Giúp người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng bằng “cần câu”

Chủ Nhật, 13/07/2014, 14:47
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Thoại Sơn và Tri Tôn (tỉnh An Giang) xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo giúp đỡ người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Việc làm này góp phần mở rộng lối về cho những người từng có quá khứ lỗi lầm.

Ban Chỉ đạo (BCĐ) mô hình Doanh nhân (DN) với ANTT huyện Tri Tôn được thành lập vào ngày 15/6/2011, do Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban và Công an huyện chịu trách nhiệm chính trong việc thẩm tra, xét duyệt, bão lãnh các đối tượng vay vốn.

Với nguồn quỹ ban đầu chỉ có 100 triệu đồng, BCĐ đã mạnh dạn xét duyệt cho 46 trường hợp được đặc xá tha tù trở về địa phương vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền từ 5-10 triệu đồng/người, lãi suất không quá 0,5%/tháng, hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện cho các đối tượng này hòa nhập cộng đồng.

Ông Võ Tấn Đỉnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác và chế biến đá An Giang cho biết: “Tính đến thời điểm này, Công ty đã đóng góp vào nguồn quỹ DN với ANTT của huyện Tri Tôn được 200 triệu đồng. Đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp được nhiều người hoàn lương không có vốn sản xuất vươn lên làm lại cuộc đời”.

Ban chỉ đạo mô hình đến thăm cơ sở chăn nuôi rắn của gia đình bà Hòa.

Nhìn cơ ngơi khang trang của bà Mai Kim Hòa (ngụ ấp Huệ Đức, xã Cô Tô, huyện Tri Tôn), không ai nghĩ rằng bà đi lên từ hai bàn tay trắng cùng một quá khứ lỗi lầm. Bà Hòa phải trả giá cho hành vi chứa mại dâm bằng 2 năm tù giam. Đến năm 2007, trở về nhà, bị hàng xóm xa lánh, bà rơi vào tâm trạng bi quan, chán nản. Trong lúc buồn bã, chẳng biết vay mượn vốn ở đâu để sản xuất, làm lại cuộc đời thì bà được Công an huyện Tri Tôn xét duyệt cho vay 8 triệu đồng. Bà Hòa xúc động: “Nhờ các chú Công an huyện cho vay, tôi mượn thêm tiền của người thân mua 100 con rắn giống để nuôi dưỡng. Đến nay, cơ sở phát triển trên 450 con, mang lại lợi nhuận 40 triệu đồng/năm”. Năm 2011, anh Mai Công Thắm (ngụ ấp Tô Trung, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn), được trả tự do sau 2 năm chấp hành án phạt tù về tội cố ý gây thương tích. Ngày về, anh luôn mặc cảm tội lỗi, tránh tiếp xúc với mọi người. Nhờ sự động viên của người thân cũng như sự giúp đỡ vốn từ mô hình của Công an huyện, anh đã được vay 8 triệu đồng đầu tư nuôi heo. Hiện đàn heo của anh Thắm đã lên đến 14 con và khách hàng nhờ anh xây nhà cũng nhiều hơn. Sau khi trừ hết chi phí thì gia đình anh kiếm lãi được hơn 5 triệu đồng/tháng. “Nhờ có đồng vốn vay của huyện mà gia đình tôi đã không còn chạy ăn từng bữa. Tôi rất cảm ơn chính quyền địa phương đã tận tình giúp đỡ, tin tưởng, giúp vốn tôi làm ăn. Khi đến hạn hoàn vốn tôi sẽ trả đầy đủ cho địa phương”, anh Thắm vui mừng nói.

Theo rà soát của Công an huyện Tri Tôn, hiện tại trên địa bàn có 287 người thuộc diện hoàn lương, trong đó có đến 90 người kinh tế còn hết sức khó khăn, cần sự giúp đỡ của cộng đồng và chính quyền địa phương. Trung tá Võ Hoàng Hải, Phó trưởng Công an huyện Tri Tôn: “Thời gian tới, BGĐ mô hình doanh nhân với ANTT sẽ tiến hành đề xuất, xét duyệt cho vay vốn những trường hợp còn lại. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là nguồn quỹ của mô hình còn hạn chế, chưa được nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm, ủng hộ”.

Tại huyện Thoại Sơn, từ năm 2009, chính quyền đoàn thể đã quan tâm và bắt đầu thực hiện nhiều mô hình gặp mặt, thăm hỏi động viên, tặng quà và giúp đỡ về nhà ở, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho khoảng 700 người hoàn lương với số tiền trên 500 triệu đồng. Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho 9 hộ người hoàn lương vay vốn số tiền 156 triệu đồng. Trường hợp anh Nguyễn Thanh Tuấn (ngụ ấp Bắc Thạnh, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn) là một điển hình. Sau khi lãnh án 1 năm tù giam về tội trộm cắp tài sản. Năm 2008, anh Tuấn được tha tù. Nhưng ngày trở về địa phương anh gần như tuyệt vọng bởi cảnh nghèo khó, con cái nheo nhóc, đến căn nhà cũng không đủ lành lặn để che nắng, che mưa. Trong cảnh túng quẫn này, anh được chính quyền và Công an huyện Thoại Sơn xét cho vay 10 triệu đồng chăn nuôi gia súc và mở cơ sở tái chế bọc nilon. Nhờ siêng năng, chịu khó làm việc, đến nay, anh Tuấn đã kiếm được gần 100 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Anh Tuấn chia sẻ: “Khi ra tù, tôi rất tự ti nhưng nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện cho tôi vay vốn làm ăn. Tôi tự nhủ là sẽ làm lại cuộc đời cũng như vận động bà con hàng xóm lo làm ăn, đừng vướng vào các tệ nạn xã hội, gây mất ANTT để vào tù rồi mới hối hận”. Bà Lê Kim Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn đề xuất: “Để những mô hình hướng đến người hoàn lương trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả thì chính quyền địa phương cần giúp đỡ và sự góp sức của cộng đồng cùng hệ thống chính trị. Việc làm này nhằm xóa đi mặc cảm, định hướng, giúp đỡ những người từng một thời lầm lỗi quay về nẻo thiện, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo tình hình ANTT tại địa phương”

Quỳnh Mai
.
.
.