Hà Nội chưa có giải pháp tránh ngập lụt lâu dài

Thứ Hai, 10/08/2009, 19:03
Giám đốc Xí nghiệp Khảo sát thiết kế thuộc Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay, ngoài khu vực nội thành cũ thì tất cả các khu vực khác đều trong nguy cơ ngập cao, nhất là khu vực phía Tây Hà Nội mới chưa có quy hoạch thoát nước.

Sau khi mở rộng, TP Hà Nội có địa hình tự nhiên tương đối phức tạp và đa dạng, chia thành nhiều lưu vực thoát nước khác nhau. Đến thời điểm này, chưa có khu vực nào trên địa bàn thành phố có hệ thống thoát nước đô thị hoàn chỉnh, một số khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng hệ thống thoát nước còn sơ khai... Thành phố đã có những giải pháp từng bước khắc phục những bất cập nêu trên, tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng, nếu đầu tư đồng bộ phải tới gần chục năm nữa may ra Hà Nội mới thoát khỏi cảnh ngập lụt.

Thoát nước đô thị: Khu vực nào cũng thiếu

Ngập, đó là cảnh tượng diễn ra thường xuyên tại Hà Nội sau bất cứ cơn mưa nào liên tục có lượng mưa trên 70mm/h xảy ra. Dù đã đầu tư không ít tiền của vào các giai đoạn thoát nước đô thị nhưng dường như tình trạng ngập chưa thể khắc phục. Lãnh đạo Xí nghiệp Khảo sát thiết kế (Công ty Thoát nước Hà Nội) cho rằng, kể cả giai đoạn 2 có hoàn thành, thì tình trạng ngập tại Hà Nội vẫn còn tồn tại vì sau khi Hà Nội mở rộng, nhiều đô thị mọc lên tạo nên sự bất cập đó là thiếu sự thống nhất giữa hệ thống thoát nước trong và ngoài đô thị.

Thiếu giải pháp thoát nước lâu dài nên Hà Nội còn ngập úng khi mưa lớn.

Trên thực tế hiện nay, việc tiêu thoát nước tại những khu vực mới hợp nhất vào Hà Nội chủ yếu dựa trên hệ thống tiêu thoát nông nghiệp. Ngay cả hệ thống thoát nước tại một số đô thị khu vực như địa bàn quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây và một số huyện lỵ, thị trấn, thị tứ cũng phụ thuộc hệ thống tưới tiêu nông nghiệp. Nếu xảy ra mưa lớn gây úng ngập, việc thoát nước chỉ trông chờ vào hệ thống bơm tiêu, kênh mương nông nghiệp, khả năng thoát nước rất kém.

Đơn cử như khu vực tả ngạn sông Nhuệ (giới hạn phía Đông sông Tô Lịch và Tây sông Nhuệ) hiện là một trong hai khu vực có tốc độ đô thị hóa cao nhất trên địa bàn thành phố bao gồm địa bàn các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, các xã Mễ Trì, Mỹ Đình của huyện Từ Liêm, với nhiều công trình quan trọng như Trung tâm Hội nghị quốc gia, Sân vận động quốc gia, các khu đô thị lớn như Ciputra…

Dù có tốc độ đô thị hóa cao nhưng đây lại là khu vực thoát nước khó khăn nhất. Bởi lẽ, tại các khu đô thị mới, hệ thống thoát nước đã được xây dựng, tuy nhiên khả năng kết nối hệ thống này với nguồn tiêu nước bên ngoài lại rất kém, vì các mương dẫn nước tại khu vực này chính là mương tiêu nông nghiệp như mương Triều Khúc, đang bị bồi lắng, dòng chảy bị thu hẹp cùng với một số trạm bơm tiêu có công suất thấp...

Khu vực nội thành cũ thuộc lưu vực sông Tô Lịch, so với các khu vực khác trên địa bàn thành phố, là khu vực có khả năng tiêu thoát nước tốt hơn vì vừa được đầu tư xây dựng Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 và các dự án thoát nước khác theo quy hoạch.

Tuy nhiên, do hệ thống mương chưa được cải tạo đồng bộ, nhiều công trình hạ tầng như nút giao thông Kim Liên, cống hóa các mương Hào Nam - Yên Lãng, Liễu Giai - Ngọc Hà, Nguyễn Phong Sắc... đang thi công ảnh hưởng công tác thoát nước, khiến cho hiệu quả của hệ thống thoát nước mới chưa cao, mới chỉ có thể giải quyết những trận mưa vừa và mưa nhỏ, lượng mưa dưới 50 mm/giờ. Còn khi xảy ra mưa to và rất to, lượng mưa từ 50 mm đến 100 mm/giờ, vẫn xuất hiện 28 điểm úng ngập cục bộ.

Chống ngập úng: Mới chỉ có giải pháp tình thế

Ông Bùi Hữu Đoan, Cục phó Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng từng cho biết dù rằng thời gian gần đây, các dự án thoát nước tại các đô thị đã được coi là một trong những mục bắt buộc khi hình thành khu đô thị mới. Song trên thực tế, bên ngoài các đô thị, hệ thống thoát nước còn khá yếu, không có sự kết nối đồng nhất nên chuyện ngập úng là điều khó tránh.

Bên cạnh đó, các dự án cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước Hà Nội trong thời gian qua chưa giải quyết một cách tổng thể vấn đề thoát nước thành phố. Các dự án mới dừng lại ở mức cải tạo hệ thống thoát nước mưa cho 4 quận nội thành (Hà Nội cũ). Hệ thống thoát nước vẫn là hệ thống thoát nước chung, chưa tách ra nước thải để xử lý. Bên cạnh đó, trong tính toán hệ thống mương, cống thoát nước có những thông số rất quan trọng từ năm 1995 đến nay đã có nhiều thay đổi.

Ví dụ, vào những năm đó, mật độ xây dựng thành phố còn thấp, có nhiều khu vực trống, do vậy hệ số dòng chảy được chọn là 0,7-0,75 tương đương với hệ số thấm là 0,3-0,35. Đến nay, do tốc độ bê tông hoá thành phố, xây nhà, đường, các khu vui chơi… thì hệ số dòng chảy của Hà Nội hiện nay là 0,9 - 0,95. Có nghĩa là nước mưa hầu như không còn khả năng thấm xuống đất khi mưa...

Còn ông Nguyễn Lương Ngọc, Giám đốc Xí nghiệp Khảo sát thiết kế (đơn vị trực thuộc Công ty Thoát nước Hà Nội) thì cho hay, ngoài khu vực nội thành cũ thì tất cả các khu vực khác đều trong nguy cơ ngập cao, nhất là khu vực phía Tây Hà Nội mới có tốc độ phát triển cao nhất nhưng lại chưa có quy hoạch thoát nước.

Giải pháp khắc phục trước mắt như bố trí xe hút nước chỉ là tình thế. Về lâu dài chỉ có cách là bổ sung điều chỉnh quy hoạch tổng thể về thoát nước trên toàn thành phố mà việc này lại gắn với nhiều quy hoạch khác.

Ông Ngọc nhấn mạnh, kể cả giai đoạn 2 của dự án thoát nước hiện nay cũng khó hoàn thành đúng tiến độ vì vấn đề giải phóng mặt bằng mương thoát nước không phải đơn giản. Do đó, với lượng mưa trên 70mm/h, tính riêng khu vực nội thành Hà Nội (cũ) vẫn tồn tại ít nhất gần 30 điểm ngập úng, các khu vực khác chúng tôi chưa tính

T.Huyền - N.Hương
.
.
.