Hà Nội: Lái xe buýt tuyến đình công, hành khách bị khốn đốn

Thứ Năm, 23/04/2009, 15:03
Ngày 22/4, hàng trăm hành khách tuyến 41 (Giáp Bát - Nghi Tàm) ở Hà Nội lâm vào khốn đốn khi từ 8h sáng, gần chục chiếc xe buýt tuyến 41 của Công ty TNHH Bắc Hà đình công không mở cửa và không chạy. Không thể kể hết những bức xúc của hàng trăm người dân đứng mòn mỏi đợi xe vài tiếng đồng hồ khiến họ bị muộn giờ làm, giờ học và buộc phải chọn phương tiện xe ôm hay đổi tuyến buýt khác.

Sau sự cố xe buýt chạy rùa gây xôn xao dư luận cách đây hơn một tháng, thì việc cả đoàn xe không chạy nằm ở Bến xe Giáp Bát ngày 22/4 đã trở thành vấn đề đáng lo ngại trong việc điều hành cũng như chất lượng phục vụ hành khách của phương tiện vận tải công cộng này ở Thủ đô.

Lái xe đình công, hành khách khốn đốn

Bắt đầu từ 8h ngày 22/4, tại tất cả các nhà chờ xe buýt tuyến 41 (Giáp Bát-Nghi Tàm) đều xảy ra tình trạng: hành khách chen chúc đứng chờ xe buýt từ 1 đến 2h vẫn không thấy lượt xe nào xuất hiện. Gương mặt ai cũng lo lắng, sốt ruột vì không hiểu chuyện gì xảy ra, nhiều người bị muộn giờ làm, giờ học và phải đổi sang phương tiện khác.

Theo anh Hùng, ở quận Tây Hồ phản ánh đến Đường dây nóng Báo CAND thì anh chờ xe buýt tuyến 41 ở điểm chờ Nghi Tàm 2 giờ đồng hồ mà không thấy xe nào chạy qua đón khách.

Hành khách khốn đốn vì không có xe khách.

Thông thường, từ 15 - 20 phút sẽ có một chuyến xe buýt số 41 nhưng sự việc xảy ra hôm nay khiến cho không ít người đã phải lỡ dở công việc của mình và họ không hiểu vì sao hôm nay lại có hiện tượng lạ đó. Sự việc diễn ra như vậy nhưng hành khách không nhận được bất kỳ một thông báo nào từ phía Công ty hay các lái xe.

Có mặt bến xe Giáp Bát, chúng tôi nhận thấy tại khu vực xếp xe buýt của tuyến 41 trống trơn, trong khi ấy rất nhiều hành khách do không biết việc đình công đứng ngồi chùn chân bên kia đường để đợi xe.

Tiếp xúc với hơn chục lái xe của tuyến 41 đang đình công, không làm việc, chúng tôi được biết quyết định đình công ngày hôm nay là do chế độ lương, thưởng cũng như cách quản lý con người của Công ty TNHH Bắc Hà không hợp lý.

Cụ thể, bắt đầu từ tháng 1/2009, mức lương tối thiểu của các lái xe đã được tăng lên nhưng đến thời điểm này họ vẫn phải nhận mức lương cũ. Mức phạt lái xe cũng một mình công ty một quy định.

Rất nhiều vấn đề các lái xe đã trình bày với chúng tôi, nhưng chung quy lại là thời gian gần đây việc thưởng, phạt của Công ty không rõ ràng, chế độ bảo hiểm tai nạn chưa được đảm bảo… và đề nghị Công ty giải quyết thỏa đáng thì họ mới tiếp tục làm việc.

Trong khi các lái phụ xe đang đình công, Công ty TNHH Bắc Hà chưa có phản ứng gì thì hàng trăm hành khách có nhu cầu đi tuyến 41 đã rơi vào tình trạng "tê liệt". Gần chục chiếc xe buýt nằm đắp chiếu ở Bến xe Giáp Bát đến 10h, sau đó được đưa về bãi để xe ở đường Kim Giang, quận Hoàng Mai.

Cần nhanh chóng đưa xe vào phục vụ hành khách

Vì sao gần đây nhiều lái xe buýt lại liên tục phản ứng trước chế độ thưởng, phạt và đãi ngộ của một số công ty xe buýt rồi để xảy ra sự cố mà nạn nhân phải gánh chịu hậu quả lại là hành khách như hiện nay? Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Giám đốc Công ty TNHH buýt Bắc Hà thì từ khi thành lập đến nay, Công ty chưa trả lương chậm 1 ngày cho cán bộ, công nhân viên.

Chế độ nghỉ phép và thưởng lễ, Tết đều thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, một số kiến nghị của lái, phụ xe tuyến 41 ngày 22/4 là vô lý. Ví dụ như việc tăng tiền thưởng lễ, Tết còn phụ thuộc vào điều tiết hoạt động của Công ty...

Giải thích về sự cố để hành khách phải chịu khổ, ông Hùng cho biết: "Rất mong hành khách thông cảm, đây là trường hợp bất khả kháng". Theo ông Hùng thì tuyến 41 có 12 xe buýt hoạt động.

Sự cố đình công chỉ là do một vài cá nhân đứng ra lôi kéo, đe dọa số lái xe khác phải nghe theo. Sự việc này phía công ty đã báo cáo với Công an TP Hà Nội và đề nghị họ giúp đỡ điều tra làm rõ.

Trong 12 xe buýt thì có 8 xe đình công không chạy, còn 4 xe vẫn chạy trên tuyến. Công ty sẽ cố gắng giải quyết để đưa xe buýt tuyến 41 vào hoạt động sớm nhất phục vụ hành khách. Theo ông Hùng thì công ty sẽ có buổi đối thoại trực tiếp với anh em lái xe.

Tuy nhiên, vì bất cứ lý do gì đi nữa thì sự cố xảy ra ngày 22/4 là khó có thể chấp nhận được, vì quyền lợi và thiệt hại của hành khách ai phải chịu trách nhiệm? Xã hội hoá xe buýt là chủ trương của TP nhằm phát triển mạng lưới xe buýt rộng khắp trên địa bàn Thủ đô. Thiết nghĩ, mọi kiến nghị, khúc mắc cần phải được Công ty và người lao động tháo gỡ sớm nhất để tránh thiệt hại cho hành khách

T. Hằng - N. Hương
.
.
.