Hà Nội: Hướng tới phương tiện giao thông công cộng

Thứ Bảy, 26/06/2010, 16:10
Sáng 25/6, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam đã phối hợp cùng Sở GTVT Hà Nội, Hội Cầu đường Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế chuyên ngành về giao thông vận tải dành riêng cho Thủ đô Hà Nội.

Tại đây, các chuyên gia quy hoạch dự báo, với đà tăng trưởng kinh tế như hiện nay, việc di dân sẽ khiến cho bộ mặt đô thị của Hà Nội sẽ thay đổi hết sức nhanh chóng trong thời gian tới, chỉ 5-10 năm khi kinh tế phát triển, tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện lưu thông tăng lên... nếu không có các giải pháp ngay từ bây giờ thì việc giải bài toán này sẽ ngày càng khó hơn.

Hà Nội đang có thay đổi đáng lo ngại về cơ cấu phương tiện

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội chỉ ra rằng, hiện tại Thủ đô có khoảng 8.489km đường giao thông nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị và sự gia tăng của các loại phương tiện giao thông. Hệ thống bến bãi, điểm đỗ xe, vận tải hành khách công cộng thiếu về số lượng và kém về chất lượng phục vụ mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu.

Cùng đó hệ thống  giao thông đô thị Hà Nội hiện nay có quá nhiều bất cập và tồn tại, chưa đáp ứng vai trò là đầu mối giao thông quốc gia và quốc tế, cũng như chưa đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông đi lại của người dân. Cụ thể, nhiều tuyến đường khi xây dựng chưa xong thì đô thị đã phát triển dọc hai bên đường ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ đường bộ và gây mất an toàn giao thông. 

Bên cạnh đó, các nút giao thông chủ yếu là giao cắt bằng, rất nhiều nút giao đã quá tải, cộng với ý thức của người tham gia giao thông chưa cao nên thường xuyên xảy ra các điểm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân sẽ giảm ùn tắc.

Chẳng những thế, trong thời gian quá có những thay đổi đáng lo ngại về cơ cấu phương tiện tại Hà Nội khi mà tỷ lệ đảm nhận của phương tiện xe máy đã và đang gia tăng một cách nhanh chóng và lượng xe ôtô cũng phát triển khá nhanh (hiện Hà Nội có khoảng 302.000 xe ôtô các loại, hơn 3 triệu xe máy và trên 1 triệu xe đạp), gây nhiều áp lực cho hạ tầng giao thông và công tác tổ chức và điều hành giao thông cũng như gây tiếng ồn, bụi và ô nhiễm môi trường.

Trước những bất cập này,  heo ông Trần Đức Vũ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thì nhu cầu vốn đầu tư phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 vào khoảng 400.000 tỷ đồng. Trong đó nhu cầu vốn đầu tư các công trình giao thông công chính, giai đoạn 2010-2015 khoảng trên 160.000 tỷ đồng.

Nếu có phương pháp đúng, chỉ cần 5 năm là  Hà Nội giải quyết được tồn tại

Theo một số tham luận tại hội thảo, để phát triển bền vững giao thông đô thị Hà Nội, công cụ đầu tiên và quan trọng nhất đó là phải có một quy hoạch tổng thể phát triển có chất lượng cao, có thể chỉ ra, dự báo được các nhu cầu phát triển trong tương lai.

Cụ thể, Hà Nội từng bước phát triển đa dạng hóa các loại hình và phương thức vận tải. Hệ thống giao thông đô thị phải được phát triển đồng bộ. Quy hoạch phát triển giao thông đô thị phải gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị và gắn kết với cải tạo và chỉnh trang bộ mặt kiến trúc đô thị.

Song theo ông Peter Midgley - nhà hoạt động về chủ đề giao thông đô thị thuộc tổ chức Hợp tác kiến thức vận tải toàn cầu chia sẻ: Nếu có phương pháp đúng, chỉ cần 5 năm là Hà Nội giải quyết được tồn tại. Bằng chứng và kinh nghiệm cùng các sáng kiến khác ở châu Âu cũng như ở các nơi khác cho thấy trong hầu hết các trường hợp cần thiết phải có một bộ gồm 10 biện pháp nhất quán như phối hợp việc sử dụng đất với quy hoạch giao thông vận tải; phát triển và cải thiện vận tải công cộng; khuyến khích việc đi bằng xe đạp, đi bộ; quản lý hàng hóa đô thị, quản lý bãi đỗ xe, thu phí đường bộ đô thị… và các biện pháp này sẽ thay đổi phù hợp với các mục tiêu cụ thể.

Ông Peter Midgley cũng dẫn chứng các giải pháp Việt Nam có thể tham khảo trong điều kiện hiện nay. Trước tiên là giải pháp sử dụng xe buýt vận chuyển nhanh. Với phương án xe buýt vận chuyển nhanh (BRT) là một hệ thống vận chuyển bằng xe buýt có chất lượng cao, nhận trả khách nhanh, thoải mái và là phương tiện giao thông đô thị với chi phí  hiệu quả.

Nó là một trong những sáng kiến vận tải quan trọng nhất hiện nay và đang được sử dụng ngày càng gia tăng ở các thành phố và có hiệu quả kinh tế. Hay như giải pháp thu phí đường bộ đô thị có nghĩa là đòi trả tiền cho việc sử dụng đường theo cách thể hiện chi phí sử dụng chúng - trả tiền nhiều hơn khi đường bị ách tắc và trả tiền ít hơn khi ít giao thông.

Việc làm này có kết quả vì nó làm thay đổi hành vi giao thông. Song, thu phí đường bộ tiến hành tốt nhất khi được áp dụng song hành với các biện pháp khác như cải thiện giao thông công cộng…

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cũng nhấn mạnh: "Quy hoạch giao thông sẽ tập trung vào các tiêu chí phát triển bền vững, phát triển các hình thức giao thông công cộng, kiểm soát và kiềm chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân. Ưu tiên các trục hướng tâm, trục cao tốc, đường vành đai…".

Được biết, những ý kiến đóng góp trong hội thảo sẽ được Ban tổ chức tập hợp rồi gửi bản khuyến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội về những vấn đề cần thiết liên quan đến phát triển bền vững giao thông đô thị Hà Nội

Nhóm PV KT-XH
.
.
.