Hà Nội cơ bản không tăng biên chế khi lập quận mới

Thứ Bảy, 15/02/2014, 08:03
Trước ý kiến lo ngại Hà Nội lập hai quận mới sẽ làm “phình” biên chế, trong khi chủ trương của Chính phủ đang cố gắng tinh giản, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị sáng 14/2 cho biết, việc lập quận mới là yêu cầu khách quan còn biên chế thành phố sẽ sắp xếp hợp lý, điều động trong số người hiện có.

Hai quận mới là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm với 23 phường sẽ đi vào hoạt động từ  ngày 1/4, trong khi cũng vào thời điểm này, Bộ Nội vụ đã trình dự thảo Nghị định của Chính phủ về việc tinh giản biên chế, dự kiến từ nay đến năm 2020 giảm khoảng 100.000 biên chế. Trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Bộ Nội vụ cũng khẳng định kiên quyết không tăng biên chế trong thời gian tới. Vậy, việc Hà Nội lập thêm hai quận mới với một loạt phòng mới, phường mới sẽ “đẻ” thêm số công chức, viên chức ra sao, điều này có làm thành phố “phình” biên chế so chủ trương của Chính phủ?

Giải thích về điều này, trả lời báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói: “Về đội ngũ cán bộ, trên cơ sở nền tảng đội ngũ cán bộ hiện nay của huyện Từ Liêm, nếu có lấy thêm trước hết cũng là lấy thêm trong nội bộ thành phố. Có nghĩa là về biên chế cơ bản là không tăng lên”. Ông Pham Quang Nghị thừa nhận, khi lập quận mới, biên chế của mỗi quận đương nhiên phải có thêm người, nhưng mà cũng nằm trong số người hiện có của thành phố chứ không phải nhận mới.

Hà Nội cơ bản không tăng biên chế khi lập hai quận mới.

Còn đối với bộ máy chính quyền và bộ máy cơ quan Đảng thì dùng quyền hạn của cấp trên để điều động, bố trí cán bộ. Với cách làm như vậy, ông nói: Thành phố cam kết với nhân dân và với xã hội là đúng ngày 1/4, bộ máy mới đi vào hoạt động và không có bất kỳ công việc gì bị trở ngại vì thành lập bộ máy mới. Hà Nội cũng đã có kinh nghiệm qua một số lần lập quận mới cũng như hợp nhất địa giới hành chính, vì vậy sẽ có cách làm hợp lý để tránh thất thoát, lãng phí khi xây dựng bộ máy hành chính, trụ sở mới. Theo đó, trụ sở trước mắt không thể có đủ ngay cho các đơn vị mới tách ra nhưng cũng có thuận lợi là hiện nay có quỹ nhà của các khu đô thị, các khu chung cư chưa sử dụng tới, bán cũng chưa được, có thể vào đấy để sử dụng. Bí thư Phạm Quang Nghị cũng khẳng định, sẽ xây dựng trụ sở một cách có cân nhắc, có tính toán, các phương tiện cũng không có mua sắm mới, chỉ chia nhau ra mà làm...

Theo Kế hoạch số 163-KH/UBND của UBND TP Hà Nội về thực hiện kết luận Hội nghị TW 7 (khóa XI) về một số vấn đề cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020 thì một trong những giải pháp, nhiệm vụ hàng đầu được UBND thành phố xác định là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối và tinh giản biên chế khu vực hành chính sự nghiệp. Cụ thể, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền cấp thành phố và cấp huyện theo hướng quy định khung các cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND thành phố. Từ nay đến năm 2016, trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc phát sinh nhiệm vụ mới, cơ bản không tăng thêm biên chế. Số công chức được tuyển dụng mới vào công vụ không quá 50% số công chức đã ra khỏi biên chế, 50% biên chế còn lại để bổ sung cho những lĩnh vực cần tăng.

Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Biên chế của mỗi quận đương nhiên phải có thêm người, nhưng mà cũng nằm trong số người hiện có của thành phố chứ không phải nhận mới. Còn đối với bộ máy chính quyền, và bộ máy cơ quan Đảng thì dùng quyền hạn của cấp trên để điều động, bố trí cán bộ”.

Nguyễn Thành
.
.
.