Giữ “lá phổi xanh” còn nhiều kẽ hở

Thứ Tư, 18/01/2012, 14:46
Số vụ phá rừng và diện tích rừng bị phá gia tăng là một thực trạng đáng lo ngại ở tỉnh Phú Yên, nhưng điều đáng lo ngại hơn nữa là “lâm tặc” đã “chọc” thủng “lá phổi xanh ở những nơi cần phải bảo vệ nghiêm ngặt nhất.

Trong năm qua, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã xảy ra 279 vụ phá rừng trái phép, gây thiệt hại 117,4ha, tăng 62 vụ và 21ha so với năm trước. Đó là những con số đáng lo ngại đã được kiểm chứng từ báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên. Số vụ phá rừng và diện tích rừng bị phá gia tăng là một thực trạng đáng lo ngại, nhưng điều đáng lo ngại hơn nữa là “lâm tặc” đã “chọc” thủng “lá phổi xanh” của Phú Yên ở những nơi cần phải bảo vệ nghiêm ngặt nhất.

Bằng chứng rõ nét là 77,6ha rừng đặc dụng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai ở huyện Sơn Hòa đã bị tàn phá, chiếm 66% diện tích rừng bị thiệt hại trong toàn tỉnh. Nghiêm trọng hơn nữa chỉ trong vòng ba tháng, ông Nguyễn Thái Đắc - một người dân trú ở khu phố Tây Hòa, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, thuê nhân công lộng hành triệt hạ 27,8ha để làm nương rẫy. Và trong năm qua, huyện Sơn Hòa được coi là “điểm nóng” của nạn phá rừng làm nương rẫy ở Phú Yên.

Cơn sốt đất nương rẫy đã khiến cho nhiều vạt rừng ở Sơn Hòa bị tàn phá tan hoang.

Khi đề cập đến những con số, vụ việc cụ thể như thế, không ít người dân đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương. Ví như trường hợp ông Nguyễn Thái Đắc, lần đầu tiên tổ công tác phối hợp giữa Trạm kiểm lâm Thống Nhất và UBND xã Suối Trai phát hiện đối tượng này thuê nhân công dựng lán trại kiên cố tại lô 1, khoảnh 6, tiểu khu 220 để bám trụ, phá rừng lấy đất làm nương rẫy.

Do không kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, nên 5 tuần sau tổ kiểm tra trở lại hiện trường thì ông Đắc đã đốn hạ 53.000m2 rừng, trong đó có 17.000m2 đã gieo trồng mè. Biên bản lần thứ hai được xác lập, nhưng một lần nữa những người có trách nhiệm không có biện pháp mạnh, nên một tháng sau đó, ông Đắc huy động nhân công tiếp tục đốn hạ thêm 225.000m2 rừng, nâng tổng diện tích rừng bị xâm hại lên tới 278.000m2.

Và trên bản đồ lâm nghiệp, hiện trường vụ phá rừng nêu trên có vị trí lô, khoảnh và tiểu khu cụ thể, nhưng UBND huyện Sơn Hòa phải tổ chức nhiều cuộc họp để tìm chủ rừng. Đến khi Trung tâm Quy hoạch thiết kế nông nghiệp – phát triển nông thôn Phú Yên vào cuộc kiểm tra thực địa, thì mới phát hiện chủ rừng chính là… xã Suối Trai.

Hồ sơ vi phạm đã được chuyển giao cơ quan điều tra xử lý hình sự với diện tích phát trắng 7,5ha, phần còn lại xử lý hành chính. Nhưng từ vụ việc này cho thấy công tác quản lý rừng của chính quyền cơ sở đã buông lỏng, UBND huyện Sơn Hòa cần rà soát, chấn chỉnh để tránh bỏ lọt những khoảnh rừng “vô chủ”

Hữu Toàn
.
.
.