Giúp người dân xóa đói, giảm nghèo nhờ cây mía

Thứ Bảy, 08/11/2014, 19:12
Trong những ngày đầu tháng 10, chúng tôi trở lại huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, vượt gần 100km đường đèo dốc, với những khúc cua tay áo một bên là núi, một bên là vực sâu hút hút, sau gần 3 tiếng chúng tôi đã đến được trung tâm huyện. Hạ Lang vốn là một huyện biên giới, một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng, tuy nhiên trong những năm qua nhiều mô hình phát triển kinh tế đã giúp người dân dần thoát nghèo, đem lại cuộc sống ấm no đối với người dân vùng biên viễn, đặc biệt là mô hình trồng mía nguyên liệu xuất khẩu ở xã biên giới Thị Hoa.

Thị Hoa là một xã biên giới, nghèo nhất của huyện Hạ Lang, từ trung tâm huyện vào đến xã gần 20km, nhưng chúng tôi phải đi hơn 1 tiếng đồng hồ. Đường vào xã gập ghềnh với những con dốc cheo leo. Tuy nhiên, sau những chặng đường như “lên trời”, ẩn hiện dưới thung lũng là những cánh đồng mía, nương ngô xanh ngút ngàn tầm mắt, cho thấy sự bình yên, no ấm đang về với bà con dân bản nơi đây. Trên đường vào xã, Đại tá Hoàng Quang Tuyến, Trưởng Công an huyện Hạ Lang vui mừng cho chúng tôi biết, Thị Hoa đang đổi thay từng ngày nhờ cây mía, chăn nuôi dê, đây là những cây, con chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo. Nhờ cuộc sống ổn định, có việc làm, người dân trong xã, huyện đã giảm hẳn được tình trạng người dân đi vượt biên đi lao động trái phép. Tại các địa bàn, Công an và Bộ đội biên phòng thường xuyên phối hợp tuyên truyền vận động người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, phòng chống tệ nạn xã họi, xây dựng địa bàn không có ma túy, tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới. Theo đó, quần chúng nhân dân trong địa bàn luôn hăng hái sẵn sàng tham gia, phối hợp cùng các lực lượng đấu tranh chống các hoạt động vi phạm chủ quyền, lấn chiếm biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Bởi, như chia sẻ của Thượng tá Bùi Văn Vân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thị Hoa thì “ người dân có no ấm, thì biên cương mới bền vững”. Chính sự đồng hành của các lực lượng và chính quyền xã biên giới trong tuyên truyền, vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất canh tác, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng cho năng suất, chất lượng cao, tạo thêm nhiều mô hình mới về trồng trọt, chăn nuôi, qua đó từng bước nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân. Do vậy, sự đổi thay của vùng đất khó, đã và đang tạo nền móng vững chắc cho tình quân dân nơi vùng biên giới.

Bộ đội Biên phòng Cao Bằng giúp dân thu hoạch mía.

Người dân từ chỗ thiếu ăn đã làm giàu trên chính mảnh đất khô cằn, đá núi. Tiêu biểu như hộ gia đình anh Đàm Văn Hoàn, anh cho biết, năm 2007, gia đình bắt đầu trồng mía, nhưng do chưa có vốn và kỹ thuật trồng nên năng suất thấp. Đến năm 2008 - 2009, được Nhà nước hỗ trợ vốn, kỹ thuật trồng, chăm sóc nên năng suất mía đạt trên 70 tấn/năm. Nhận thấy trồng mía đem lại thu nhập ổn định, gia đình đã chuyển đổi diện tích đất canh tác sang trồng mía nguyên liệu. Năm 2013 - 2014, tổng sản lượng mía của gia đình anh đạt trên 100 tấn, thu nhập từ bán mía nguyên liệu trừ chi phí trên 100 triệu đồng/ năm. Thấy được lợi ích kinh tế từ cây mía đem lại, người dân trong xóm đã mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, ông Hoàng Văn Yêm, ở xóm Tổng Nưa cho rằng, với 1ha mía, thu hoạch được 56 tấn, trừ chi phí còn được gần 20 triệu đồng. Trước đây, cũng với diện tích đó, với cây ngô năng suất chỉ đạt 2,2 tấn, với tổng giá trị đạt hơn 7 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 4 triệu đồng.

Vui mừng trước thành công của mô hình cây mía giúp dân xóa đói, giảm nghèo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thị Hoa Lê Văn Sơn cho biết, mô hình trồng mía nguyên liệu xuất khẩu thành công, là nhờ sự phối hợp triển khai giữa địa phương với Bộ đội Biên phòng tỉnh. Cây mía giờ đã trở thành cây chủ lực của xã, hiện giờ Thị Hoa có hơn 300ha đất trồng mía, thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng người/năm. Hiện mô hình trồng mía xã Thị Hoa được nhân rộng ra toàn huyện Hạ Lang. Tính đến nay, tổng diện tích trồng mía toàn huyện Hạ Lang đã lên tới hơn 1.000ha mía, năng suất bình quân đạt từ 55 đến 60 tấn/ha; mỗi năm hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm hơn 7%. Nhờ đó, người dân đã mua được tivi, xe máy, xe tải để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, an ninh, trật tự tại địa phương được giữ vững, góp phần đẩy lùi những hủ tục, giữ gìn và phát huy văn hóa bản địa, người dân tích cực tham gia các phong trào BVANTQ, bảo vệ đường biên giới, giữ vững biên cương

Lưu Hiệp- Hà Ly
.
.
.