Hà Nội: Cầu sắp sập “oằn mình” chịu quá tải
Trước thực trạng hàng loạt cây cầu ở Hà Nội quá hạn sử dụng có thể gây họa đối với phương tiện và người tham gia giao thông vào bất kỳ thời điểm nào, Báo CAND đã có bài "Hà Nội - ẩn họa cầu sắp sập" phản ánh nghịch lý đầu tư hạ tầng giao thông đang tồn tại giữa lòng Thủ đô. Điều khiến người dân bức xúc, là giữa lúc Hà Nội không tiếc hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho giao thông và thực hiện các giải pháp chống ùn tắc, thì lại "quên" đầu tư thay các cây cầu đã quá hạn từ lâu, từng bị sập (như cầu Tó) gây nên nỗi kinh hoàng cho người đi đường.
Sau bài báo, dư luận người dân đồng tình với cách đặt vấn đề trên. Đặc biệt, UBND thành phố và Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có những động thái rất tích cực nhanh chóng chấn chỉnh tình hình giao thông (nhất là tuyến đường 70 từ Văn Điển đi Hà Đông), chuẩn bị các thủ tục đầu tư cho các cây cầu yếu.
Đến nay, theo thông tin từ Công ty cổ phần Quản lý công trình giao thông II Hà Nội (Công ty CP QLCTGT II), đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cầu Tó, đã hoàn thành việc thu hồi mặt bằng để đầu tư xây dựng cầu Am, đồng thời tiến hành các bước chuẩn bị đầu tư gần chục cây cầu yếu khác vào năm 2010 với tổng mức đầu tư 300 đến 400 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Giám đốc Công ty CP QLCTGT II, riêng trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và huyện Thanh Trì hiện nay còn ít nhất là 10 cây cầu yếu đang trong tình trạng quá tải, có thể xảy ra sập bất cứ lúc nào nếu không có giải pháp khắc phục. Nhiều cây cầu đơn vị quản lý cảm thấy không an toàn đã đề nghị cho tháo bỏ hoặc kiến nghị xây mới càng sớm càng tốt như cầu Dậu, cầu Ngọc Hồi, cầu Đôi…
Nhiều cây cầu yếu trên đường 70 phải chịu tải trọng vượt quá mức qui định. |
Ông Phạm Trọng Nhi-Trưởng phòng quản lý giao thông của Công ty lo lắng: Tình trạng kỹ thuật các cầu Triền, cầu Ngà (trên quốc lộ 70) là đáng lo ngại hơn cả. Đây là những cầu đã xây dựng từ những năm 1970, bằng bê tông cốt thép có tải trọng thiết kế không quá 13 tấn. Sau hơn 30 năm khai thác, bê tông xuống cấp trong khi lưu lượng phương tiện thì tăng lên khoảng gần 10 lần. Trên tuyến này ước tính có từ 7.000 đến 8.000 phương tiện/ngày đêm, mà phần lớn lại là xe tải trọng lượng từ 50 đến 80 tấn. Nghĩa là cầu thường xuyên phải gánh nặng gấp 5 đến 6 lần tải trọng cho phép.
Tương tự như thế, cầu Đăm (thuộc địa bàn huyện Từ Liêm) cũng chung số phận. Cơ quan quản lý không cách nào khác, họ phải kiểm định khả năng chịu tải thực tế của cầu rồi cắm biển hạn chế tải trọng nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện đi qua.
Điều đáng quan ngại là hầu hết số cầu yếu này đến nay đều bị thất lạc hồ sơ, quá tải cầu nên cơ quan quản lý chỉ còn cách áp dụng biện pháp hạn chế tải trọng xe qua, cử người thường trực cảnh báo xe tải trọng lớn và dùng giàn sắt để tăng cường đề phòng cầu sập.
Hy vọng trong năm nay, Hà Nội sẽ chú trọng đầu tư xây dựng một số cây cầu mới có tải trọng lớn thay các cây cầu yếu, hoặc sửa chữa những cây cầu này để phương tiện và người dân qua lại an toàn