Gửi tin nhắn khủng bố vì "hiểu nhầm, nghi kỵ"

Thứ Sáu, 22/07/2011, 13:33
Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan An ninh đã làm rõ được đối tượng viết tin nhắn khủng bố chị M., nguyên Tổng Giám đốc Công ty S tại Hà Nội là một phụ nữ tên T., nguyên cán bộ của công ty này đã chuyển đi cơ quan khác cách đây 3 năm. Chị ta thú nhận đã gửi những tin nhắn trên chỉ vì một sự “hiều nhầm, nghi kỵ”, hứa sẽ gặp và xin lỗi chị M.

Vừa qua, một đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục An ninh 2 được một cơ quan kinh tế đề nghị hỗ trợ điều tra vụ đối tượng sử dụng ĐTDĐ nhắn tin khủng bố cá nhân hết sức nguy hiểm.

Theo trình bày của chị M. - nguyên Tổng Giám đốc Công ty S tại Hà Nội gửi cơ quan An ninh: Trong mấy ngày cuối tháng 12/2010 và mấy tháng năm 2011, số thuê bao ĐTDĐ của chị và người thân liên tiếp nhận được nhiều tin nhắn từ số thuê bao điện thoại trả trước của người không quen biết, có nội dung đe dọa xâm hại tính mạng, xúc phạm danh dự chị và thân nhân của chị.

Một số đồng nghiệp trong cơ quan cũng nhận nhiều tin nhắn tương tự. Sau nhiều ngày chịu đựng, lại xuất hiện thêm 3 số điện thoại nữa, vừa gọi quấy rối, vừa gia tăng nhắn tin đe dọa. Suy đi ngẫm lại, chị thấy mình chẳng mâu thuẫn với ai để đến mức họ phải dùng đến những câu văn tục tằn nhất để đe dọa, xúc phạm đến mình. Khi giải đáp giả định của chúng tôi về khả năng động cơ của người viết tin nhắn, không chần chừ, chị khẳng định luôn, nhiều khả năng do "kèn cựa" địa vị ở cơ quan.

Một đoạn kẻ xấu nhắn tin quấy rối, khủng bố người thuê bao ĐTDĐ.

Mấy năm gần đây, nội bộ cơ quan chị có một số biểu hiện phức tạp. Ở cương vị đứng đầu của doanh nghiệp, ý thức được sự đoàn kết tạo thành sức mạnh, chị luôn quan tâm xây dựng, vun đắp tình cảm chân thành; sự đồng thuận của mọi người trong cơ quan. Gần đây, với trách nhiệm của nguyên Tổng Giám đốc, chị đang và phải báo cáo giải trình với cơ quan quản lý cấp trên, với cơ quan nhà nước có thẩm quyền một số vụ việc liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty thì nhận được nhiều tin nhắn có tính chất khủng bố cá nhân như trên.

Sau buổi gặp, chút thoáng qua trên khuôn mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ và lời nói của chị, cơ quan An ninh cho rằng, một phụ nữ đầy cá tính, có bản lĩnh nhưng lại mềm yếu khi vấp phải hàng loạt sự kiện "tai bay vạ gió" đang dồn dập đến với chị và gia đình nên dễ ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc gia đình. Biết rằng, có những con người như vậy, doanh nghiệp này mới có một thời làm ăn hiệu quả, được đánh giá cao và có thương hiệu trong lĩnh vực khai thác, chế biến xuất khẩu thủy sản.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan An ninh đã làm rõ được đối tượng viết tin nhắn khủng bố chị M. là một phụ nữ tên T., nguyên cán bộ của công ty này đã chuyển đi cơ quan khác cách đây 3 năm. Chị ta thú nhận đã gửi những tin nhắn trên chỉ vì một sự “hiều nhầm, nghi kỵ”, hứa sẽ gặp và xin lỗi chị M.

Chị M. bàng hoàng, không tin đó là sự thật, vì giữa hai người trước đây không hề có mâu thuẫn gì với nhau. Sau khi chị T. chuyển khỏi cơ quan, chị M. không hề gặp lại, trong khi, nhiều nội dung của tin nhắn dẫn việc liên quan một số vụ việc mà chỉ những người có cương vị nhất định ở công ty này mới biết được. Phải chăng, ngoài nguyên nhân hiểu nhầm, còn có việc liên kết với ai đó gây rối công ty?

Có thể chị M. sẽ chấp nhận lời xin lỗi và bỏ qua việc làm thiếu văn hóa của chị T., nhưng đây là hành vi nhắn tin đe dọa, khủng bố, phải xử lý bằng Luật Hình sự. Bởi hành vi đe dọa ấy đã gây hoảng loạn trong đời sống cá nhân của chị M., gián tiếp làm ảnh hưởng xấu đến nội bộ và sự phát triển bình thường của công ty. Dù chị M. với bản tính nhân đạo, có thể tha thứ, chấp nhận lời xin lỗi của chị T., nhưng những hành vi quấy rối, khủng bố, theo luật pháp phải xử lý bằng Luật Hình sự. Có như thế mới đủ sức răn đe những hành vi xấu, hèn hạ trong bóng tối

Lê Huy Hùng
.
.
.