Bộ Công an kiến nghị:

Giữ nguyên hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm

Thứ Sáu, 17/04/2009, 09:32
Trong văn bản gửi UBTV Quốc hội ngày 13/4 cũng như trong phát biểu tại các phiên họp trước đó, Bộ Công an đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm. Theo Bộ Công an, tình hình tội phạm hiếp dâm đang có diễn biến phức tạp, xâm phạm nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người. Nếu bỏ hình phạt tử hình sẽ không đủ sức răn đe, phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 sau nhiều lần chỉnh lý, bổ sung, UBTV Quốc hội đang tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới đây. So với bản dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, nhiều vấn đề lớn đã được điều chỉnh, đáng chú ý là phạm vi loại bỏ hình phạt tử hình đối với một số điều luật. Vậy vì sao cần hạn chế áp dụng hình phạt tử hình? Nên loại bỏ hình phạt tử hình đối với những tội danh nào? Khi loại bỏ hình phạt tử hình, tác động xã hội đối với loại tội phạm đó có gì thay đổi?

5 căn cứ hạn chế áp dụng hình phạt tử hình 

Tại tờ trình của Chính phủ, việc hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình được lý giải: đây là xu hướng chung trong áp dụng chế tài hình sự của nhiều nước trên thế giới.

Năm căn cứ cơ bản để xem xét loại bỏ hình phạt tử hình, bao gồm: tính chất nghiêm trọng của tội phạm cũng như đặc điểm nhân thân của người phạm tội; yêu cầu bảo vệ khách thể bị xâm hại; thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội phạm cụ thể có quy định hình phạt tử hình; khả năng trấn áp tội phạm bằng các biện pháp ngoài tử hình; xu hướng chung trên thế giới thu hẹp dần và tiến tới loại bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình. Theo đó, việc điều chỉnh lần này thực hiện theo hướng hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với người phạm một số ít các tội đặc biệt nghiêm trọng.

BLHS hiện hành quy định 29 tội danh có hình phạt tử hình. Ban đầu, dự thảo đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với 17 tội danh, trong đó có tội tham ô tài sản, nhận hối lộ. Tuy nhiên, qua các phiên thảo luận, nay UBTV Quốc hội cho rằng chỉ nên bỏ hình phạt tử hình 8 tội danh, giữ lại 21 tội. Hai tội dự thảo ban đầu đề nghị bỏ hình phạt tử hình (tội tham ô tài sản và nhận hối lộ) nhưng kiến nghị này không nhận được sự đồng thuận của đa số ý kiến.

UBTVQH cho giữ lại hình phạt tử hình ở hai tội này và khẳng định: "Tệ tham nhũng hiện nay vẫn đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn nhiều hạn chế. Do vậy, đây vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, việc giữ lại hình phạt tử hình đối với loại tội phạm này thể hiện sự nhất quán, sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy lùi, trừng trị nghiêm khắc tội phạm tham nhũng".

Đối với tội khủng bố, khung hình phạt cao nhất trong BLHS hiện hành cũng như dự thảo mới vẫn là tử hình. UBTV Quốc hội nhận định: Tội khủng bố quy định tại Điều 84 của BLHS hiện hành có phạm vi điều chỉnh hẹp hơn cả về mục đích, đối tượng và hành vi phạm tội, trong khi các điều ước quốc tế liên quan chống khủng bố mà Việt Nam là thành viên lại luôn đặt tội phạm khủng bố trong mối liên hệ với nhiều loại tội phạm nguy hiểm khác. Việc sửa đổi, bổ sung tội khủng bố tạo điều kiện thuận lợi hơn trong hợp tác chống khủng bố.

Dự luật cũng đề nghị bỏ hình phạt tử hình ở tội hiếp dâm... 

3 kiến nghị của Bộ Công an

Tại nhiều cuộc họp lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS, đại diện lãnh đạo Bộ Công an đều khẳng định, việc sửa đổi BLHS, trong đó hạn chế hình phạt tử hình đối với một số loại tội phạm là cần thiết.

Ngày 13/4, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh ký Văn bản số 721/BCA gửi UBTV Quốc hội về việc tham gia ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS tiếp tục khẳng định quan điểm này.

Bộ Công an nêu 3 kiến nghị về dự thảo luật đối với: tội khủng bố (Điều 84); tội hiếp dâm (Điều 111); tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc chiếm đoạt chất ma tuý (Điều 194).

Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, việc áp dụng hình phạt tử hình vẫn cần thiết.

Trước đó, tại phiên họp UBTV Quốc hội tháng 3, thay mặt Bộ Công an, Thứ trưởng Trần Đại Quang cũng nêu rõ ý kiến của Bộ Công an xung quanh vấn đề này.

Ngày 15/4, tại phiên họp UBTV Quốc hội thứ 19, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm tiếp tục kiến nghị những vấn đề chính xung quanh dự thảo luật.

Bộ Công an cho rằng, cần xem xét lại khi dự thảo luật chuyển tội phạm khủng bố (Điều 84) chương XI (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) sang chương XIX (các tội xâm phạm trật tự an toàn công cộng) và xây dựng lại cấu thành của tội phạm này (Điều 230a).

Theo dự luật, cấu thành cơ bản của tội phạm vừa có mục đích chống chính quyền nhân dân, vừa có mục đích ép buộc chính quyền hoặc tổ chức quốc tế làm hoặc không làm một việc nhất định, gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng. Dự thảo luật bổ sung vào chương này tội tài trợ khủng bố (Điều 230b) với hành vi khách quan là huy động tiền, tài sản dưới bất cứ hình thức nào cho người hoặc tổ chức khủng bố.

"Tôi thấy cả hai mục đích của tội phạm nêu trên đều nhằm chống lại chính quyền Nhà nước CHXHCN Việt Nam, trực tiếp xâm phạm an ninh quốc gia. Hành vi tài trợ khủng bố cũng xâm phạm trực tiếp đến an ninh quốc gia. Vì vậy, tôi đề nghị quy định thành một chương riêng về các tội phạm khủng bố để xử lý hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố, huấn luyện, tuyển mộ phần tử khủng bố nhằm hoàn thiện hơn cơ sở pháp lý hình sự đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống khủng bố ở cả hai phương diện đối nội và đối ngoại trong tình hình hiện nay" - Thứ trưởng Lê Thế Tiệm phân tích.

Thứ trưởng cũng đề nghị, trong trường hợp chưa thực hiện được theo phương án tách thành chương riêng thì cần để tội phạm khủng bố ở chương XI như hiện hành và bổ sung tội tài trợ khủng bố vào chương này.

Xung quanh việc dự thảo đề xuất hai phương án: giữ nguyên hoặc tách điều luật "tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý" và đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, Bộ Công an cho rằng: Cần phải giữ lại hình phạt cao nhất là tử hình đối với tội danh này.

Thứ trưởng Lê Thế Tiệm lý giải: Tình hình tội phạm ma tuý ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Thời gian gần đây, cơ quan Công an đã xử lý nhiều vụ án mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý số lượng đặc biệt lớn, việc bỏ hình phạt tử hình đối với loại tội phạm này có thể tạo ra kẽ hở pháp lý để tội phạm lợi dụng. Đó là khi bị bắt, nếu không chứng minh được hành vi mua bán, chúng chỉ khai nhận là người vận chuyển, tàng trữ hoặc chiếm đoạt. Do đó, việc giữ hình phạt tử hình tội phạm này là cần thiết và quá trình áp dụng, tòa án sẽ lượng hình tuỳ tính chất nghiêm trọng của vụ án.

Quan điểm của Bộ Công an được nhiều ý kiến UBTV Quốc hội đồng thuận. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, rất khó để tách hành vi mua bán với hành vi vận chuyển, tàng trữ, chiếm đoạt chất ma tuý bởi các hành vi này có quan hệ móc xích với nhau, trong khi thực tế không dễ chứng minh độc lập hành vi mua bán trong mối quan hệ với các hành vi vận chuyển, tàng trữ, chiếm đoạt.

Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng viện dẫn: Thực tế, nhiều vụ án ma tuý lớn, kẻ chủ mưu, cầm đầu chỉ bị cáo buộc về hành vi tàng trữ hoặc vận chuyển bởi chúng thường không lộ mặt mua bán mà chỉ thuê người thực hiện hành vi này. Nếu tách điều luật và bỏ hình phạt tử hình ở tội vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý thì có khi kẻ cầm đầu nguy hiểm lại thoát án tử hình.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận kể, ông từng tham gia ban soạn thảo BLHS năm 1999 và khi đó, nhiều ý kiến tranh luận xung quanh điều luật này. Cuối cùng, vì tính chất tội phạm móc xích lẫn nhau và vì yêu cầu chống tội phạm ma tuý nên ban soạn thảo khi đó đã gộp các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chiếm đoạt vào một điều luật và quy định khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Trong văn bản gửi UBTV Quốc hội ngày 13/4 cũng như trong phát biểu tại các phiên họp trước đó, Bộ Công an cũng đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm. Theo Bộ Công an, tình hình tội phạm hiếp dâm đang có diễn biến phức tạp, xâm phạm nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người. Nếu bỏ hình phạt tử hình sẽ không đủ sức răn đe, phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng thuận của đa số đoàn đại biểu Quốc hội và dư luận.

8 điều luật dự kiến bỏ tử hình theo dự thảo luật

Tội hiếp dâm (Điều 111); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); tội buôn lậu (Điều 153); tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180); tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 197); tội chiếm đoạt máy bay, tàu thủy (Điều 221); tội đưa hối lộ (Điều 289); tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334).

Phan Đăng
.
.
.