"Giết" rừng cho thú chơi cổ thụ

Thứ Năm, 10/05/2007, 15:59
Hiện tại, ở Đắk Lắk, nhiều người đang coi chơi cổ thụ là mốt của đại gia. Để đáp ứng nhu cầu, một đội quân chuyên nghiệp sẵn sàng đáp ứng, "loại gì cũng có, cứ đặt hàng trước vài tuần là được" - một chủ vườn khẳng định.

"Bây giờ, cây cảnh, bonsai đã lỗi thời rồi. Nếu là đại gia, phải chơi cổ thụ, càng lớn càng oách. Và có cầu ắt phải có cung, một đội quân hùng hậu hiện đang âm thầm lùng sục trong các cánh rừng để tìm kiếm, đào bới cho bằng được các cây cổ thụ về bán." - H., một tay “tổ sư” nghề săn cổ thụ ở phố núi, tiết lộ.

Thú chơi cổ thụ của một số người tại Đắk Lắk đang góp phần giết chết rừng tận gốc!

Đi "săn" cổ thụ

Tôi lẽo đẽo bám theo H. vào rừng một chuyến để tận mắt chứng kiến "công nghệ đào bới" diễn ra như thế nào. H. bảo: Chuyến này mục đích là để chú mày tận mắt chứng kiến thôi, vì thế nên đi gần. Chiếc Hyundai trọng tải 8 tấn lặng lẽ bò vào rừng, trên xe đủ các loại thừng, cáp, búa và cuốc…

Cùng đi với H. là 4 tay thợ còn trẻ măng. Xe dừng lại ở đầu dốc, cả nhóm thợ lập tức nhảy xuống, mỗi người lăm lăm mỗi con dao phát để dọn đường.

“Con mồi” mà cả nhóm nhắm đến là gốc si đầu con suối nhỏ. H. nói rằng, gốc này đã tăm thấy từ trước tết nhưng còn mải đi "đánh" mấy cái xa hơn nên chưa đụng đến.

Miệng nói tay phát, chỉ một loáng sau, cả vạt rừng xung quanh gốc si chỉ còn lại bãi đất trống.

Cả hội bắt đầu đào. H. vừa bới đất vừa nhắc nhở thợ không được làm hỏng bộ rễ, bởi theo H., gốc si này chỉ ăn vì bộ rễ đẹp chứ không phải vì gốc lớn.

Sau khi cho cây nằm xuống một cách rất nhẹ nhàng là việc cắt, tỉa cành rễ để dễ bỏ lên xe. Với chiếc xe có gắn trục tời dây cáp thì việc chuyển gốc cây to vài người ôm lên thùng xe là khá dễ dàng.

Đến quá trưa thì mọi việc đã đâu vào đấy. Cả nhóm thợ ra về, bỏ lại đằng sau một vạt rừng tan hoang, nham nhở. Tôi nhẩm tính: để đào được một gốc cổ thụ thì ít nhất cũng phải phát quang hàng chục mét vuông cây rừng!

Một vốn bốn lời

Dọc theo quốc lộ 26, 27 (thuộc địa phận các huyện Krông Pắk, Krông Ana), thấp thoáng trong các khu vườn cây cảnh hoặc các quán cà phê vườn là những vườn cổ thụ đang được chủ nhân chăm sóc chờ khi có khách được giá.

Quán cà phê M.H. nằm cạnh quốc lộ 26, phía ngoài như bao nhiêu quán khác nhưng khi đến đây khách tha hồ mà trầm trồ trước vườn cây hoành tráng với đủ các loại si, đa, bằng lăng, lộc vừng…

Ông chủ bảo: Chưng đấy cho đẹp, nhưng khách muốn mua vẫn bán. Tôi làm bộ rụt rè hỏi cây lộc vừng cỡ to hơn bắp chân, cao khoảng 1,5 mét, đã bắt rễ chắc chắn trong chậu thì được trả lời: 3 triệu! Tôi cò kè: Thế thì bác lãi nhiều quá, cây này mua của bọn đi săn thì chừng hơn triệu là cùng.

Ông chủ từ tốn giải thích: Đúng là mua rẻ bán đắt, nhưng mà mua về phải bỏ công ra chăm sóc, tỉa cành tỉa rễ, bỏ chậu, qua bao nhiêu công đoạn nữa thì giá nó như vầy là phải.

Rồi ông ta trỏ vào gốc bằng lăng chừng hai người ôm đang tọa cuối vườn bảo: trên 10 triệu đấy!

Theo ghi nhận của chúng tôi: Một số chủ vườn không hề giấu giếm, thậm chí còn trưng cây ra trước vườn nhà để mời khách, thế nhưng vẫn không bị bắt giữ hay bị xử lý?!

Theo giải thích của ông K., một người chơi cổ thụ nghiệp dư thì: Kiểm lâm chỉ bắt khi phát hiện đang săn thôi, chứ khi đã về vườn nhà, trồng vào chậu rồi thì làm sao mà bắt được nữa!

Hiện tại, ở Đắk Lắk, nhiều người đang coi chơi cổ thụ là mốt của đại gia, chí ít là của những người đang ăn nên làm ra. Dạo quanh một vòng phố núi, có thể dễ dàng ghi nhận hình ảnh: Trước mỗi ngôi nhà, biệt thự, thậm chí là trước trụ sở công ty, chủ nhân thường "trưng" một gốc cổ thụ để làm cảnh. Để đáp ứng nhu cầu, một đội quân chuyên nghiệp sẵn sàng đáp ứng, "loại gì cũng có, cứ đặt hàng trước vài tuần là được" - một chủ vườn khẳng định.

Có thể nói, việc khai thác, mua bán cây cổ thụ đang đem lại những khoản thu nhập lớn cho một số người. Chính vì vậy, họ đã cố tình bỏ qua luật pháp để khai thác và buôn bán lâm sản trái phép, từng ngày làm nghèo đi tài nguyên rừng.

Đã đến lúc cơ quan chức năng địa phương cần có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn việc khai thác, buôn bán cây cổ thụ nhằm bảo vệ những khoảng rừng còn lại trước khi chúng bị diệt tận gốc

Tuấn Thiện
.
.
.