Hà Nội: Nhiều dự án giao thông thi công chậm hơn rùa

Thứ Sáu, 09/05/2008, 14:24
Hà Nội đang triển khai nhiều dự án lớn đầu tư xây dựng, cải tạo hạ tầng đô thị hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đa phần các công trình đều trong tình trạng dở dang, chậm tiến độ, một số công trình chưa thể khởi công do nhiều vướng mắc như: dự án cầu Vĩnh Tuy; dự án đường 5 kéo dài; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 32; dự án Láng Hoà Lạc (mở rộng); dự án cầu Nhật Tân; dự án vành đai III; dự án đường dẫn cầu Thanh Trì…

Mỗi dự án chậm tiến độ không chỉ gây lãng phí tiền của Nhà nước mà còn kéo theo hàng loạt vấn đề bức xúc của xã hội.

Những dự án có tiến độ… "rùa"

Dự án cầu Vĩnh Tuy, một công trình trọng điểm được khởi công tháng 2/2005. Đây là cây cầu đầu tiên xây dựng từ nguồn vốn phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô, do chính các đơn vị trong nước thiết kế và thi công, khẳng định thế và lực của Thủ đô trong thời kỳ đổi mới. Ngay từ ngày khởi công, người đân Thủ đô đã ngày ngày hy vọng cầu Vĩnh Tuy sớm hoàn thành, góp phần giải quyết những nhu cầu bức xúc về giao thông nội đô, san tải cho cầu Chương Dương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Bắc sông Hồng. Thế nhưng, tính đến nay đã không dưới 5 lần công trình này làm người dân mừng hụt. Vì theo kế hoạch ban đầu, cầu Vĩnh Tuy được thi công trong 24 tháng, thông cầu vào đầu năm 2007. Thời hạn này liên tục bị thay đổi, bị lùi đến tháng 9/2007, sau đó lại đến tháng 2/2008. Mới đây nhất, chủ đầu tư dự án khẳng định là sẽ nối nhịp cầu hai bờ trước Tết Mậu Tý, thông xe và đưa công trình vào sử dụng đúng dịp 30/4/2008, hoàn thành toàn bộ công trình vào tháng 2/2009. Nhưng rồi, khi thời điểm 30/4 đã trôi qua hơn 1 tuần, ngày thông cầu lại thêm lần lỗi hẹn. 

Dự án xây dựng tuyến đường 5 kéo dài (Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn làm chủ đầu tư) cũng là dự án lớn được khởi công từ năm 2005, phấn đấu hoàn thành vào năm 2010. Nhưng đến giờ, tiến độ thi công rất chậm, khó có thể hoàn thành công trình đúng hạn. Bởi sau hơn 2 năm triển khai, đến thời điểm này, mới có khoảng hơn 60% diện tích mặt bằng thi công đã bàn giao cho các nhà thầu. Tuy nhiên, phần mặt bằng "sạch" để nhà thầu có thể triển khai thi công được chỉ đạt khoảng 30%, thậm chí có gói thầu chỉ có khoảng 10% diện tích để thi công.

Cùng đó, đầu tháng 2/2007, cầu Thanh Trì Hà Nội đã được khánh thành và thông xe nhằm giảm tải cho cây cầu Chương Dương. Nhưng từ đó đến nay đường dẫn lên phía Nam cầu Thanh Trì vẫn đang thi công dở dang, trong khi nhu cầu lưu thông của các phương tiện ngày một lớn. Điều này đã dẫn đến tình trạng hằng ngày từng đoàn xe ôtô ùn lại thành hàng dài trên con đường Pháp Vân chật chội, đầy ổ voi này.

Nhiều lái xe cho biết, để sang quốc lộ 5, họ phải qua cầu Thanh Trì, nhưng đường dẫn lên cầu chưa có vì thế đường Pháp Vân lại là con đường ngắn nhất để các xe tải từ phía Nam thành phố vượt sông Hồng bằng cầu Thanh Trì. Do vậy các lái xe đành phải mất cả giờ đồng hồ để đi qua đường Pháp Vân.

Nhìn lại tiến độ các công trình trọng điểm phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, điểm qua cũng có tới gần 10 dự án hạ tầng đô thị đang triển khai chậm, không đạt kế hoạch đã giao. Ngoài những dự án trên, cũng có không ít các dự án khác như đường vành đai 1, cầu Nhật Tân, tuyến đường sắt thí điểm Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội, đường Văn Cao - Hồ Tây,  Nhà ga T2 Nội Bài… sau nhiều năm chuẩn bị đầu tư vẫn chưa được khởi công.

Do năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu kém hay vướng mắc từ cơ chế?!

Giải thích về lý do đã 5 lần cầu Vĩnh Tuy "lỗi hẹn", ông Bùi Đăng Thắng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn (chủ đầu tư xây dựng công trình cầu Vĩnh Tuy, quốc lộ 5 kéo dài) cho hay: Ban đầu khi lập tiến độ cho dự án cầu Vĩnh Tuy và tuyến đường 2 đầu cầu, lãnh đạo Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đã hạ quyết tâm hoàn thành dự án trong thời gian 24 tháng. Song, đây là tiến độ thực hiện dự án với sự nỗ lực phấn đấu cao nhất trong các điều kiện lý tưởng, thuận lợi  nhất.

Trên thực tế, công tác GPMB phục vụ thi công dự án rất phức tạp, phải di dời hơn 1.000 hộ dân, 5 cơ quan, hơn 500 ngôi mộ (tại quận Long Biên) và 497 hộ dân, 16 cơ quan, 2 hợp tác xã (tại quận Hai Bà Trưng). Trong khi đó, phải hơn 1 năm sau khi khởi công, mới có khu tái định cư cho dân, đến cuối năm 2006 mới cơ bản có mặt bằng, vừa thi công vừa tiến hành giải phóng thêm.

Ngoài những yếu tố trên, người đại diện này cũng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn về vật tư, vật liệu, nhân công, năng lực tài chính... Hiện tại, công tác triển khai thi công xây lắp của các nhà thầu tại dự án rất chậm, có nguy cơ dự án kéo dài và không đáp ứng được tiến độ đã đặt ra. Nhưng Ban quản lý vẫn dự kiến sẽ cố gắng thông cầu vào tháng 6/2008.

Với dự án đường 5 kéo dài, lý do là nhiều diện tích chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, trong quá trình triển khai còn có một số hạng mục thay đổi, bổ sung...

Còn theo lãnh đạo Ban quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án đường Thanh Trì, vành đai 3, đường Láng - Hoà Lạc mở rộng), đường dẫn phía Nam cầu Thanh trì dài 6m, với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, theo dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4/2008. Nhưng hiện tại, do bổ sung thêm một số hạng mục nên sẽ khó đảm bảo việc đúng tiến độ đề ra là sẽ thông xe đường dẫn vào tháng 5/2008. Nguyên nhân chính của sự chậm trễ cũng được Ban quản lý giải thích rằng do khâu giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, người lãnh đạo này cũng khẳng định rằng dù khó khăn đến mấy thì đơn vị cũng sẽ phấn đấu vào năm 2010 sẽ hoàn thành các công trình như kế hoạch đề ra.

Từ những nguyên nhân khách quan trên, cũng cần phải nhìn nhận rằng một trong những nguyên nhân chủ quan gây nên tình trạng chậm trễ này là do công tác quy hoạch chậm làm ảnh hưởng tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư, vướng mắc về thủ tục hành chính trong quy hoạch đầu tư xây dựng còn cồng kềnh, phức tạp. Bên cạnh đó cũng không thể phủ nhận trong sự chậm trễ này có phần không nhỏ trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và nhà thầu

Thanh Huyền
.
.
.