Hà Nội: Loạn tiếng còi xe

Thứ Sáu, 30/04/2010, 16:30
Thi thoảng còi xe lại được rú inh ỏi, người lái lại phóng bạt mạng rồi lạng lách, đánh võng. Những hình ảnh này không hiếm gặp trên đường phố Hà Nội, nhất là vào ban đêm, hoặc những lúc đường vắng bóng lực lượng Cảnh sát giao thông.

Làm sao để ngăn chặn, để người điều khiển phương tiện tự nhận thức đây là hành vi trái quy định, đó cũng là vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng "văn hoá giao thông" của Thủ đô Hà Nội.

Giật mình bởi tiếng còi xe

Dạo quanh khu vực chợ Giời, phố Huế sẽ thấy hết sự đa dạng của thị trường còi xe. Còi khóc, còi cười, thậm chí cả còi xe Cảnh sát, xe chữa cháy, cứu thương... - tất cả đều được bày bán công khai. Những chiếc còi với công suất âm thanh quá quy định cũng được ngang nhiên bày bán, không hề gặp bất cứ sự cản trở nào. Chỉ cần bỏ ra từ 100-300 ngàn đồng là người dân có thể dễ dàng sở hữu một chiếc còi có thể "khủng bố" người đi đường.

Hà Nội có rất nhiều tuyến phố có biển báo cấm các phương tiện dùng còi. Việc bấm còi cũng được quy định rất cụ thể, như không được bấm còi có âm thanh lớn từ 22h đến 5h sáng ngày hôm sau, không được lắp đặt và sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới, sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.

Tuy nhiên, "cấm cứ cấm" mà "bấm cứ bấm". Bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, người tham gia giao thông cũng có thể giật mình, bởi những âm thanh kinh hoàng phát ra từ tiếng còi xe. Tất nhiên, nếu như chỉ là những chiếc còi xe bình thường, theo đúng tiêu chuẩn quy định của Cục Đăng kiểm Việt Nam (mức âm thanh quy định đối với các loại còi khi sử dụng trong thành phố, trừ những tuyến phố cấm bấm còi, dao động từ 90 đến 115 decibel) thì đã chẳng có gì để nói.

Vấn đề là không ít chủ phương tiện (chủ yếu là lớp thanh niên) đã lắp những loại còi "khủng" với mức âm thanh có thể lên tới gần 300 decibel. Các đối tượng sử dụng những còi này, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người đi đường bởi theo nghiên cứu, mức âm thanh chỉ cần lên tới 140 decibel đã khiến người đối diện cảm thấy đau tai, không chịu được.

Cần có quy định rõ, chế tài xử phạt nghiêm

Còi xe máy đã thế, còi ôtô còn kinh khủng hơn. Nhiều lái xe ôtô đã liên tục "khủng bố" người đi đường bằng việc bấm những chiếc còi hơi, ngay sau lưng họ. "Trẻ con khóc thét, người lớn cũng phải giật mình loạng choạng, vì những tiếng còi đột ngột ngày. Bản thân tôi đã từng chứng kiến một vụ tai nạn giao thông, chỉ vì bị giật mình bởi tiếng còi của một chiếc xe tải" - một cán bộ hưu trí chia sẻ.

Trung tá Nguyễn Văn Tòng (Đội trưởng Đội CSGT số 1) cho biết: Việc xử lý vi phạm với những trường hợp sử dụng còi xe không đúng quy định, lắp còi sai theo thiết kế và công năng sử dụng của xe vẫn được Đội triển khai thường xuyên, tuy nhiên số vi phạm xử lý được không nhiều, đa phần là xử lý ôtô, còn xe máy thì khó xử lý hơn, vì một phần là do mức phạt chưa cao, nên người dân không sợ.

Mặt khác, rất nhiều đối tượng là thanh thiếu niên, lắp trên xe máy những loại còi có công suất cực lớn, âm thanh kỳ quái, gây mất ATGT cho người đi đường, khi bị lực lượng CSGT phát hiện đã rú ga bỏ chạy. Cũng theo Trung tá Nguyễn Văn Tòng, thì nhiều trường hợp kể cả giữ được phương tiện rồi, lực lượng CSGT vẫn gặp rất nhiều khó khăn về trang thiết bị để kiểm tra âm thanh của còi xe, do đó nhiều lái xe dù biết rõ là vi phạm, song vẫn "cãi chày cãi cối".

Có thể nói rằng, bấm còi là việc đơn giản, nhưng xem ra bấm còi một cách có văn hoá, thì nhiều người chưa thực hiện được. Trong khi chờ sự chuyển biến trong ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý

T.Huyền
.
.
.