Hà Nội tăng cường quản lý, xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Thứ Hai, 03/12/2012, 10:15
Cơ quan liên ngành của UBND TP Hà Nội đang thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý các điểm vi phạm. Hiện nay, Công an TP đang tham mưu cho Thành ủy ra Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo trong công tác quản lý hè, đường phố nhằm phát huy sức mạnh của tổ chức Đảng, tăng cường công tác quản lý của UBND các cấp, tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân, xử lý vi phạm.

Năm nào cũng vậy, vào những tháng cuối năm, giao thông Hà Nội luôn ở cảnh ùn tắc, lộn xộn. Đặc biệt, tại khu vực phố cổ, số phương tiện và con người giao thương tại khu vực này thường tăng đột biến. Bởi vậy, lực lượng Công an dù tăng cường đảm bảo trật tự giao thông nhưng cũng không xuể. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã rất phức tạp.

Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè 

Phố Đinh Liệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội luôn rơi vào cảnh ùn tắc giao thông vào giờ tan tầm buổi chiều. Có thể coi đây là điểm khá nóng về giao thông khi người mua sắm đổ về phố Đinh Liệt, Gia Ngư. Nhiều người gửi xe tại Gia Ngư rồi đi ra phố Hàng Đào, Hàng Ngang. Hoặc, người mua quần áo, khăn len trên phố Đinh Liệt dựng xe ngay dưới lòng đường khiến lòng đường càng hẹp thêm. Chỉ cần một chiếc ôtô đi ngang qua là tuyến phố ùn tắc như một nút cổ chai đi ra phía bờ hồ Hoàn Kiếm. Ngã tư Gia Ngư, Đinh Liệt dù không được bố trí điểm trông xe nhưng chiều 30-6 có mặt tại đây, chúng tôi thấy hàng chục chiếc xe máy dựng dưới lòng đường, chiếm dụng không gian giao thông của khu vực vốn chật hẹp này.

Tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lò Sũ, Hàng Dầu… cũng vô cùng đông đúc suốt cả ngày. Do nhu cầu mua bán tăng cao vào cuối năm nên tại đây luôn xảy ra vi phạm để xe dưới lòng đường, dù cách một đoạn phố lại được đặt biển báo nhắc nhở: “Tuyến phố văn minh…”. Đây cũng là những tuyến phố mà Công an và UBND phường luôn có tổ công tác tuần tra, xử lý vi phạm với thời gian dày đặc trong ngày. Khi lực lượng xử lý có mặt, người dân nhanh chóng chuyển xe đi, nhưng chỉ sau khi lực lượng này đi khỏi, người đến sau lại để xe máy chiếm dụng lối đi của người đi bộ hoặc để xe dưới lòng đường. Người vi phạm thì đưa ra nhiều lý do, nhưng hầu hết là “chỉ vào một lát là ra ngay”, hoặc “điểm trông xe ở xa”…

Một trong những bức xúc của người dân phố cổ chính là tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán. Người ta coi vỉa hè Hà Nội là mảnh đất vàng. Bởi vậy, người kinh doanh cố tình bày thò ra chiếm một ít vỉa hè, lấn một phần của người đi bộ. Phố Tạ Hiện, Hàng Buồm… chuyên kinh doanh bánh kẹo và một số sản phẩm khác cũng thường xuyên xảy ra tình trạng này khiến lực lượng Cảnh sát trật tự vất vả đi nhắc nhở và xử lý vi phạm. Hoặc, tại một số điểm trên phố Giảng Võ, Đường Láng… người dân sử dụng vỉa hè làm nơi sản xuất, gia công hàng hóa như gò hàn cũng chiếm dụng rất nhiều không gian của người đi bộ. Tình trạng người đi bộ phải đi dưới lòng đường diễn ra phổ biến tại các tuyến phố sôi động của Hà Nội vào dịp cuối năm.

Một bãi đỗ xe dưới lòng đường, tại ngã tư Gia Ngư - Đinh Liệt.

Chính quyền, các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc

Tình trạng vi phạm trật tự đô thị như đã điểm ở trên diễn ra lặp đi lặp lại nhiều năm nay vào thời điểm này. Nguyên nhân chính là sự quá tải của phương tiện và nhu cầu kinh doanh tại các tuyến phố trọng điểm, đặc biệt là khu phố cổ. Bởi vậy, lực lượng Công an Hà Nội cũng đã bắt đầu bước vào những tháng cao điểm cuối năm. Dù siết chặt quản lý trật tự đô thị nhưng công tác xử lý vi phạm vẫn còn một số vướng mắc.

Thượng tá Cao Thắng, Phó Chánh Văn phòng, Công an TP Hà Nội cho rằng, những vi phạm về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường liên quan đến kinh doanh ăn uống, trông giữ phương tiện thể hiện rất rõ. Việc có quán hàng chiếm đoạn dài vỉa hè để để xe hay các điểm trông giữ phương tiện sử dụng quá diện tích được cấp phép gây nhức nhối trong dư luận. Trước đây, theo Nghị định 34/NĐ-CP, hành vi này bị xử phạt đến 25 triệu đồng. Mặc dù đã bị phạt nặng như vậy song vẫn không hiếm nơi tái phạm. Đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường dạng nhỏ lẻ, mức phạt 25 triệu đồng/lần vi phạm lại quá cao. Nghị định 71/NĐ-CP đã điều chỉnh, mức phạt này xuống thấp hơn nên tạo điều kiện để cơ quan chức năng thực hiện việc xử phạt.

Thượng tá Cao Thắng cũng cho biết, cơ quan liên ngành của UBND TP Hà Nội đang thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý các điểm vi phạm. Hiện nay, Công an TP đang tham mưu cho Thành ủy ra Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo trong công tác quản lý hè, đường phố nhằm phát huy sức mạnh của tổ chức Đảng, tăng cường công tác quản lý của UBND các cấp, tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân, xử lý vi phạm.

Bắt đầu từ bây giờ, các phương tiện giao thông sẽ đổ dồn về Hà Nội ngày một nhiều hơn, nhu cầu mua bán, kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán cũng tăng cao. Bởi vậy, tình trạng vi phạm trật tự giao thông sẽ diễn ra hết sức phức tạp. Các cơ quan chức năng Hà Nội cần phối hợp quản lý, xử lý mạnh hơn nữa để lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường.

Một chỉ huy Công an phường ở phố cổ Hà Nội nêu vấn đề nảy sinh khi xử phạt vi phạm trật tự đô thị rằng: Đối với việc xử lý vi phạm đỗ xe máy trái phép dưới lòng đường, Nghị định 71/NĐ-CP đã tăng mức xử phạt lên 400.000đ/1 lượt vi phạm. Mức phạt này thuộc thẩm quyền xử phạt của chỉ huy Công an phường. Thế nên, trước đây thủ tục xử lý vi phạm đơn giản, cụ thể là hồ sơ vi phạm chỉ có hai loại giấy tờ là biên bản và biên lai xử phạt. Nay, đối với mức phạt mới phải có 5 loại giấy tờ gồm giấy ủy quyền xử phạt (nếu không có chỉ huy trong tổ công tác), đề xuất, biên bản, quyết định xử phạt, biên lai. Điều đó cũng gây thêm khó khăn, phức tạp cho công tác xử lý của lực lượng công an. Có trường hợp, người vi phạm không có đủ tiền mang theo, mà quy định lại không được giữ xe nên nhiều khi cán bộ trong tổ công tác phải nhắc nhở là chính chứ không lập hồ sơ xử phạt. Thực tế, tại địa bàn phố cổ Hà Nội, do tính chất đông dân cư, nhiều nơi lại chưa được cắm biển cấm đỗ, cấm dừng nên việc xử lý vi phạm triệt để là khá khó khăn. Tình trạng cán bộ xử lý đi qua, người dân tái vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến.

Việt Hà - Cao Hồng
.
.
.