Hà Nội: Sốt… “đèn vĩnh cửu”

Thứ Sáu, 23/11/2007, 00:09
Thời gian gần đây, nhiều gia đình ở Hà Nội đã có một loại đèn ngủ mới. Dáng thời trang, ánh sáng khá dịu mát và quan trọng hơn, nó có thể sáng 24/24h mà không tốn một xu tiền điện. Đó chính là loại đèn điện thoại mà nhiều người gọi là đèn vĩnh cửu.

Mấy hôm nay làng Phùng Khoang (xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) mất điện. Tôi đang nằm còng queo trong nhà, phe phẩy chiếc quạt giấy đuổi muỗi thì cậu bạn (tên Thắng) lay dậy: “Đi “đan quạt” (chơi tú lơ khơ ăn tiền) kiếm bữa ăn sáng ông ơi”. Tôi cau có: “Trời tối đen như mực thế này, có mà đan quạt vào… mắt!”. Thắng cười: “Đi theo tôi. Vừa mát, lại sáng trưng, tha hồ mà cá kiếm”. Tò mò, tôi vơ vội cái áo đi theo Thắng.

Dẫn tôi đến khu gần hồ, tôi đã thấy mấy người ngồi say sưa sát phạt dưới ánh sáng trưng của bốn chiếc đèn (trông rất giống cái đèn bàn). Tôi băn khoăn: “Toàn xã bị cắt điện mà nhà này lại vẫn có điện nhỉ?”. Nhưng khi đến tận nơi, tôi “ngã ngửa người” vì những chiếc đèn ấy thật kỳ dị. Nó trông khá giống những chiếc đèn bàn bình thường (có điều nhỏ hơn một chút) song thay vì cái phích cắm, đầu để cung cấp điện của nó lại là một cái…giắc điện thoại.

Mỗi chiếc đèn có 12 bóng nhỏ (kiểu bóng đèn cao áp), một đầu là giắc cắm “chuẩn” của đường dây điện thoại cố định. Tuy ánh sáng của nó không thể so được với bóng đèn điện bình thường, thế nhưng nó cũng đủ sáng để người ta có thể đọc sách, chơi bài, thậm chỉ cả…mổ gà mổ vịt.

Hôm sau, tôi đem chiếc đèn bàn này khoe với người bác họ trên phố Triệu Việt Vương, không ngờ bác bảo: “Nhà bác dùng cái đèn này làm đèn ngủ 3, 4 tháng nay rồi. Mỗi khi mất điện, bác lại chụm vài cái lại đọc sách. Vừa vẫn có ánh sáng, đỡ phải mua nến, lại tiết kiệm được mấy số điện mỗi tháng”. Tôi nhờ bác chỉ chỗ mua. “Ra “chợ trời” Nguyễn Công Trứ tha hồ mà chọn”.

Quả là bác tôi nói không sai, buổi chiều vừa “phi” vào khu chợ nằm cạnh mấy khu nhà tập thể Ha, Hb trên phố Nguyễn Công Trứ, tôi đã được mấy người chủ hàng chèo kéo: “Mua đèn điện thoại đi em. Hàng chị rẻ, lại bền lắm”.

Tấp vào một cửa hàng thuộc dạng lớn nhất ở đây, tôi có thể đếm được hàng vài chục chiến đèn điện thoại đủ các màu trắng, vàng, xanh, đỏ rất “thời trang” đặt ở nơi bắt mắt nhất. Hỏi giá, người chủ cửa hàng cho biết 25.000đ/đèn, thêm 3000đ mua một cái ổ để chia đường điện thoại là thành bộ đèn ngủ ngon lành.

Tôi đang lưỡng lự xem nên mua đèn màu gì thì mấy cô cậu dáng chừng là sinh viên ào vào mua liền lúc mấy chục cái. Hỏi: “Mua gì mà nhiều thế?”. “Mua về bán lại cho khu trọ của SV ấy mà. Giờ nhiều sinh viên chuộng loại đèn này lắm. Gọn nhẹ, lại tiết kiệm điện”.

Theo quan sát, tôi có thể thấy chỉ riêng một góc chợ đã có hàng chục cửa hàng bán đèn điện thoại. Chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ, cửa hàng nào cũng có người mua, ít thì một hai cái, nhiều cả vài chục cái.

Qua tìm hiểu, tôi được biết xuất xứ của loại đèn này là từ Trung Quốc. Thời gian đầu mới về, loại đèn này có giá tới cả trăm ngàn. Sau cứ giảm dần còn 70.000đ, 50.000đ rồi đến nay “chốt” giá ở mức 25.000đ. Lúc đầu, chỉ có những người “sành điệu” mua về làm đèn ngủ, sau thấy hay hay, nhà nào cũng mua về dùng.

Ở cửa hàng nào cũng luôn sẵn có những đầu nối điện thoại để khách hàng có thể thử tại chỗ. Tấp vào một cửa hàng khác, tôi hỏi ông chủ: “Bác bán loại đèn này mà bưu điện không có ý kiến gì?”. “Tôi bán đèn chứ có bán điện thoại đâu mà bưu điện có quyền can thiệp? Mà tôi bán mấy tháng trời rồi, có ai ỏ ê gì đâu?!”.

Một chị đang mua hàng thấy tôi hỏi vậy liền quay sang góp ý: “Cái đèn này hay thật. Nhà chị có một cái rồi, nay ra mua thêm mấy cái nữa cho mấy đứa em. Vừa tiết kiệm điện, lại không phải mua đèn sạc hay nến niếc gì. Rõ là nhất cử lưỡng tiện. Có lẽ nên khuyến khích toàn dân dùng loại đèn này…”.

Đem đèn vĩnh cửu đến một chuyên gia về ngành điện, ông khẳng định: “Làm gì có loại đèn không tốn điện. Chẳng qua đây là đèn lấy điện từ nguồn điện của bên bưu điện đó thôi”. Và theo một cán bộ của Bưu điện Hà Nội, mỗi ngày bưu điện phải “nuôi” đường dây bằng một nguồn điện cố định. Kể cả khi các khu dân cư bị cắt điện luân phiên thì Bưu điện vẫn phải cung cấp đủ để hoạt động liên lạc được thông suốt.

Thực ra hiện tại đường dây điện thoại cố định dường như vẫn thông suốt. Tuy nhiên ai có thế biết được nếu phong trào dùng đèn vĩnh cửu bùng phát mạnh, liệu hệ thống này có không bị ảnh hưởng?

Trước tình trạng này, tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa yêu cầu một số đơn vị thành viên tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo khách hàng không sử dụng đèn thắp sáng trên đường dây điện thoại - đèn vĩnh cửu. VNPT đề nghị nếu DN nào phát hiện khách hàng đấu nối đèn thắp sáng và đường dây điện thoại sẽ bị xử phạt vi phạm về an toàn mạng viễn thông và an ninh thông tin.

Cụ thể, đối với Theo điểm d, khoản 2, điều 13, Nghị định 142/2004/NĐ-CP của Chính phủ hành vi dùng thiết bị viễn thông, thiết bị điện tử, tin học hoặc các thiết bị khác thâm nhập trái phép vào mạng viễn thông công cộng, mạng viễn thông dùng riêng, mạng viễn thông chuyên dùng hoặc đường thuê bao viễn thông khác là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng.

VNPT cũng thừa nhận, trên mạng lưới viễn thông ở nhiều địa phương xuất hiện hiện tượng khách hàng sử dụng các loại đèn LED, còn gọi là "đèn vĩnh cửu” do Trung Quốc sản xuất để đấu vào đường dây điện thoại, lợi dụng nguồn cung cấp cho máy điện thoại hoạt động để thắp sáng khi mất điện sinh hoạt.

Theo kết quả đo thử nghiệm của bưu điện Hà Nội với bốn loại đèn LED có trên thị trường với các loại tổng đài Alcatel, Siemens và NEAX cho thấy khi sử dụng các loại đèn này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp nguồn của tổng đài; đồng thời làm giảm chất lượng dịch vụ thoại và Internet của các nhà cung cấp dịch vụ.

Mặt khác, theo nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật bưu điện thì việc sử dụng loại đèn này với số lượng lớn, vào cùng thời điểm sẽ gây hỏng dần các mạch điện trong tổng đài, có thể dẫn đến cháy và hỏng cả tổng đài

Minh Tiến
.
.
.