Giếng nước bất ngờ phun cao 20m: Lo ngại nguy cơ sụt lún

Thứ Năm, 04/06/2015, 10:03
Ngày 1/6, khi tiến hành khoan giếng trên rẫy của gia đình ông Nguyễn Văn Bảnh (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thì bất ngờ giếng nước phun cao, có lúc tới 20m. Theo các nhà khoa học, đây không phải hiện tượng bất thường tuy nhiên nếu không kịp thời khống chế, việc phun nước thời gian dài có thể gây ra nguy cơ sụt lún nền đất khu vực. Ngoài ra, nhiều khả năng, nguồn nước phun lên là nước khoáng, do đó cần phải bảo vệ và sử dụng hợp lí, tránh phun trào lãng phí…

Là chuyên gia về tài nguyên nước, TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu khẳng định: “Nguồn nước ngầm chỉ phun lên trong 2 trường hợp: áp suất tại chỗ và áp suất nối thông. Với trường hợp này, nếu chỉ có túi nước nhỏ thì với áp suất tại chỗ, nước không thể phun cao tới 20m, trong thời gian dài như vậy. Nhiều khả năng ở dưới có một túi nước nối thông với một nguồn nước rất lớn ở trên cao, tạo ra áp lực rất mạnh từ trên xuống”.

Vị chuyên gia này cũng tỏ ra lo ngại: “Ở một vùng đất khô hạn như vậy mà có nguồn nước lớn phun lên, đây là chuyện tốt. Nếu đó là nước sạch thì sẽ là nguồn dự trữ nước rất lớn cho người dân. Tuy nhiên, nếu không khống chế được nguồn nước này sẽ gây lãng phí, đồng thời có thể gây nguy cơ sụt lún tại khu vực do lòng đất bị rỗng. Với giếng nước phun cao tới 20m, việc khống chế là không dễ. Do vậy cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng tại địa phương, người dân không thể tự làm được. Đây là lúc các nhà khoa học phải lên tiếng giúp người dân, xác định nguồn gốc nước ấy từ đâu, chất lượng thế nào”.

Mặc dù cho rằng nguồn nước ngầm cơ bản tốt, song TS Tứ cũng khuyến cáo người dân khu vực không nên vội vã sử dụng nguồn nước tại đây. “Người dân nên chờ đợi kết luận của cơ quan chức năng về chất lượng nguồn nước, xem nó có nhiễm độc, nhiễm asen hay không. Việc kiểm định chất lượng nước có thể được thực hiện rất dễ dàng, nhanh chóng” - TS Tứ nhấn mạnh.

Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không vội vã sử dụng nguồn nước từ giếng phun.

Là chuyên gia địa chất đã từng phối hợp cùng các chuyên gia Nga khảo sát khu vực này, ông Đỗ Tiến Hùng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Địa chất khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên - Môi trường), nguyên Giám đốc Trung tâm điều tra quy hoạch tài nguyên nước quốc gia khẳng định, hiện tượng giếng nước tự phun lên không có gì bất thường, nhiều nơi cũng đã xảy ra những hiện tượng tương tự. Tuy nhiên, nhiều khả năng đây không phải nguồn nước bình thường, mà là nước khoáng. “Khu vực này có tiềm năng nước khoáng rất lớn.

Trước năm 1975, nơi đây đã có giếng khoan, phát hiện được nguồn nước khoáng. Sau đó, người dân lẻ tẻ đào giếng bằng tay cũng phát hiện ra nước khoáng. Nhà nước cũng đã đầu tư thăm dò và đăng kí thương hiệu nước khoáng ở đây, với cái tên “nước khoáng suối Nghệ”. Điều bất thường ở đây là giếng nước phun cao tới 20m, chứng tỏ túi nước bên dưới rất lớn, do đó cần phải khảo sát kĩ lưỡng để có phương án bảo vệ, sử dụng hiệu quả” – ông Hùng nói.

Vị chuyên gia này cũng khẳng định, khu vực khoan giếng có nền địa chất tốt, chủ yếu là đá bazan, nên khó có thể tạo ra nguy cơ sụt lún nền đất. Tuy nhiên, khu vực này có tích tụ CO2 rất lớn, vì thế người dân không nên xuống vị trí đào giếng để đảm bảo an toàn. 

“Trước đây, khi tôi cùng các chuyên gia Nga khảo sát khu vực này, đã từng có người chết vì ngạt khí CO2 khi xuống các giếng đào. Do hoạt động kiến tạo địa chất, nơi đây rất nhiều khí CO2. Người dân có thể quan sát, vào mùa mưa, rất nhiều nơi sủi bọt, đó là bọt khí CO2. Nếu bắt buộc phải xuống các giếng đào, người dân nên trang bị bình tiếp khí để tránh bị ngộ độc” – ông Hùng nhấn mạnh.

Phân tích, xét nghiệm mẫu nước ngầm 

Chiều 3/6, đoàn công tác của Sở KH&CN, Sở TN&MT cùng huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đến khu vực giếng khoan trong vườn nhà ông Nguyễn Văn Bảnh (thôn Bàu Điển, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) để lấy mẫu nước, tìm hiểu nguyên nhân dòng nước giếng phun cao khoảng 15m trong ba ngày qua.

Theo cán bộ Sở KH&CN, do quá trình kiến tạo địa chất hoặc do trầm tích sinh ra khí nên khi khoan vào gặp túi nước sẽ xảy ra hiện tượng phun trào do chênh lệch áp suất. Đây là hiện tượng bình thường và nước sẽ dừng phun khi áp suất giảm.

Trong thời gian chờ kết quả phân tích, Sở KH&CN đề nghị người dân hạn chế sử dụng trực tiếp và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Bách Nhật

Khánh Vy
.
.
.