Y tế. “Phải cẩn trọng và sáng suốt. Cẩn tắc vô áy náy. Chúng ta làm cao hơn yêu cầu của Bộ Y tế. Đáng lẽ cách ly tại nhà thì chuyển sang cách ly tập trung, đáng lẽ cách ly tại nơi tập trung thì chuyển sang nơi khám chữa bệnh. Đây là trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng, với người dân, với sự an toàn của Nhà nước”, Bí thư Vương Đình Huệ chỉ đạo.

Theo Bí thư Vương Đình Huệ, cơ quan chức năng cần điều tra dịch tễ  những người tiếp xúc gần với bệnh nhân số 17, tiếp xúc với tiếp xúc gần, hành khách của chuyến bay v.v.. "Cần chỉ đạo tất cả thôn, tổ dân phố, phường, xã, đặc biệt là công an điều tra việc này. Kinh nghiệm của Vĩnh Phúc là chỉ công an mới nắm bắt được việc này. Và phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để kiểm soát tình hình. Tập trung nỗ lực toàn bộ hệ thống chính trị để nhanh chóng kiểm soát được tình hình. Phải chữa trị thành công cho người bệnh. Tuyệt đối không để lây lan trong cộng đồng”, Bí thư Thành uỷ kiên quyết. Đồng chí Vương Đình Huệ cũng yêu cầu tạm hoãn các hoạt động không cần thiết như hội họp, lễ hội, không chỉ ở quận Ba Đình mà trên địa bàn TP, để tập trung phòng chống dịch, tránh lây lan. Bí thư Hà Nội cũng đề nghị tạm dừng các chuyến công tác nước ngoài của thành phố và quận huyện để tập trung chống dịch.

Ngọc Yến
.
.
.